Kinh tế

Lạm phát thấp: Cú sốc có lợi cho nền kinh tế

01/12/2014, 07:12

Cho rằng, lạm phát thấp chủ yếu nhờ chi phí sản xuất giảm, nên theo chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, thay vì kích thích tổng cầu, Chính phủ cần hướng nguồn lực vào khu vực có lợi cho nền kinh tế...

Ông Phạm Thế Anh
Ông Phạm Thế Anh

NTD vẫn hưởng dưới quyền lợi

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 2,08% so với tháng 12/2013; tăng 2,06% so với cùng kỳ 2013 và dự kiến cả năm chỉ xoay quanh mức 3% so với cuối năm ngoái. Ông nhìn nhận như thế nào về mức lạm phát thấp đến bất ngờ năm nay?

Lạm phát năm nay ở mức thấp không hẳn do tổng cầu giảm mà chủ yếu do chi phí sản xuất thấp và đây là một cú sốc có lợi cho nền kinh tế. Biểu hiện là chi tiêu công vẫn tăng; chi tiêu hộ gia đình tăng, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng hơn 11%. Do vậy, lạm phát thấp chủ yếu do đầu tư từ DN rất thấp, trong đó có nguyên nhân chi phí sản xuất giảm mạnh. 

Đáng lẽ ra, chỉ số này còn có thể giảm thấp hơn nữa, nếu các sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam vận hành đúng nguyên lý thị trường thực sự. Chẳng hạn, với riêng mặt hàng xăng dầu, giá dầu thô thế giới  đã giảm từ 120 USD/thùng hồi cuối tháng 9 xuống còn khoảng 70 USD/thùng hiện nay. Nếu thị trường trong nước và thế giới thông nhau, giá xăng dầu bán lẻ còn phải giảm nhanh, mạnh hơn nữa, chi phí sản xuất còn thấp hơn nữa. 

Như vậy, NTD cũng chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi nhờ giá giảm. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Hành vi điều chỉnh giá của doanh nghiệp (DN) thường bị lệch: Đối với tình huống chi phí sản xuất tăng, DN lập tức tăng giá, nhưng khi chi phí sản xuất giảm thì họ lại chậm trễ trong việc giảm giá. Nhất là khi DN có sức mạnh thị trường, điều chỉnh, kiểm soát được giá cả thì họ phản ứng ít với cú sốc tích cực và phản ứng mạnh với cú sốc tiêu cực, theo hướng có lợi cho họ. Hành vi đó sẽ bớt đi nếu thị trường có nhiều DN hơn, cạnh tranh mạnh hơn, thông tin hoàn hảo hơn (minh bạch, công khai)... Câu chuyện giá xăng dầu như tôi đã nói ở trên là một ví dụ, nếu có thêm nhiều DN tham gia, bao gồm cả DN Nhà nước (NN), tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI)…, NTD sẽ nhanh chóng được hưởng lợi từ giá giảm. Lĩnh vực nào càng độc quyền, DN càng có ít động lực giảm giá. 

Thị trường sữa đã có sự tham gia của nhiều loại hình DN với mức độ cạnh tranh khá cao. Nhưng thực tế vừa qua cho thấy, giá sữa vẫn là thách thức với cơ quan quản lý và bức xúc với NTD? 

Ở đây có thể có hiện tượng độc quyền ngầm, bắt tay ngầm giữa các DN với nhau trong neo giá sữa. Mặt khác, sữa là sản phẩm tương đối đặc trưng bởi liên quan đến sức khỏe NTD, đòi hỏi phải có sự kiểm định chất lượng và các DN rất biết khai thác tâm lý này của khách hàng. Đó là chưa kể, số lượng DN cũng chưa đủ tạo ra sức cạnh tranh thực sự. Có lĩnh vực chỉ cần 7-8 DN đã đủ cạnh tranh, song có lĩnh vực cần số lượng gấp nhiều lần như thế.  

Giá bán lẻ xăng dầu đáng lẽ còn giảm mạnh hơn nữa nếu thị trường trong nước và thế giới thông nhau
Giá bán lẻ xăng dầu đáng lẽ còn giảm mạnh hơn nữa nếu thị trường trong nước và thế giới thông nhau

NN không thể suốt ngày ngồi “rình” giá cả

Trong trường hợp này, vai trò của NN ra sao? 

Người dân mong muốn, đòi hỏi NN phải can thiệp, bắt DN giảm giá nhưng NN không thể làm mãi như thế. Bởi thị trường có vô vàn hàng hóa, sản phẩm, NN không thể suốt ngày ngồi “rình” giá cả để hô hào, kêu gọi giảm, chưa kể, không dễ để tính toán mức giảm bao nhiêu là hợp lý. Trong khi, nhiều trường hợp, chỉ chậm giảm giá vài ngày, thậm chí vài giờ, hay giảm ít hơn yêu cầu vài giá, DN đã có thể trục lợi của NTD cả tiền tỷ.   

