Tài chính

Làm gì tránh mất cắp thông tin thẻ ngân hàng?

20/09/2016, 14:31
image

Theo các chuyên gia công nghệ thẻ, Việt Nam nên có lộ trình chuyển sang dùng thẻ chip và xác thực bằng mã pin...

11

Việt Nam đang sử dụng công nghệ thẻ từ và xác thực chữ ký, do vậy tính bảo mậtchưa cao - Ảnh: Tạ Tôn

Thẻ từ dễ bị đánh cắp thông tin

Ông Peter Gordon (Công ty Cung cấp dịch vụ tư vấn Peter Gordon) cho biết, tại Autralia, tất cả các thanh toán đều được thực hiện qua thẻ. Trong đó, 70% giao dịch này đang là giao dịch “quẹt và đi”. “Quẹt và đi” được hiểu nôm na là khi thanh toán, khách hàng chỉ cần dùng thẻ tín dụng quẹt vào thiết bị thanh toán, sau đó có thể mang hàng đi luôn mà không cần ký hay nhập mã pin. “Tôi đi ăn hay đi mua rau, hoa quả đều quẹt và đi”, ông Gordon nói. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết, hình thức tiện ích và nhanh chóng này chỉ thực hiện với các giao dịch có giá trị thanh toán dưới 100 USD để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Theo tiết lộ của đại diện Masterscard, cách đây ít ngày, đơn vị này đã hỗ trợ Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Việt Nam miễn phí 10 máy kiểm tra thẻ. Thông qua các máy này, lực lượng cảnh sát có thể kiểm tra bất kỳ thẻ nào trên thị trường nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ bị làm giả. Các thao tác vẫn được thực hiện bình thường nhưng sẽ không phát sinh thanh toán.

Đáng chú ý, các thẻ ngân hàng tại Australia, bên cạnh việc dùng mã pin đều sử dụng công nghệ thẻ chip. Ông Arn Vogels, Giám đốc khu vực Đông Dương của nhà cung cấp dịch vụ thẻ thanh toán quốc tế Mastercard khẳng định, việc sử dụng thẻ chip an toàn hơn vì rất khó có thể hack loại thẻ này. Tuy nhiên, tới nay khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chưa quyết định sử dụng.

Hiện, ở Việt Nam khi thanh toán mua hàng qua thẻ, đa số khách hàng sẽ ký để xác nhận hoặc dùng mã OTP nếu giao dịch qua internet. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Mastercard, bảo mật qua thông tin mã OTP cũng chỉ là “giải pháp lâm thời, có còn hơn không”.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi sang công nghệ hiện đại hơn như dùng mã pin hay thẻ chip đòi hỏi sự đồng bộ của toàn thị trường. Bên cạnh đó, nếu nâng cấp bảo mật từ chữ ký sang mã pin cần chi phí lớn. Riêng các điểm chấp nhận thanh toán tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là các máy quẹt thẻ có dây để tại một điểm cố định. Do đó, nếu muốn chuyển sang bảo mật bằng mã pin phải thay các máy quẹt này thành máy không dây. “Tôi nghĩ sự dịch chuyển gần đây của một số ngân hàng khá thuận lợi để các ngân hàng và đối tác cùng nhau tham gia dịch chuyển dần dần sang dùng mã pin thay vì chữ ký truyền thống”, Giám đốc khu vực Đông Dương của Mastercard nói. Theo lộ trình được đại diện Mastercard tiết lộ, đến năm 2020, người dân Việt Nam sẽ được sử dụng thẻ và phương thức thanh toán có tính bảo mật cao hơn.

>>>Xem thêm video:

Có ngân hàng vẫn cố tình vi phạm

Hiện, Việt Nam vẫn được đánh giá là môi trường thanh toán an toàn. Theo thống kê của Mastercard, trung bình cứ 100 USD giao dịch qua hệ thống thanh toán này trên thế giới thì có 6 xu có khả năng bị gian lận, đánh cắp. Tuy nhiên, con số này ở Việt Nam chỉ là 2,5 xu mỗi 100 USD giao dịch. Hệ thống thanh toán này có riêng một nhóm giám sát các giao dịch. Chỉ cần phát hiện lỗi trong quá trình thực hiện của các ngân hàng, nhóm này sẽ lập tức báo cáo và đề ra mức phạt.

Tuy nhiên, đánh giá của Mastercard cho thấy, vẫn có một số ngân hàng Việt Nam không tuân theo quy trình thanh toán. Dù không nêu đích danh song theo đại diện Mastercard, Việt Nam là nước đang phát triển nên có nhiều ngân hàng có chủ ý hoặc không chủ ý làm sai so với quy định. Bà Trần Thủy, Giám đốc marketing và quan hệ khách hàng của Mastercard khu vực Đông Dương cho biết, ngay khi các “lỗi” giao dịch bị phát hiện, các ngân hàng đều bị phạt, thậm chí phạt nặng. “Mỗi lần phạt tối thiểu là 25.000 USD với các vi phạm nhỏ. Ngay cả lỗi không báo cáo vị trí máy đặt ATM cũng phạt 25.000 USD… Các ngân hàng rất sợ nên chỉ cần một lần phạt là họ chỉnh đốn ngay”.

Liên quan tới trường hợp khách hàng mất tiền trong tài khoản thẻ thanh toán nhưng thời gian giải quyết vụ việc quá lâu, vài tháng thậm chí hàng năm trời khiến khách hàng mệt mỏi, bà Thủy cho biết: “Khi có khách hàng khiếu nại nhưng nhiều ngân hàng không nộp khiếu nại lên cho Mastercard mà cứ để đó. Hoặc có ngân hàng cho rằng, vụ việc có thể xử lý nội bộ và chấp nhận rủi ro (trong trường hợp rủi ro thấp và coi đó là một khoản lỗ trong hoạt động kinh doanh). Nhưng dù bằng cách nào mà để vụ việc kéo dài thì cũng ảnh hưởng tới khách hàng.”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.