Công nghệ

Làm gì để Việt Nam không lỡ chuyến tàu công nghệ 4.0?

15/02/2018, 06:37

Việt Nam nên chọn con đường phù hợp với điểm xuất phát và thế mạnh để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

6

Ông Đàm Việt Dũng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đàm Việt Dũng, Giám đốc phụ trách Kinh tế số, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho rằng, Việt Nam nên chọn con đường phù hợp với điểm xuất phát và thế mạnh để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)

Việt Nam từng thành công khi đi tắt đón đầu phát triển công nghệ viễn thông. Vậy với CMCN 4.0 hiện nay có cơ hội nào cho Việt Nam lặp lại kỳ tích trên? Bài học từ các nước đang chuẩn bị cho cuộc cách mạng lần thứ 4 ra sao thưa ông?

Việt Nam đã phát triển rất tốt cơ sở hạ tầng và dịch vụ viễn thông trong thời kỳ trước, thành công này đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu như thời kỳ trước chúng ta đã phổ cập thành công Internet, viễn thông di động đến từng cá nhân, khu vực, lần này chúng ta cần phải đưa công nghệ số và những ứng dụng của công nghệ số đến mọi đối tượng chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Đó sẽ là một nền tảng tốt để tạo ra những kỳ tích khi bước vào CMCN 4.0.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có sự chuẩn bị rất tốt cho CMCN 4.0 bằng cách xác định được thái độ ứng xử phù hợp với những xu hướng công nghệ và kinh doanh mới, thiết lập chiến lược quốc gia và với lộ trình thực hiện đồng bộ giữa các ngành nghề, địa phương. Ví dụ, với nhận định Trí tuệ nhân tạo (A.I - artificial intelligence) là công nghệ chiến lược tương lai, sẽ ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia, Trung Quốc gần đây đã thông qua chiến lược phát triển A.I với mục tiêu đuổi kịp các quốc gia hàng đầu vào năm 2020, hoàn thành nền tảng cơ bản A.I vào năm 2025 và để trở thành cường quốc số một thế giới trong lĩnh vực này vào năm 2030. Đi cùng với kế hoạch là hàng tỉ USD đầu tư ban đầu để hỗ trợ các ý tưởng “moonshot”, các nghiên cứu cơ bản và những startup về A.I.

Để đi tắt đón đầu cuộc cách mạng lần thứ 4, Việt Nam cần chọn lĩnh vực gì và khả năng thành công ra sao?

CMCN 4.0 được xây dựng trên nền tảng các cuộc cách mạng trước đó mà chúng ta đã không tận dụng được triệt để, vì thế để đi tắt đón đầu cuộc cách mạng này sẽ là một thử thách lớn. Chúng ta nên chọn con đường 4.0 phù hợp với điểm xuất phát hiện tại và với thế mạnh của mình.

CMCN 4.0 mới chỉ bắt đầu, tương lai phía trước vẫn còn là một ẩn số lớn. Những công nghệ như máy in 3D, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, robot... sẽ còn tạo ra nhiều đột phá trong mọi lĩnh vực kinh doanh, sản xuất.

Để vững chắc bước vào CMCN 4.0, một số việc chúng ta có thể làm ngay như phát triển nguồn nhân lực kế cận phục vụ nhu cầu phát triển trong thời kỳ 4.0, tạo tiền đề cho sự dịch chuyển sang nền kinh tế tri thức: Phát triển kỹ năng số, khoa học dữ liệu, tăng cường khả năng sáng tạo cho sinh viên, gắn liền với các bài toán thực tế của nền kinh tế, phổ cập công nghệ thông tin, số hóa đến người dân.

Song song với đó, cần cấp thiết xây dựng môi trường kinh doanh và hạ tầng cho phép các ngành nghề mới phát triển: Phát triển hạ tầng số và hệ thống dữ liệu tập trung, hệ dữ liệu mở, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cho phép ứng dụng những công nghệ mới, mô hình mới vào thực tế.

Nếu làm tốt được điều này thì chúng ta sẽ có thể đón nhận được những cơ hội mà CMCN 4.0 tạo ra để đem phồn vinh về cho dân tộc, đất nước.

5

Công nhân lắp ráp ô tô trên dây chuyền hiện đại tại nhà máy của Tập đoàn Hyundai Thành Công - Ảnh: VGP 

Theo quan sát của ông, sự chuẩn bị của các DN VN đón đầu Công nghiệp 4.0 ra sao?

Ngoại trừ một vài công ty nằm trong lĩnh vực công nghệ đã thực sự cảm nhận được sự chuyển đổi mang tính đột phá của CMCN 4.0, đa phần doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa có được nhận thức đúng và sự chuẩn bị cần thiết. Ví dụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp còn rất thấp, đặc biệt là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi đó là cơ sở để từng bước đưa vào những ứng dụng và giải pháp mang tính đột phá về năng suất lao động cũng như cơ hội tiếp cận thị trường mới.

DN Việt sẽ phải đương đầu với những thách thức gì, thưa ông?

Thời gian vừa qua và sắp tới, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức mới như cuộc chiến chưa có hồi kết giữa Uber/Grab và taxi truyền thống; Airbnb & khách sạn; Truyền hình & Youtube, Netflix, thương mại điện tử… Những xu hướng toàn cầu này là không thể lay chuyển, vì vậy, cách đương đầu tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam là thay đổi cách chúng ta ứng xử với những xu thế mới: Chủ động nâng cao năng lực, chủ động tiếp cận những công nghệ, mô hình kinh doanh mới để sớm tìm ra mô hình phát triển riêng cho mình trong thời kỳ 4.0.

Cảm ơn ông!

img

Nhân lực hàng hải hội nhập Cách mạng công nghiệp 4.0

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.