"Đáng lẽ ra, CPI của chúng ta còn có thể giảm thấp hơn nữa, nếu các sản phẩm, hàng hóa vận hành đúng nguyên lý thị trường. Chẳng hạn, với riêng mặt hàng xăng dầu, giá dầu thô thế giới  đã giảm từ 120 USD/thùng hồi cuối tháng 9 xuống còn khoảng 70 USD/thùng hiện nay. Thị trường trong nước và thế giới thông nhau, chi phí sản xuất còn thấp hơn nữa”.

Ông Phạm Thế Anh

NN cốt lõi là phải tạo ra thị trường có tính cạnh tranh để DN buộc phải thấy có quyền lợi bằng việc giảm giá. Bởi trong một thị trường cạnh tranh đầy đủ, nếu anh không giảm giá thì anh sẽ mất khách hàng, lượng tiêu thụ thấp đi và thiệt hại còn lớn hơn việc giữ nguyên giá. 

Theo đó, NN phải tạo ra cơ chế để hút các nguồn lực vào các lĩnh vực mang lại quyền lợi tốt nhất cho NTD cũng như nền kinh tế, thông qua các chính sách thuế, ưu đãi đầu tư… 

Gần đây, xuất hiện một số nhận định nghi ngại về nguy cơ thiểu phát của nền kinh tế và cho rằng cần tiếp tục kích thích tổng cầu mạnh mẽ hơn nữa. Quan điểm của ông như thế nào? 

Với góc nhìn lạm phát thấp không phải do sức mua sụt giảm như đã phân tích, tôi cho rằng không cần phải kích thích tổng cầu, nhất là tăng chi tiêu của Chính phủ. Tổng cầu nền kinh tế được cấu thành từ nhiều bộ phận khác nhau, như cầu chi tiêu gia đình, cầu đầu tư của doanh nghiệp, cầu hàng hóa xuất khẩu và cầu chi tiêu, đầu tư công... 

Để có cầu đó phải xuất phát từ thu nhập. Ví dụ gia đình muốn mua sắm, chi tiêu thì phải có thu nhập. DN để tăng đầu tư, ngoài yêu cầu chi phí đầu vào thấp, thì phải có niềm tin vào tương lai là bán được hàng, môi trường kinh doanh thuận lợi... Do vậy, nếu NTD không có thu nhập, hay DN thiếu niềm tin vào tương lai, thì chúng ta kích thích đến mấy, họ cũng khó để tăng chi tiêu, đầu tư. 

Còn với đầu tư, chi tiêu công thì sao, thưa ông?

Chi NSNN không bao gồm chi trả nợ gốc, năm 2009 là 39,4% GDP; 2010 là 39,8%;  2011 là 37,6%; 2012 là 34,1%... và năm 2013, 2014 cũng quanh mức đó, nghĩa là tuy có giảm nhưng vẫn ở mức trên 30%. Chưa kể khoản chi đầu tư từ trái phiếu Chính phủ không để trong hạch toán NSNN mỗi năm hơn 100 nghìn tỷ đồng. Tính chung lại, riêng chi từ khu vực NN hiện nay chiếm khoảng 40-45% GDP. Phần còn lại, bao gồm toàn bộ nền kinh tế, cả DNNN và DNTN, hộ gia đình chỉ chiếm 55%. Với cơ cấu chi như vậy, nếu kích thích tổng cầu, chi tiêu công sẽ tiếp tục phình lên, chèn ép, lấn át vốn từ khu vực tư nhân, gây lạm phát sau đó, làm tăng nợ công, thâm hụt NS kéo dài, thâm hụt thương mại... 

Vậy làm thế nào để chúng ta phát huy tốt nhất “cú sốc có lợi” này? 

Lạm phát giảm mạnh, các thị trường cũng sẽ tự động điều chỉnh. Tôi lấy ví dụ như, lãi suất cũng sẽ tiếp tục giảm, nhờ đó chi phí đầu vào của DN cũng sẽ giảm thêm, khuyến khích DN đầu tư, sản xuất sẽ tăng dần trở lại. Cung hàng hóa dồi dào hơn, giá sẽ giữ ở mức thấp, thậm chí giảm thêm, kích thích tiêu dùng, giúp DN có đầu ra… Chính phủ không cần phải làm gì để tác động vào lạm phát mà nên tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để hướng nguồn lực vào những lĩnh vực có lợi cho sự phát triển kinh tế và NTD, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân. 

Cảm ơn ông! 

Thảo Nguyên 

(Thực hiện)  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.