Kinh tế

Làm rõ tin sốc về gạch không nung gây nứt công trình

20/11/2014, 06:35

Chủ trương bắt buộc sử dụng gạch không nung tại các công trình sử dụng vốn ngân sách ở Bến Tre đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cung, trong khi một số công trình dùng loại gạch này bị nứt khi đang thi công

Những vết nứt ở công trình trụ sở UBND xã Nhơn Thạnh
Những vết nứt ở công trình trụ sở UBND xã Nhơn Thạnh

6/10 công trình bị nứt

Công trình trụ sở UBND xã Nhơn Thạnh (TP Bến Tre) khởi công xây dựng tháng 6/2013, bằng gạch không nung với tổng diện tích gần 1.000 m2, kinh phí gần 9 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2015. Tuy nhiên, ông Trần Trung Trực, kỹ sư trưởng phụ trách việc thi công cho biết, công trình mới thi công được khoảng 50% thì xảy ra sự cố nứt tường ở tầng trệt, do đó phải tạm ngưng thi công gạch không nung, chuyển sang gạch ống truyền thống.

UBND xã Nhơn Trạch chỉ là một trong số nhiều công trình xây dựng sử dụng gạch không nung xảy ra hiện tượng nứt trong quá trình thi công. Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre, Bùi Trang Thuận cho biết, trên địa bàn TP Bến Tre đã xây dựng được 10 công trình trụ sở UBND, trường học bằng vật liệu không nung. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, đã có 6 công trình bị nứt gạch như: Trụ sở UBND xã Sơn Đông, Mỹ Thành (đều ở TP Bến Tre)…

Ông Nguyễn Hoàng Minh, chuyên gia xây dựng có tiếng ở Long An nhận định: “Công trình bị nứt có hai nguyên nhân chính là khả năng chịu lực của móng hoặc gạch bị yếu. Các công trình ở Bến Tre xây dựng bằng gạch không nung bị nứt, cần phải có sự kiểm định của Trung tâm kiểm định công trình để tìm ra nguyên nhân chính xác”.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Bến Tre thống nhất chủ trương tạm ngưng việc bắt buộc áp dụng vật liệu xây dựng không nung, đồng thời giao Sở Xây dựng tổng hợp các tồn tại, khó khăn, vướng mắc; tham mưu điều chỉnh lộ trình sử dụng vật liệu này cho phù hợp với địa phương.

Chậm tiến độ, đội giá thành

Ông Bùi Trang Thuận thông tin, quy định dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung nằm trong lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, cải tiến và lò đứng liên tục… giai đoạn 2012-2015. Theo đó, tại các đô thị loại ba trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung từ tháng 1/2013, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% đến 2015 và nâng lên tỷ lệ 100% sau đó.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 50 công trình được thiết kế sử dụng gạch không nung và đang trong quá trình xây dựng. Trong khi đó, tỉnh có 80 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với tổng sản lượng khoảng 46,12 triệu viên/năm, đến nay đã tạm ngưng hoạt động 23 lò. 57 lò còn lại vận hành cũng không hết công suất, sản lượng năm 2013 đạt khoảng 30 triệu viên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lộ trình này, ngoài việc một số công trình xuất hiện vết nứt như phản ánh, địa phương còn gặp khó khăn do cung không đủ cầu. Hiện toàn tỉnh chỉ có hai cơ sở sản xuất gạch không nung, dòng sản phẩm nặng, tổng công suất khoảng 15,9 triệu viên/năm; các cơ sở sản xuất khác cũng rất ít, cả về chủng loại sản phẩm và sản lượng.

Trong khi đó, dự báo nhu cầu sử dụng gạch không nung đến năm 2015 của tỉnh cần khoảng 110 triệu viên. Do vậy, thời gian qua, hầu hết các công trình xây dựng trong tỉnh thuộc diện phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung đều phải đặt hàng từ các cơ sở ở: Long An, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM… nên đã xảy ra tình trạng chậm trễ tiến độ và đội giá thành do tốn phí vận chuyển xa.

“Mặt khác, năng lực các cơ sở kiểm tra, thí nghiệm ở địa phương còn hạn chế, chỉ có thể thí nghiệm kiểm tra về độ bền, độ hút nước, chỉ tiêu về độ co khô phải thuê các đơn vị ở TP HCM thực hiện nên thường kéo dài thời gian. Thao tác xây, trát, xử lý kỹ thuật ngoài hiện trường của công nhân, thợ xây chưa thuần thục, cần có quá trình để học tập hoàn thiện kỹ năng”, ông Thuận nói.

Hải Đường

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.