Điện ảnh

Làm lại phim ngoại - cuộc phiêu lưu của điện ảnh Việt

22/12/2016, 07:33
image

Hàng loạt phim ăn khách của nước ngoài được Việt hóa (Remake) vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ.

Một cảnh trong phim Em là bà nội của anh

Một cảnh trong phim “Em là bà nội của anh”.

Hàng loạt phim ăn khách của nước ngoài được Việt hóa (Remake) vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho các nhà làm phim trong nước.

Giải cơn khát kịch bản hay

Việt hóa phim nổi tiếng của nước ngoài vốn không xa lạ phim truyền hình như: Mùi ngò gai, Anh em nhà bác sĩ, Ngôi nhà hạnh phúc, Nhảy cùng ước mơ, Cô gái xấu xí… đã trình chiếu và khẳng định được ưu thế. Thế nhưng, với thành công của phim điện ảnh Em là bà nội của anh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) gây “sốt” phòng vé với doanh thu kỷ lục 102 tỷ đồng (hơn 1,5 triệu lượt xem) có thể coi là “cú nổ” đầu tiên cho phim điện ảnh Việt hóa.

Phim điện ảnh ATM - Lỗi tình yêu từng gây náo loạn phòng vé xứ sở chùa Vàng với doanh thu 5 triệu USD sắp tới cũng sẽ ra mắt khán giả với tên gọi Bạn gái tôi là sếp tại Việt Nam. Bộ phim được chuyển hóa dưới bàn tay của đạo diễn Hàm Trần với sự tham gia của nữ chính là ca sĩ Miu Lê được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực vào dịp Tết năm nay.  Cùng đó, nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh mua bản quyền phim điện ảnh Sắc đẹp ngàn cân đình đám của Hàn Quốc. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng bắt tay thực hiện một dự án phim điện ảnh được Việt hóa từ một bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc. “Trong bối cảnh thị trường điện ảnh Việt Nam đang phát triển nhanh nhưng đội ngũ biên kịch còn mỏng, kịch bản được và hay chưa đủ đáp ứng thì làm lại các phim là một giải pháp hữu hiệu”, đạo diễn Dũng “khùng” cho hay.

Xem thêm video:

Riêng nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh khẳng định, với phim giải trí, khâu kịch bản của phim Hàn làm tốt, tạo hiệu ứng và cảm xúc cho người xem nhiều hơn. Phim làm lại đều là những phim nổi tiếng với nội dung đã được thẩm định qua thị trường và có lượng fan nhất định. Tuy nhiên, cô vẫn “ưu tiên các kịch bản hay ở Việt Nam nếu có”. Vì lý do: “Tôi không cổ súy việc làm lại phim (remake) mà thích những bản gốc hơn. Nhưng là người làm kinh doanh, cái nào thuận lợi, có cơ hội hơn thì chúng tôi làm. Với những phim remake, đơn vị bán bản quyền cũng bán với giá mềm hơn vì ngoài việc kiếm thêm, họ còn chủ yếu quảng bá thương hiệu của mình”.

Làm lại nhưng không đơn giản

Tuy nhiên, Việt hóa một bộ phim nước ngoài thực tế không đơn giản. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho hay, kinh phí làm phim ở Việt Nam còn thấp nên việc làm lại những “bom tấn” có thể coi là sự liều lĩnh, vì phim khó có thể hay hơn bản gốc. Mỹ là quốc gia hay Mỹ hóa nhiều bộ phim nổi tiếng khác của các nước như Hàn Quốc, Hồng Kông... nhưng họ luôn bỏ chi phí đầu tư gấp 10, 100 lần để làm phim hoành tráng, hấp dẫn hơn. Không chỉ vậy, cái khó khi làm lại phim là đạo diễn còn phải biết uyển chuyển để phim mang bản sắc, phù hợp với văn hóa Việt Nam, khiến khán giả xem phim tin rằng đây là phim Việt và câu chuyện đang diễn ra tại Việt Nam, thoát được cái bóng của phim gốc. Vì thế, những bộ phim hoành tráng quá sẽ không phù hợp với văn hóa Việt.

Cùng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng còn chỉ ra: “Cái khó của một người làm phim khi chấp nhận làm lại một bộ phim là phải biết sáng tạo cho phù hợp, nhưng không thể sáng tạo đến mức không còn giống gì kịch bản gốc. Điều này không chỉ đòi hỏi “trình” của đạo diễn mà còn cả “trình” của nhà sản xuất và sự phù hợp với thị trường”, anh chia sẻ.

Bắt tay với “cha đẻ” của phiên bản gốc

Trong sự yếu kém về vấn đề chi phí đầu tư và kịch bản, một số nhà làm phim đã tìm ra lối đi mới của mình là “bắt tay” với “cha đẻ” của phiên bản gốc, giúp các phim có sự hậu thuẫn mạnh mẽ trong quá trình sản xuất và quảng bá. Đơn cử, sự đầu tư mạnh mẽ từ khâu kịch bản đến khâu quảng bá là một trong những lý do khiến Em là bà nội của anh thành công. Riêng chi phí đầu tư cho quảng bá của bộ phim đã bằng 1/2 chi phí sản xuất.

Phim là sự hợp tác của Việt Nam với Tập đoàn CJ của Hàn Quốc - “cha đẻ” của thương hiệu Miss Granny. Quá trình thực hiện phim được phía Hàn Quốc giám sát chặt chẽ để tuân theo phiên bản gốc nhưng vẫn được biến hóa để phù hợp với văn hóa Việt Nam. Quá trình quảng bá phim, thậm chí diễn viên Shim Eun Kyung - “bà nội” nổi tiếng trong phiên bản gốc cũng sang Việt Nam giao lưu quảng bá và chúc mừng đoàn làm phim.

Phim điện ảnh Sắc đẹp ngàn cân do diễn viên Trương Ngọc Ánh sản xuất cũng có sự hỗ trợ của đơn vị sản xuất đến từ Hàn Quốc. Ngoài sự cố vấn nghệ thuật đặc biệt của nam diễn viên hài nổi tiếng Hàn Quốc Geong Seong Han (Robin), Tổng giám đốc Công ty ShowBT Korea - đơn vị nắm bản quyền bộ phim, khâu hóa trang của phim còn do chuyên gia trang điểm đến từ Hàn Quốc thực hiện để có thể biến diễn viên chính Minh Hằng từ một cô gái mảnh mai thành cô gái “ngàn cân” một cách tự nhiên. 

Trong buổi họp báo ra mắt phim, ông Geong Seong Han tiết lộ sẽ mời ba diễn viên chính trong phiên bản gốc tới Việt Nam tham gia quảng bá Sắc đẹp ngàn cân vào mùa hè 2017. Trong khi đó, Trương Ngọc Ánh chia sẻ, cô và đơn vị nắm bản quyền từ Hàn Quốc kiểm soát khá khắt khe trong quá trình chọn lựa diễn viên, đảm bảo bám sát tính cách nhân vật trong Sắc đẹp ngàn cân, cũng như đảm bảo cho bộ phim có chất lượng tốt nhất khi đến với công chúng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.