Chuyện dọc đường

Làm gì để ngăn những vụ tự tử đau lòng?

11/05/2022, 15:07

Bất luận là vì lý do gì đi chăng nữa, hành động của nữ giáo viên ở Hải Dương là cách giải quyết tình huống rất tiêu cực.

“Tìm thấy thi thể 3 mẹ con nữ giáo viên mất tích trên sông Thái Bình”. Đó là tiêu đề mà nhiều tờ báo đồng loạt đưa trong ngày 10/5 về vụ nữ giáo viên ở Hải Dương tự tử cùng hai con nhỏ.

Thực sự tôi chỉ dám lướt qua mà không không dám đọc hết bản tin đó. Bởi nó quá đau lòng!

img

TS Khuất Thu Hồng

Với mỗi con người sống trên cuộc đời này, thứ quý giá nhất chính là tính mạng và sức khoẻ. Những cái chết bất thường chỉ xảy ra khi có thiên tai, địch hoạ, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ…

Bởi thế, tôi không hiểu lý do gì mà nữ giáo viên ở Hải Dương lại tìm đến cái chết, và không chỉ một mình chị ấy. Hai cháu bé con của nữ giáo viên, mới chỉ 9 tháng tuổi và 2 tuổi. Thực sự quá ám ảnh.

Không ai rõ nguồn cơn dẫn tới sự việc đau lòng này là gì. Nếu nghĩ rằng nữ giáo viên muốn mình các con kết thúc cuộc đời để trả thù ai đó, hay quá phẫn uất điều gì đó…., tất cả cũng chỉ là phỏng đoán.

Nhưng bất luận là vì lý do gì đi chăng nữa, hành động của nữ giáo viên là cách giải quyết tình huống rất tiêu cực. Bản thân tìm đến cái chết đã là hành động dại dột, còn hai cháu nhỏ, các cháu nào có tội tình gì?

Điều đáng nói là thời gian gần đây xảy ra không ít những vụ việc tương tự, khiến dư luận không khỏi xót xa.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần làm gì để những vụ việc đó không còn tái diễn?

Thông thường, trước khi tìm tới cái chết, các nạn nhân thường có những biểu hiện, hành động, lời nói… khá bất thường. Nhưng để nhận biết được những biểu hiện này cũng không dễ dàng, nếu người thân thật sự không quan tâm, sẻ chia.

Những biểu hiện bất thường đó là kết quả của một quá trình dồn nén những bức xúc, thất vọng hay đau khổ về cuộc sống không được như mong muốn; của những áp lực vô hình mà họ không dễ dàng, không sẵn sàng chia sẻ với ai.

Nhưng cũng rất có thể nguyên nhân là do bệnh lý, như trầm cảm, rối loạn cảm xúc…., cần phải được điều trị bằng thuốc hay liệu pháp tâm lý phù hợp. Thời gian qua, trầm cảm sau sinh đã được nhắc tới rất nhiều sau những vụ việc thương tâm.

Bởi thế, hơn hết, trong cuộc sống gia đình, vợ chồng cần quan tâm chia sẻ nhiều hơn để vun đắp hạnh phúc, chăm sóc và yêu thương con cái.

Và đôi khi, cuộc sống còn khó khăn, còn có những điều không như mong đợi, thì cũng không nên coi đó là đường cùng. Bởi chẳng có khó khăn nào mà không có cách giải quyết.

Và kể cả người chồng hay người vợ, hãy nghĩ rằng việc có con, được nhìn thấy các con khôn lớn, trưởng thành mỗi ngày là niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời.

May mắn đó không phải ai cũng có được, vì còn rất nhiều người khác vẫn từng ngày, từng giờ khát khao được nghe tiếng trẻ gọi “bố mẹ ơi!”…

Xét ở khía cạnh xã hội, cũng cần thừa nhận là hiện nay chúng ta gần như không có các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, sức khoẻ tâm thần cho những người bị sang chấn tâm lý. Nếu có thì chỉ là một vài trung tâm tư nhân với mức giá từ 500 nghìn - 1 triệu đồng/giờ- một mức chi phí mà không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận.

Trên thực tế, người bị trầm cảm thường rất ngại đến các phòng khám chuyên khoa, do đây là vấn đề tế nhị.

Trong khi theo ước tính, có khoảng 15% dân số Việt Nam (tương đương 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần.

Vì thế, việc thành lập đường dây nóng để hỗ trợ người đang gặp phải các vấn đề về tâm lý, trầm cảm là hết sức cần thiết. Đây sẽ là chỗ dựa tinh thần cho những người bị trầm cảm.

Có thể chỉ một cuộc nói chuyện qua điện thoại cũng đã góp phần trực tiếp cho cá nhân đó suy nghĩ lại hành vi của mình, có thêm cơ hội để cứu một con người.

TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội- ISDS)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.