Kinh tế

Làm gì để Sài Gòn thành trung tâm tài chính khu vực?

01/09/2019, 06:36

Với vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, hàng năm TP.HCM đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách.

img
TS. Trần Du Lịch

Sản lượng công nghiệp thành phố chiếm khoảng 30% giá trị sản lượng toàn quốc... Tuy nhiên, thời gian qua sự phát triển của “Hòn ngọc Viễn Đông” một thuở có phần chững lại. Báo Giao thông trao đổi với TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ để góp phần giải đáp câu hỏi này.

Giải bài toán hạ tầng giao thông

Theo ông, đâu là những vấn đề mà thành phố đang gặp phải và cần sớm giải quyết?

Điều mà TP HCM cần quan tâm hiện nay là thành phố vẫn còn nhiều điều bất cập. Hiện nay, một trong những thách thức lớn của TP là tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó việc khó kết nối hạ tầng giao thông của thành phố với các địa phương trong khu vực. Nếu thành phố không giải được những bài toán này chắc chắn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế lâu dài.

Rồi vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thành phố hướng đến xây dựng trở thành trung tâm tài chính quốc tế, vậy công tác đào tạo nguồn nhân lực như thế nào để đáp ứng?

TP HCM đã từng là nơi lập nghiệp của doanh nhân cả nước, trong thời đại mới thành phố phải tiếp tục trở thành là nơi “khởi nghiệp” thành công của các doanh nghiệp trong khu vực. Chẳng hạn, bây giờ Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam hướng tới năng lực cạnh tranh quốc gia ở tầm ASEAN 4, thì TP HCM phải đi đầu. Trong vấn đề này, TP HCM phải trở thành trung tâm, hay nói nôm na là một sự vượt trội.

Hay nói cách khác, quản lý của thành phố phải thị trường hơn các nơi ở trong nước. Nếu cả nước hướng tới thị trường thì TP HCM phải thị trường hơn. Những vấn đề đó theo tôi là phải làm để khẳng định vị trí, vai trò trung tâm của TP HCM.

Hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế

img
Sự phát triển của TP HCM đang bị hạn chế bởi những bất cập trong hệ thống hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông

Vừa qua, thành phố tổ chức lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia để xây dựng TP HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực, ông đánh giá như thế nào về đề án này?

Thực ra đây không phải là vấn đề mới mà đã từng đặt ra từ gần 20 năm trước. Quá trình phát triển, TP HCM tự thân nó đã hình thành nên một trung tâm tài chính của khu vực phía Nam, với chức năng chuyển tải nguồn vốn, phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng. Đặc biệt, TP HCM cũng trở thành nơi nối kết hoạt động tài chính của khu vực. Chính vì vậy, từ năm 2002, theo Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã định hướng cho TP từng bước xây dựng trung tâm tài chính của Việt Nam và hướng tới là trung tâm tài chính của khu vực ASEAN.

Sau đó, TP HCM cũng đã nhiều lần xây dựng các đề án, tuy nhiên việc xây dựng trung tâm tài chính vẫn chưa thực hiện được.

Gần đây, với chủ trương thành phố tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính khu vực, tôi nghĩ rằng để thực hiện điều này trước hết phải thấy rằng, đây là vấn đề mang tính quốc gia, là chủ trương của Chính phủ chứ không phải của riêng TP HCM. Thành phố chuẩn bị những vai trò, chức năng hỗ trợ trong phạm vi thành phố, nhưng về chính sách, về quan điểm phát triển thì phải chủ trương từ Trung ương.

Trước đây, năm 2007, trong đề án phát triển thị trường tài chính Việt Nam, Chính phủ cũng đã có chủ trương xây dựng TP HCM trở thành Trung tâm tài chính khu vực, nhưng từ chủ trương đến đề án cụ thể vẫn còn khoảng cách. Giờ xử lý khoảng cách đó như thế nào để chúng ta đưa đề án vào thực tiễn, đó là trách nhiệm chung chứ không phải riêng gì thành phố.

Vậy để hiện thực hóa điều này, đâu là những việc cần làm?

TP HCM thu ngân sách bằng 4 thành phố lớn cộng lại
Sở Tài chính TP HCM cho biết thu ngân sách trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 193.310 tỉ đồng, đạt 48,43% dự toán. Trong đó thu nội địa ước đạt 121.825 tỉ đồng, chỉ đạt 45% dự toán. Nguyên nhân là do Trung ương giao dự toán thu ngân sách TP HCM năm 2019 lên đến gần 400.000 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng số dự toán thu ngân sách 2019 của 4 TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ là 365.900 tỉ đồng.


Để làm được, tôi nghĩ cần thực hiện mấy việc. Thứ nhất, thành phố phải xây dựng được một đề án khả thi, trong đề án phác thảo lộ trình tái khẳng định vị trí vai trò trung tâm tài chính quốc gia và vươn tới giao lưu với các trung tâm tài chính khu vực, rồi lựa chọn mô hình để gắn với quá trình phát triển, mở cửa thị trường tài chính Việt Nam với thế giới, từng bước có những vai trò nhất định.

Về dài hạn cần hướng tới thị trường quốc tế, nhưng trước mắt TP phải khẳng định là trung tâm tài chính quốc gia trước rồi mới vươn ra khu vực, đó là những bước đi vững chắc. Nhưng những bước đi đó tùy thuộc vào việc TP có khẳng định được mình tiếp tục phải là trung tâm kinh tế, là đầu tàu của cả nước hay không. Vai trò trung tâm kinh tế mới là quan trọng.

Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết cho phép TP HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn, với 5 lĩnh vực cụ thể. Theo ông đến nay thành phố đã tận dụng những cơ chế gì để tạo đột phá?

Tôi cho rằng những cơ chế đặc thù cho TP HCM là cần thiết, nhưng chưa đủ để thành phố bứt phá. Vấn đề mạnh hơn là phải phân cấp phân quyền, cơ chế công vụ, đặc biệt là phân quyền về ngân sách, tự chủ về ngân sách, chứ còn nếu như thế này chưa đủ để tạo được động lực để TP bứt phá.

Ông có thể nói rõ hơn việc tự chủ về ngân sách của thành phố là như thế nào?

Hiện nay, chúng ta duy trì một cơ chế ngân sách Nhà nước lồng ghép Trung ương - địa phương, dựa trên việc chi rồi tính ngược lại tỉ lệ điều tiết, chứ không dựa theo nguồn thu. Trong khi cân đối ngân sách địa phương phải đứng trên quan điểm nguồn thu theo Luật Ngân sách chứ không phải cò kè bớt một thêm hai, rồi thành phố chỉ được giữ lại 23%.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã nói rõ ba cơ chế phân quyền, ủy quyền và phân cấp thì ngân sách cũng phải vậy. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương là tự chủ về ngân sách và nâng cao vai trò của HĐND. Một trong những nội dung cần thí điểm là kiến nghị cơ chế cho thành phố chủ động được nguồn thu, chứ không phải đi xin điều tiết thêm cái nọ, cái kia. Về lâu dài, mô hình này nên áp dụng cho nhiều đô thị khác chứ không phải chỉ TP HCM.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.