Đời sống

Làm gì khi trẻ được nghỉ hè, tối ngày lên mạng?

13/06/2021, 07:07

Nhiều phụ huynh bất lực khi con nghỉ hè trong mùa dịch Covid-19 suốt ngày “dán mắt” vào điện thoại, trong khi môi trường mạng đầy những rủi ro.

img

Trong thời điểm dịch Covid-19, thời gian trung bình trẻ dùng các thiết bị kết nối mạng tăng gấp 3 lần so với ngày thường

Nhiều phụ huynh bất lực khi con nghỉ hè trong mùa dịch Covid-19 suốt ngày “dán mắt” vào điện thoại, ti vi, trong khi môi trường mạng đầy những rủi ro, thậm chí nguy hiểm tới tính cách của trẻ…

Thời gian trẻ lên mạng tăng gấp 3 lần

Đây không phải kỳ nghỉ hè dài đầu tiên của con gắn với dịch Covid-19 nhưng chị Đỗ Thu Huyền (Văn Quán, Hà Đông) vẫn luôn trong tình trạng stress khi ở nhà.

“Một đứa lớp 1, một đứa lớp 4, chưa thi học kỳ thì dịch xảy ra nên buộc phải nghỉ hè sớm. Vậy là hàng tuần vẫn phải xin cô giáo cho đề ôn để các con khỏi quên kiến thức. Hơn nữa dịch dã tầm này phức tạp nên ở yên trong nhà là tốt nhất. Thế nhưng giờ học thì ít mà hở ra lại xem tivi, ipad. Nếu không cho xem thì lại chành chọe ầm ĩ nhà cửa. Nhiều lúc con cứ dán mắt vào kênh YouTube trên ti vi mà mẹ gọi cũng không thèm quay ra”, chị Huyền chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Mai Linh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tỏ ra bất lực với hai cậu con trai đang học cấp 3 nhưng cả ngày chỉ ngồi bấm điện thoại.

Một lần, sau khi đã dùng hết các biện pháp từ nhẹ nhàng tới đe dọa vẫn không tác dụng, chị Linh buộc phải tịch thu điện thoại để các con “làm gì cũng được, miễn là rời xa điện thoại”! Kết quả, người mẹ nhận về sự phản kháng dữ dội, đặc biệt cậu con trai lớn còn tuyên bố trước mặt: “Mẹ sẽ không thay đổi được gì đâu!”.

Mới đây, kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) kết hợp với Tổ chức cứu trợ trẻ em cho biết, tại Việt Nam, cứ 3 trẻ thì 2 trẻ có thiết bị kết nối internet.

Đáng chú ý, nghiên cứu cũng nhấn mạnh, nếu trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, thời gian sử dụng các thiết bị kết nối mạng của trẻ em trung bình từ 2 - 3 giờ/ngày thì trong dịch con số này đã tăng gấp đôi thậm chí gấp 3 lần.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, môi trường mạng vẫn được gọi là “ảo” nhưng lại đang chứa đựng rất nhiều rủi ro hiện hữu, thậm chí độc hại ảnh hưởng tới phát triển tính cách của trẻ em.

“Trẻ em ngày nay rất nhạy với công nghệ nhưng lại không đủ kiến thức kỹ năng tự phòng vệ bản thân, cộng thêm trí tò mò nên càng rất dễ gặp rủi ro và cũng là đối tượng để kẻ xấu trên trên môi trường mạng hướng tới. Hậu quả trẻ có thể bị nghiện game, bị lộ thông tin cá nhân, xâm hại tình dục… thậm chí ảnh hưởng tính mạng của trẻ khi bị lôi kéo bắt chước những trò nhảm nhí tai hại trên mạng...”, bà Linh phân tích.

Được biết, chỉ tính riêng trong tháng 5 vừa qua, báo cáo nhanh của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, ước tính có khoảng 40 cuộc gọi đến để trình báo về những trường hợp trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng.

