Xã hội

Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước vụ Formosa

12/07/2016, 07:12
image

Tại phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 11/7, vấn đề được nhiều đại biểu tập trung...

cong-bo-ca-chet-mien-trung-baogiaothong-1150-1706

Nhiều đại biểu đề cập nhất những băn khoăn của dư luận liên quan đến hoạt động của Formosa.

Hầu hết do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà “tiết lộ”, trong giai đoạn chạy thử, Formosa có 6 nhà thầu nước ngoài. Trong đó, việc chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị và vận hành hệ thống xử lý nước thải hầu hết do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 53 hành vi vi phạm liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công, triển khai các hệ thống xử lý chưa đáp ứng theo đúng quy trình, chưa đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, trong 53 hành vi đó, Formosa đã tự ý thay đổi từ công nghệ xử lý cốc khô (công nghệ thân thiện) sang công nghệ xử lý cốc ướt (công nghệ phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải).

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, hiện nay, Formosa đang trong giai đoạn chạy thử và nơi có nguồn thải nguy hiểm nhất là lò luyện cốc. Tại đó, nguồn nước thải ra được xử lý ở trạm sinh hóa - đến nay mới chạy được 1/4 công suất. “Việc thay đổi công nghệ hoàn toàn là do Formosa tự ý điều chỉnh so với công nghệ được duyệt và đây là bằng chứng hết sức quan trọng về việc vi phạm pháp luật của Formosa”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và khẳng định, khi dây chuyền xử lý nước thải của toàn bộ khu công nghiệp Vũng Áng đi vào hoạt động 100% công suất, có thể tin tưởng chất thải nguy hiểm sẽ được xử lý hết.

Tiềm ẩn lâu dài về an ninh quốc phòng

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đặt vấn đề: “Đây là một dự án được phê duyệt rất nhanh, đánh giá tác động môi trường cũng được phê duyệt rất nhanh và cuối cùng là hậu quả xảy ra cũng rất nhanh. Đối với vụ Formosa, phải làm rõ vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Nhìn nhận lại việc cấp phép hoạt động 70 năm ở địa bàn nhạy cảm và quy mô lớn như vậy thì cũng nên đặt vấn đề cần phải được phê duyệt, xét duyệt ở mức nào? Có phải công trình trọng điểm quốc gia không? Tới đây triển khai thế nào, có điều chỉnh lại quy mô dự án không?”.

Đánh giá việc giải quyết bước đầu sự cố liên quan đến Formosa là rất tốt, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng lưu ý: “Tiềm ẩn sâu xa trong vụ việc này còn rất nhiều vấn đề. Ví dụ bao giờ chúng ta khắc phục được về môi trường? Bao giờ nghề cá, ngành Du lịch tiếp tục thực hiện được như bình thường? Việc giải ngân tiền đền bù của Formosa giải quyết như thế nào? Các cơ quan có trách nhiệm ra sao trước dân?... Nếu không giải quyết những vấn đề đó thì vấn đề gì sẽ xảy ra? Riêng tôi thấy, vụ Formosa là vấn đề tiềm ẩn rất lâu dài, không đơn giản về mặt kinh tế mà còn gắn với quốc phòng an ninh”.

Nhận xét Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc ứng phó với sự cố phức tạp, lần đầu xảy ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng tới đây, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội việc rà soát và kiểm tra nguồn thải ở lưu vực sông, biển, đánh giá tình trạng ô nhiễm tại tất cả khu công nghiệp, nhà máy trên cả nước để có giải pháp lâu dài. 

Tuần này duyệt 22 dự án sử dụng vốn dư

Trả lời câu hỏi của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ: “Việc phân bổ, sử dụng 14.259 tỷ đồng còn dư cho 22 dự án của QL1 và đường HCM đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành. Tại sao chậm trễ như vậy, còn vướng mắc ở khâu nào?”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã phối hợp cùng Bộ GTVT và Bộ Tài chính rà soát lại danh mục 22 dự án này. Có một vấn đề là trước đây trong văn bản nghị quyết của Quốc hội nêu rõ dành vốn cho dự án thuộc đường HCM qua Tây Nguyên, nhưng trong danh mục lại có một số dự án không nằm trên đoạn này. Sau khi rà soát lại thật kỹ, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan thống nhất cho rằng, để đảm bảo kết cấu đồng bộ, phát huy hiệu quả cả tuyến đường, tuy không nằm trên đoạn qua Tây Nguyên nhưng cũng là dự án nằm trên tuyến quốc lộ đó nên các Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục này. Chắc chắn tuần này hoặc tuần sau sẽ giao vốn cho 22 dự án”.

Đề nghị kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ ồ ạt

Đề nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Tổ chức T.Ư và một số cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ tại sao đến cuối nhiệm kỳ, dư luận lại phản ánh một số Bộ, ngành bổ nhiệm cán bộ ồ ạt, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: “Như ở Thanh tra Chính phủ dư luận phản ánh nhiều, Bộ Công thương cũng có ý kiến phản ánh về việc bổ nhiệm. Việc kiểm tra này không hẳn quá khó khăn vì ai đủ điều kiện, ai không đủ điều kiện có thể biết được. Nên làm một cách rõ ràng để xác định có việc như vậy không? Dư luận phản ánh có đúng không?”.

Video: Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh vúi đầu xin lỗi Chính phủ và người dân Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.