Xã hội

Làm rõ vụ muốn nhận tiền đền bù Formosa phải “bồi dưỡng” quan thôn

14/05/2018, 07:25

Muốn có tờ khai ghi danh nộp lên chính quyền cấp trên xem xét được nhận tiền chi trả bồi thường đợt 2...

24

Bà Dương Thị Phượng phải bỏ ra 10 triệu đồng cho thôn trưởng và thôn phó để ""chạy"" tờ khai cho con

Muốn có tờ khai ghi danh nộp lên chính quyền cấp trên xem xét được nhận tiền chi trả bồi thường đợt 2 sau sự cố môi trường biển, nhiều hộ dân ở thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh phải nộp từ 500 - 1 triệu đồng, thậm chí là 10 triệu đồng cho trưởng và phó thôn. Sự việc đã kéo dài cả năm trời nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm khiến người dân mất tiền, mất cả niềm tin.

Cầm cố xe để “chạy” tờ khai cho con

Gia đình bà Dương Thị Phượng (SN 1967) có 7 người thì 6 người gồm chị và 5 người con (2 trai, 2 gái và dâu) làm dịch vụ nghề biển từ nhiều năm nay. Thế nhưng, khoảng tháng 1/2017, khi làm danh sách đối tượng được nhận tiền chi trả bồi thường đợt 2 sau sự cố môi trường biển, chỉ có bà Phượng, con trai đầu và con gái thứ 2 được nhận tờ khai. “Khi tôi thắc mắc tại sao con dâu, con gái thứ 3 và con trai út không có tờ khai, ông Nguyễn Trọng Đậu, Phó bí thư Chi bộ, thôn trưởng và ông Võ Trọng Đạt, Bí thư Chi bộ, thôn phó gợi ý muốn có tờ khai phải chi tiền trước. Thấy cả làng đều thế, tôi giấu chồng đi sang xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà cầm cái xe máy 10 triệu đồng với lãi suất 900 nghìn đồng/tháng về đưa cho 2 ông. Lần 1 tôi đưa 6 triệu đồng tại Nhà Văn hóa thôn, lần 2 đưa 4 triệu đồng tại nhà ông Nguyễn Trọng Đậu”, bà Phượng bức xúc.

Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1961) cũng không kém phần bức xúc: “Con gái tôi bị TNGT tưởng chết, không đi học trở lại được. Ơn trời tai qua nạn khỏi, nó cùng tôi ra cảng mua cá về bán ở đường cái. Ngoài ra, nó còn tranh thủ đi làm sò lông cho các cửa hàng hải sản. Tuy nhiên, khi làm danh sách không có tờ khai. Tôi hỏi ông Đậu và ông Đạt nói phải cho tiền xăng. Tôi đồng ý, nếu được thì cho 1 triệu đồng, nhưng 2 ông không đồng ý. Sau đó, 20h ngày 13/12/2016, tôi cầm 5 triệu đồng qua nhà, đưa cho ông Đạt trước sự chứng kiến của bà Đặng Thị Đoàn (người trong làng) và con dâu ông Đạt. Lúc đưa tôi có xin, nếu không được, nhờ ông trả lại tiền chứ con tôi mới bị TNGT, gia đình còn rất khó khăn”, bà Cúc nghẹn ngào.

Cả làng đều thế?

Cũng theo bà Phượng và bà Cúc, hầu như cả thôn Sơn Bằng đều phải đưa tiền trước cho trưởng và phó thôn mới được ghi danh trước khi được xem xét nhận tiền chi trả bồi thường đợt 2 sau sự cố môi trường biển. “Cả làng này hầu như nhà nào cũng phải chi tiền trước cho lãnh đạo thôn. Người ít 500.000 - 1 triệu đồng, người nhiều 4 - 5 triệu đồng, thậm chí là 10 triệu đồng. Hiện tại, nhiều người không dám kêu vì đã nhận được tiền hỗ trợ. Một số khác được ông Đậu và ông Đạt trả lại tiền, hoặc số tiền mất chỉ một vài triệu đồng nên họ không muốn ý kiến vì sợ mất tình làng nghĩa xóm. Còn lại một số hộ đến nay vẫn chưa đòi lại được”, bà Phượng nói.

Đại tá Nguyễn Trọng Tranh, Trưởng Công an huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vẫn đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc, sau khi có kết quả, sẽ công bố cho báo chí công luận.

Ông Nguyễn Minh Đức (SN 1957) đại diện cho nhiều hộ dân ở thôn Sơn Bằng đứng ra khiếu nại, tố cáo cho biết thêm, sau khi có đơn thư tố cáo của công dân thôn Sơn Bằng, từ tháng 4 - 7/2017, UBND huyện Lộc Hà đã có 4 công văn yêu cầu Chủ tịch UBND xã Thạch Kim chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, trả lời công dân và báo cáo kết quả giải quyết… Tuy nhiên, UBND xã Thạch Kim không hề có động thái gì. Đến khi công dân phản ánh lên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn thì được Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo làm rõ trước ngày 30/8/2017. Thấy vậy, UBND xã mới tổ chức đối thoại với người dân.

Kết thúc buổi đối thoại trực tiếp, có 14/22 người thừa nhận đưa tiền với tổng số tiền lên đến 62,1 triệu đồng; một người định đưa tiền nhưng sau đó không đưa; còn lại 7 người không đưa tiền. Trong số 14 người đưa tiền thì có đến 7 người đã lấy lại được tiền (tổng số tiền là 37 triệu đồng) xin rút đơn, không khiếu nại. Còn 7 người chưa lấy lại được tiền (tổng số tiền là 25,1 triệu đồng), đang đề nghị các cấp, ngành can thiệp lấy lại.

Đề nghị cơ quan điều tra sớm làm rõ

Để rõ hơn vụ việc, PV Báo Giao thông tìm về nhà ông Nguyễn Trọng Đậu, tuy nhiên cửa nhà luôn khóa. Hỏi hàng xóm thì được biết, gia đình ông Đậu đi Vũng Tàu có công việc. Trong khi đó, ông Võ Trọng Đạt một mực phủ nhận việc nhận tiền của người dân.

Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết, sau buổi đối thoại, UBND xã đề nghị Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã xác minh hành vi vi phạm và căn cứ điều lệ Đảng để có hình thức xử lý. Với 7 người có kiến nghị các cấp can thiệp để lấy lại tiền, xã tiếp tục phối hợp với cơ quan công an cùng vào cuộc, xác minh làm rõ.

Ông Phạm Xuân Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kim cho hay, Đảng ủy xã đã thống nhất thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Chi bộ, Chi ủy viên Chi bộ thôn Sơn Bằng đối với ông Võ Trọng Đạt; cách chức Phó bí thư Chi bộ, Chi ủy viên Chi bộ thôn Sơn Bằng đối với ông Nguyễn Trọng Đậu.

Cũng theo ông Lộc, việc làm của ông Đạt và ông Đậu không chỉ gây kiện cáo trong dân cư, làm mất tình làng nghĩa xóm, an ninh chính trị địa phương, nguy hại hơn, nó còn làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức cơ sở Đảng, mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. “Rất mong Công an huyện sớm làm rõ và xử lý nghiêm. Từ kết quả điều tra, nếu có vi phạm, Đảng ủy sẵn sàng họp đề nghị khai trừ”, ông Lộc nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.