Tài chính

Làm kinh tế số chỉ nghĩ hơn thua, hô hào thì… vứt!

08/01/2020, 07:00

Theo chuyên gia, cần phải biết Việt Nam đang ở đâu trong nền kinh tế số, chúng ta đã làm gì và tương lai như thế nào.

img
Chuyển đổi số trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng là xu thế không thể đảo ngược (Ảnh minh họa)

Việc chuyển đổi trong kinh tế số là dùng công nghệ để thay đổi cách làm việc. Và thực tế chỉ có cách tiếp cận như vậy thì Việt Nam mới có “cửa”, còn nếu chỉ nhìn dưới góc độ để thi đua và hô hào như hiện nay thì cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra với Việt nam chỉ là con số 0 tròn chĩnh. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Tọa đàm “Vai trò của Kinh tế nền tảng số đối với tương lai Kinh tế Việt Nam”, tổ chức chiều 7/1.

Sắp có hồ sơ điện tử toàn dân về thuốc

Theo GS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Khoa học Dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán; Giám đốc Khoa học Viện John von Neumann, Việt Nam sẽ có hồ sơ về thuốc của người dân trong vòng 1-2 năm tới. GS. Bảo cho biết, trước kia các bệnh án của bệnh nhân được bệnh viện lưu trữ bằng bản giấy, nằm trong bệnh viện và không thể tra cứu được. Sau này, khi chuyển đổi số, các hồ sơ bệnh án giấy đó sẽ được dữ liệu điện tử hóa và khi các bệnh viện kết nối với nhau thì việc tra cứu hồ sơ này sẽ dễ dàng hơn. Cũng trên cơ sở này, các hồ sơ cũng được cá nhân hóa và dần hình thành hồ sơ sức khỏe điện tử của toàn dân, việc tra cứu thông tin phạm vi khám chữa bệnh sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

“Một đứa trẻ khi mới sinh ra có hồ sơ về sức khỏe như: Tiêm phòng, lịch sử bệnh tật… Hàng năm khi đi khám, máy móc sẽ tự động chẩn đoán thì sức khỏe được chăm sóc kỹ hơn”, GS. Bảo nói và tiết lộ, trong y tế hiện có 5 nhóm đang được dữ liệu điện tử hóa thì có hai nhóm đang được làm gấp rút là nhóm hồ sơ thuốc để kết nối với thông tin từ bảo hiểm: “Hy vọng 1 đến 2 năm tới sẽ có hồ sơ thuốc men của người dân thì có thể hiểu được chuyện dùng thuốc như thế nào. Đến nay đã có 63 tỉnh thành kết nối thực hiện, trong đó riêng Nghệ An đã nhập được hồ sơ của hơn 3 triệu người”.

Câu chuyện điện tử hóa dữ liệu về thuốc mà GS. Bảo nêu trên chỉ là một trong nhiều câu chuyện chuyển đổi số mà Việt Nam đang thực hiện trong bối cảnh áp dụng những tiến bộ mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Bên cạnh y tế, có thể kể tới câu chuyện về việc gắn camera hành trình trên các xe kinh doanh vận tải hiện nay mà Việt Nam đang áp dụng.

“Với 1,2 triệu xe này đang chạy tại Việt Nam có thể biết xe đó từ điểm A tới điểm B, xe nào vượt tốc độ… thì nhờ vào công nghệ đều có thể biết được. Từ đó có thể áp dụng mạnh chính sách về phạt nguội”, GS. Bảo nói và cho rằng, ngay cả câu chuyện về xử phạt vi phạm về rượu bia cũng có thể áp dụng công nghệ trong chuyển đổi số để thực thi.

Nếu chỉ thi đua hơn kém thì không có cửa!

Việt Nam đang ở đâu trong công cuộc chuyển đổi số này? Mỗi cuộc cách mạng đều là giai đoạn dài, mỗi lần cuộc cách mạng diễn ra là hàng trăm năm. Nên lần này nói ta đang ở đâu thì ta đang ở giai đoạn đầu, các nước khác cũng ở giai đoạn đầu, tất nhiên trình độ mỗi nước là khác nhau.
GS. Hồ Tú Bảo

Cũng theo GS. Bảo, chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội vô giá và là cơ hội cuối cùng của Việt Nam nếu muốn bứt phá.

“Những cuộc cách mạng công nghiệp lần trước đều dựa trên nền tảng như: Công nghiệp hơi nước, điện tử máy tính… Các nước vượt lên được đều dựa vào công nghiệp nhưng lần này chuyển đổi số là dùng công nghệ để thay đổi cách làm việc. Nếu nhìn như vậy thì Việt Nam mới có cửa. Còn chỉ nhìn dưới góc độ thi đua thôi thì không có cửa”, GS. Bảo nói và cho biết thêm: “Nếu nhìn thấy chỗ nào có cơ hội thay đổi thì phải thay đổi. Còn nếu cứ chạy theo các thay đổi thì không thể làm được. Cũng đừng nghĩ phải hơn nước này, nước kia mà là tìm cách thoát ra các khó khăn của chúng ta”.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đặt vấn đề về, cần phải biết Việt Nam đang ở đâu trong nền kinh tế số, chúng ta đã làm gì và tương lai như thế nào, bởi ngay từ năm 2016 Chính phủ đã đưa ra các nhận định và định hướng về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.

“Nhưng từ 2016, tới nay đã bốn năm trời rồi thì cuộc Cách mạng đó được thực hiện như thế nào từ 3 thành phần doanh nghiệp - Chính phủ - người dân. Tôi ví dụ vấn đề tiền mặt, cách đây 10 năm, khi tôi mới từ Mỹ về Việt Nam thì đã nghe nói Việt Nam sẽ hướng tới nền kinh tế phi tiền mặt. Nhưng đến nay câu chuyện này ra sao, hay người dân ra đường vẫn phải mang theo tiền mặt?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.

Tương tự, ông Phạm Xuân Hòe (đại diện Ngân hàng Nhà nước) cho biết, ngân hàng là ngành tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 khá sớm.

“Tài nguyên số không phải tự nhiên có được. Nếu mất thì coi như mất hết. Tôi buồn với thông tin hiện vẫn có 50% bộ, ngành không chia sẻ thông tin. Nếu không số hóa sao chia sẻ? Ngành ngân hàng nếu không có dữ liệu dân cư, nhân dạng thì mọi chuyển đổi số của ngành ngân hàng vứt đi hết”, ông Hòe nói và cho rằng Việt Nam phải thực sự có cách mạng tư duy chính sách. “Mang tư duy quản lý cũ chụp vào mô hình kinh doanh mới sẽ không bao giờ có kinh tế số”, ông Hòe nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.