Lạm phát di tích vì... bệnh sĩ

02/06/2014, 06:55

Đó là những chia sẻ của Giáo sư,Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính-người đã làm bảo tồn từ năm 1971, trực tiếp tham gia trùng tu di tích trong bốn thập kỷ, về thực trạng di sản hiện nay tại Việt Nam...

Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính
Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính


Xu hướng “lên đời” cho di tích


Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa, tính đến hết năm 2013 các di tích cấp Quốc gia lên tới gần 3.200 di tích, quá nhiều so với số di tích được công nhận ở các nước có di sản văn hóa đồ sộ.  Đó là chưa kể đến di tích cấp tỉnh, thành phố. Di tích cấp Quốc gia đặc biệt cũng đang tiến tới 100.


Trước xu hướng vận động của các di tích lịch sử tại Việt Nam trong những năm qua, GS.KTS Hoàng Đạo Kính trăn trở: “Thứ nhất là Việt Nam cứ coi cái gì của quá khứ là di tích. Thứ hai là bệnh sĩ, nơi khác có di tích, thì làng tôi cũng phải có di tích, tỉnh tôi cũng phải có di tích". 


Theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính xu hướng lâu nay ở nước ta là “lên đời” cho di tích. Di tích cấp tỉnh, thành phố thì lên cấp Quốc gia; Quốc gia thì lên Quốc gia đặc biệt; Quốc gia đặc biệt nâng lên tầm quốc tế. Tất cả dẫn đến nạn lạm phát về nhìn nhận giá trị, lạm phát về việc công nhận di tích. 


Ngoài ra, GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho biết, bây giờ có kiểu tất cả di tích đều phải được Unesco công nhận bởi quan niệm cái gì được tổ chức này công nhận mới “thiêng”. “Đó là cuộc đại lạm phát về nhìn nhận giá trị, lạm phát về việc công nhận di tích”.
 

Du khách viếng thăm Lầu Ngũ Phụng thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế
Du khách viếng thăm Lầu Ngũ Phụng thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế


Bảo tồn phải giữ được giá trị gốc


Không chỉ diễn ra tình trạng lạm phát các di tích mà vấn đề bảo tồn di tích cũng đang ở mức báo động. Theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính, phục dựng, trùng tu di tích hiện nay không chỉ tiêu tiền, tốn phí vật tư, sức lực người làm, mà công tác phục dựng, trùng tu cũng đang ngày một tồi tệ. Ví dụ, như là phục dựng khu Lam Kinh ở Thanh Hóa như thế thì ai đấy gọi là trùng tu, phục dựng. 


Tất cả nền văn hóa của thời nhà Lê, nhất là thời Lê Sơ từ thời vua Lê Thái Tổ, đến Lê Thánh Tông, Lê Dụ Tông không phải ở Lam Kinh mà ở Lam Sơn nơi mai táng của các vua nhà Lê. Đó là những cái còn lại từ thời huy hoàng nhà Lê nhưng đã bị phá hết đi để trùng tu cái mới. Nếu muốn tôn vinh Lê Lợi thì hãy lập bảo tàng, đền thờ tôn vinh ông ở chỗ khác. Bảo tồn mà không giữ lại được những giá trị gốc thì mọi thứ trở nên vô nghĩa” - ông nói.
 

Một số Di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh


- Di sản văn hóa: 

+ Quần thể di tích Cố đô Huế (1993) 

+ Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn (1999) 

+ Phố cổ Hội An (1999) 

+ Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2010) 

+ Thành nhà Hồ (2011)

 

- Di sản thiên nhiên thế giới

+ Vịnh Hạ Long (1994 - 2000) 

+ Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003) 

GS.KTS Hoàng Đạo Kính nói thêm, hay như Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long cũng vậy. Không còn vết tích gì của Điện Kính Thiên nhưng vẫn nhất quyết đòi phục hồi Điện Kính Thiên.

“Điện Kính Thiên nhưng đến cuối thời Lê đã bị phá. Điện Kính Thiên hiện nay do Tây chụp. Thực chất đó là cái hành cung để vua sử dụng mỗi khi các vua nhà Nguyễn “Bắc tuần” nhưng cả thế kỷ nhà Nguyễn ra được hai lần. Về sau cái hành cung này cũng bị Tây phá xây thành Bộ chỉ huy. Thời chống Mỹ bị đào thành hầm. Tuy nhiên, nó vẫn bị nhầm gọi là Điện Kính Thiên. Điện Kính Thiên thật sự chỉ còn cái tên thôi, nhưng ai cũng đòi phục hồi” - GS.KTS Kính bày tỏ.


GS.KTS Kính cho rằng: “Cái gì là tinh hoa thì phải bảo tồn, giữ cho được. Còn các di tích đang có vừa giữ gìn vừa phát triển tiếp nối. Không thể để hàng trăm ngôi chùa, ngôi đền đang sống bình thường mà vẫn phải đứng yên như cũ”.


Tiếp đó, phải xác định cho được danh sách những tinh hoa của di sản văn hóa vật thể dân tộc trên các cơ sở như: Giá trị kiệt xuất, tiêu biểu, có một không hai; có khả năng thực tế để bảo tồn, trùng tu; có thể đảm bảo việc bảo tồn, trùng tu tôn tạo bắt buộc theo bài bản khoa học. Danh sách ấy phải được tinh gọn chứ nếu cứ ôm đồm là đứng trước nguy cơ mất mát. 


Cũng theo GS.KTS Kính đã đến lúc phải chấm dứt quá trình “nâng đời” cho di tích. Một khi “lạm phát” di tích thì việc bảo tồn trở thành bất khả thi. Phải bảo tồn khả thi, căn cơ; Phải nhìn vào những khả năng thực tế mà lo toan việc bảo tồn.

Phạm Lý

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.