Ngoài ra, cũng có gần 30 cuộc gọi phản ánh về những kênh, clip vi phạm, không phù hợp với trẻ trên mạng. Những thông tin này đã nhanh chóng được Tổng đài 111 chuyển đến các cơ quan chức năng để xử lý.

Cần cho trẻ “hệ miễn dịch”

Chia sẻ với những lo lắng của các bậc phụ huynh trong thời buổi công nghệ số hiện nay, song bà Nguyễn Phương Linh cũng chỉ ra những ứng xử sai lầm khi cấm đoán trẻ vào mạng internet.

“Khi thấy con tham gia vào các nhóm hoặc xem những thông tin không phù hợp, các phụ huynh thường có xu hướng quát mắng, tịch thu thiết bị, áp đặt rằng con phải chấm dứt ngay hành động đó. Tuy nhiên, cấm đoán nhiều khi có tác dụng ngược, trẻ lén lút xem, nếu gặp vấn đề sẽ tự giải quyết chứ không tìm tới bố mẹ, người mình tin cậy nhất”, nữ chuyên gia nói và cho rằng, bố mẹ cần phải sử dụng cả công sức lẫn tâm trí để đồng hành cùng con trên mạng, thay vì nghĩ tới chuyện kiểm soát trẻ.

Theo bà Linh, mỗi độ tuổi tâm sinh lý phát triển khác nhau của trẻ, phụ huynh nên có cách thức tiếp cận phù hợp trên nguyên tắc “đồng hành, quan tâm và tôn trọng”.

Cụ thể, với trẻ dưới 6 tuổi, bố mẹ không nên để con một mình lên mạng mà cần hướng dẫn và quan sát con xem gì, cảm xúc ra sao. Ngoài ra, độ tuổi này cũng chỉ nên được tiếp xúc với các thiết bị kết nối mạng từ 30 phút tới 1 tiếng/ngày, thời gian còn lại trẻ cần tương tác với môi trường thực gia đình để có những kỹ năng cơ bản.

“Còn với trẻ trên 6 tuổi, phụ huynh cần phải bình tĩnh, ngồi lại nói chuyện và trao đổi với con rằng tại sao con tham gia vào group này, tại sao con xem những chương trình này, con có nhận thức được những rủi ro khi xem những chương trình này không? Và có thể sau quá trình nói chuyện, các con cũng sẽ tự nhận thức được về những rủi ro, tác hại đối với bản thân, để có cách xử lý riêng. Còn nếu chỉ áp đặt những biện pháp tức thời, không mang lại tác động lâu dài, thì sau này các con sẽ lại tò mò, sẽ lại tiếp tục tham gia và tìm xem những nội dung đó”, bà Linh khuyên giải.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cho rằng, thay vì coi trẻ em là đối tượng yếu thế, phụ huynh nên chủ động trang bị kỹ năng sống giúp trẻ hình thành hệ miễn dịch trong môi trường mạng.

“Trẻ em có thể vừa là nạn nhân nhưng có thể vừa là tác nhân gây ra những rủi ro, tác động tiêu cực trên mạng cho các bạn khác. Trẻ em cần được trang bị những kỹ năng, kiến thức trong nhà trường, cần có sự đồng hành của cha mẹ. Những quy định về hành vi, chuẩn mực trong cuộc sống thật cũng nên được áp dụng cho môi trường ảo để các em có thể trở thành những công dân số chuẩn, có trách nhiệm”, ông Tiến cho biết.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng 2021 - 2025. Theo đó, xây dựng “bộ kỹ năng số” cho trẻ em theo độ tuổi gồm một số nội dung, kỹ năng như: Kiến thức về mạng internet, mạng xã hội; kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin tối thiểu; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; cách thức nhận biết khi bị lợi dụng, xâm hại trên môi trường mạng và nơi cần thông tin, phản ánh… Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật tại trường học nhằm giám sát, chặn lọc truy cập các nội dung vi phạm pháp luật, nội dung không phù hợp với học sinh theo từng lứa tuổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.