Giao thông

Làm mái che ở đường Lê Lợi: Chuyên gia, kiến trúc sư và người dân lên tiếng

26/03/2023, 15:39

Trước đề xuất làm mái che vỉa hè đường Lê Lợi, TS Nguyễn Hữu Nguyên đặt ra câu hỏi việc che nắng vỉa hè khu vực này có phải nhu cầu bức thiết.

Ở đâu cũng cần chứ không riêng đường Lê Lợi

Mới đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất lắp mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi để tạo bóng mát, che mưa, hình thành không gian đi bộ thuận lợi cho hoạt động thương mại - dịch vụ với kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Trước đó, sau khi metro số 1 trả mặt bằng, đường Lê Lợi đã được tái lập nguyên trạng, giao thông thông thoáng. Tuy nhiên, hiện trạng tuyến đường không thể trồng cây xanh kịp lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước.

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, tổng lượng khách du lịch đến thành phố năm 2022 đạt hơn 34,7 triệu lượt.

Đây là một trong những tuyến đường du khách thường xuyên lui tới nhất thuộc quận 1 với hàng trăm cửa hàng dịch vụ, kinh doanh cùng với các văn phòng đang hoạt động dọc tuyến đường này.

img

Tuyến đường Lê Lợi (quận 1) được tái lập nguyên trạng sau khi metro số 1 trả mặt bằng.

Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP.HCM cho rằng: “Việc làm mái che thì cả thành phố và ở đâu cũng cần chứ không phải chỉ riêng ở đường Lê Lợi”.

Vì vậy, theo TS Nguyên cần phải làm rõ mục đích, việc làm này có tương xứng nhu cầu và thực sự cần thiết không? Bởi vì số tiền bỏ ra để làm mái che cho tuyến đường Lê Lợi cũng không nhỏ.

Che nắng vỉa hè có phải là một nhu cầu mang tính bức thiết, cấp thiết không? Với số tiền đó liệu che nắng được diện tích bao nhiêu, còn các diện tích khác thì sao?

Làm mái che cho vỉa hè cũng cần phải tính toán được giữa kinh phí bỏ ra với lợi ích thu được. Nếu thực hiện đề xuất này thì cũng phải tính đến đặc điểm khí hậu, thời tiết ở TP.HCM.

Ví dụ như trong những cơn bão nhẹ thì mái che kiểu như vậy có đảm bảo được hay không? Còn nếu xây dựng vững chắc hơn có ảnh hưởng đến vấn đề giao thông và vỉa hè thế nào?

Còn quá sớm để làm mái che cho tuyến đường trung tâm thành phố

Trong khi đó, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng nếu thành phố muốn tạo điều kiện cho người đi bộ cùng các hoạt động kinh doanh, buôn bán trên đường Lê Lợi cũng là tốt.

Tuy nhiên ông lo ngại việc làm mái che bằng tôn dọc tuyến sẽ làm giảm đi sự thông thoáng ở khu vực, đồng thời tạo ra sự ngột ngạt do thời tiết ở TP.HCM thường rất oi bức.

Ông Cương cũng cho biết, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã lắp mái che cho vỉa hè nhưng đó là những vỉa hè ở khu vực đã có metro hoặc mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ. Việc có mái che sẽ giúp người đi bộ tránh nắng, mưa khi đi đến các nhà ga, dừng chân mua sắm và nghỉ ngơi.

img

Một bên đường Lê Lợi được phủ cây xanh, rợp bóng mát.

Trong khi đó, dự án Metro số 1 tại TP.HCM hiện chưa hoàn thành, các tuyến giao thông khác để xe tránh qua khu vực này cũng chưa được quy hoạch bài bản.

Vì vậy, theo ông Cương, việc lắp mái che để tập trung phát triển không gian đi bộ ở đường Lê Lợi hiện vẫn còn quá sớm nếu không muốn nói là chưa cần thiết.

Chưa kể việc xây dựng mái che ngoài kinh phí đầu tư ban đầu, còn phải tốn kém khoản duy tu, bảo trì, bảo dưỡng. Đến mùa mưa, nếu không được quản lý tốt sẽ dễ gây mất an toàn, đổ sập khi gió mạnh, thời tiết bất thường...

Tuyến đường Lê Lợi vốn là tuyến phố thương mại, dịch vụ, trước đây hai bên là hàng cây xanh phủ bóng mát nên thu thút rất nhiều người dân, du khách.

Theo ông Cương, hiện một bên tuyến đường vẫn còn hàng cây cũ nên thành phố cần trồng cây xanh tương tự ở phía còn lại để khôi phục cảnh quan cho đường như xưa.

Ngoài ý kiến của các chuyên gia, nhiều người dân thành phố cũng cho biết ý tưởng lắp mái che cho tuyến đường Lê Lợi cũng tốt nhưng cần tính toán kỹ.

img

Trong khi đó, phía còn lại thiếu mảng xanh do hàng cây phía hướng tuyến từ Nhà hát Thành phố về chợ Bến Thành đã bị chặt hạ, di dời.

Anh Trần Thanh Phương (ngụ quận 1) cho biết tuyến đường Lê Lợi hiện chỉ bị nắng một bên nên nếu có lắp mái che thì nên lắp loại có thể di động được vì vào ban đêm nếu vẫn để mái che sẽ khiến không gian bên dưới trở nên bí bách và tù túng.

Thường xuyên đi làm tại một văn phòng trên đường Lê Lợi, bạn Trần Thanh Phượng (ngụ quận 5) cho biết rất thích không gian thoáng như hiện nay hơn, việc làm mái che cố định nếu không quản lý tốt rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng vào buổi tối có nhiều người vô gia cư đến đây để ngủ và sinh hoạt dẫn đến tuyến đường trở nên nhếch nhác.

Vì vậy nếu thực sự lắp mái che, thành phố cần phải tính toán kỹ các phương án để đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.