Y tế

Làm gì để giữ sức khỏe cho trẻ ngày nắng nóng?

26/05/2020, 06:51

Làm sao vừa đảm bảo học tập hiệu quả, vừa giữ sức khỏe cho học sinh khi nguy cơ dịch Covid-19 vẫn hiện hữu là vấn đề lớn...

img
Học sinh trường tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp, TP HCM) tăng cường uống nhiều nước để giải nhiệt. Ảnh: Nguyên Hằng

Năm học 2020 kéo dài tới giữa tháng 7, đúng thời điểm nắng nóng gay gắt diễn ra tại Bắc Bộ và Trung Bộ. Làm sao vừa đảm bảo học tập hiệu quả, vừa giữ sức khỏe cho học sinh khi nguy cơ dịch Covid-19 vẫn hiện hữu là vấn đề lớn đòi hỏi có sự quan tâm, hợp tác từ phụ huynh và các cơ sở giáo dục.

Tá hỏa khi trẻ chảy máu cam, sốt khi đi học ngày hè

Giữa những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới hơn 40 độ C, chị Phạm Thu Thủy, phụ huynh học sinh có con đang học lớp 3 trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ: Gia đình đã chuẩn bị cho con bình nước đầy nhưng vẫn chưa yên tâm khi con học cả ngày trong tình trạng điều hòa của lớp “có cũng như không”.

“Lớp học gần 40 cháu, lại ở trên tầng, dù được lắp 2 điều hòa nhưng chỉ hoạt động được 2 ngày đầu nắng nóng. Những ngày sau, con kể dù điều hòa để ở 17 độ C cũng nóng như rang, ngồi học mồ hôi nhễ nhại, ướt đầm áo. Có bạn cuối buổi chiều cô giáo đo nhiệt độ cơ thể lên hơn 38 độ C, sốt nhẹ nên phải gọi phụ huynh tới đón. Trước đó có bạn quên mang theo bình nước đã có dấu hiệu lả đi trong lớp học”, chị Thủy cho hay.

Tương tự, chị Nguyễn Kim Oanh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết, con trai lên lớp 5 nên học kín lịch cả tuần. “Chiều hôm trước nắng chang chang, cháu vừa đạp xe về tới nhà thì bị chảy máu cam khiến cả nhà hốt hoảng. Nắng nóng mà học hai buổi ở trường như vậy chưa rõ có hiệu quả hay không nhưng sức khỏe của con bị ảnh hưởng thì đã thấy rõ”, chị Oanh lo lắng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, cô Nguyễn Lan H., giáo viên của một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết: “Sau dịch bệnh, việc học sinh phải đến lớp trong điều kiện nắng nóng của ngày hè là cực chẳng đã. Mặc dù lớp học trang bị điều hòa nhưng với nền nhiệt độ ngoài trời lên đến 39 - 40 độ C, mỗi lớp xấp xỉ 45 - 50 học sinh thì tình trạng nóng bức vẫn xảy ra khiến hiệu quả học cũng giảm sút theo”.

Cũng theo cô H., với cơ sở vật chất như hiện tại, nhà trường cũng cố gắng bố trí học 1 buổi/ngày vào buổi sáng để tránh nắng nóng cho học sinh các khối 6, 7, 8. Riêng với khối 9 là cuối cấp nên buộc phải tăng cường thêm ca hai. Biện pháp duy nhất nhà trường có thể làm là đảo lớp học, đưa các con xuống tầng 1, 2 để tránh hơi nóng như ở các tầng trên. “Với chủ trương giảm tải chương trình giảng dạy, thiết nghĩ thời gian hoàn thành năm học có thể rút ngắn được hơn nữa, thay vì tới giữa tháng 7. Bởi thực tế, thời tiết khắc nghiệt, trẻ đến trường cũng khó có thể tập trung vào việc học”, cô H. đề xuất.

Cũng nhằm giảm nhiệt cho học sinh khi trường chưa có điều kiện lắp điều hòa, một trường THCS trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cũng linh hoạt đổi hình thức học từ đến trường sang học trực tuyến vào những ngày quá nắng nóng, giúp học sinh giữ sức khỏe. Thậm chí, các lớp học chủ động thuê điều hòa và bố trí học đan xen vào các buổi sáng, tránh để học sinh học dưới thời tiết khắc nghiệt.

Hạn chế vận động ngoài trời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo cơ quan khí tượng thủy văn, nắng nóng gay gắt sẽ tập trung từ giữa tháng 5 tới hết tháng 6 tại Bắc Bộ; Từ tháng 4 đến hết tháng 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Trong khi đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT đã quyết định kéo dài thời gian của năm học 2020 tới giữa tháng 7 và có văn bản yêu cầu các địa phương, nhà trường chủ động sắp xếp lịch học, cơ sở vật chất sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dịch bệnh TP Hà Nội cho biết: “Nắng nóng thường kéo theo nhiều dịch bệnh của ngày hè đối với trẻ, cũng vì thế có quy định nghỉ 3 tháng hè để trẻ tránh nắng nóng. Tuy nhiên, đặc thù của dịch bệnh Covid-19 khiến năm học này kéo dài nên các trường học cần lưu ý việc đảm bảo đủ nước uống cho học sinh, phòng tránh cho trẻ mất nước. Hơn nữa, với các trường tổ chức ăn bán trú cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi nắng nóng dễ làm thực phẩm ôi thiu, dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm hoặc gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ”.

Tương tự, PGS. BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: Mùa hè nhiệt độ và độ ẩm không khí tăng cao bất thường kéo theo nguy cơ trẻ bị suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng. “Khi trẻ ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới mất nước và chuột rút, trong khi cơ thể không thải đủ nhiệt sẽ dẫn tới suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng cần cấp cứu”, ông Dũng nói.

Theo BS. Dũng, hiện tượng chuột rút, kiệt sức vì nóng hay say nóng thường xuất hiện ở trẻ lớn tham gia hoạt động thể lực kéo dài dưới nắng nóng, ví dụ trong giờ chơi thể thao. Do vậy, giáo viên và nhà trường cần hạn chế tuyệt đối các hoạt động ngoài trời đối với trẻ trong những ngày nắng nóng, đồng thời đảm bảo trẻ luôn được bù nước kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Hải Phòng: Cho học sinh không bán trú vào trường sớm

Ngày 23/5, TP Hải Phòng có văn bản về việc thực hiện mở cổng trường cho học sinh không bán trú được vào trường trong thời gian học sinh bán trú nghỉ trưa. Động thái này diễn ra sau khi xảy ra sự việc một học sinh lớp 1 tới trường sớm vào đầu giờ chiều phải đứng ngoài cổng giữa trời nắng, khiến dư luận bức xúc.

Trước đó, ngày 22/5 Sở GD&ĐT Nghệ An đã ra văn bản khẩn yêu cầu các các đơn vị giáo dục trên địa bàn điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp trên cơ sở có sự đồng thuận của phụ huynh và học sinh. Đặc biệt đối với các lớp 6, 7, 8 trong thời tiết nắng nóng, các trường không tổ chức dạy thêm và học thêm để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.