Bóng đá

Làm sao để AFF Cup thành bệ phóng cho bóng đá Đông Nam Á?

01/12/2021, 06:30

AFF Cup đang ngày một cho thấy tầm ảnh hưởng trong sự phát triển của bóng đá Đông Nam Á nói chung, các quốc gia thành viên nói riêng.

Tuy nhiên, phần nào đó, giải đấu số 1 khu vực vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về việc trở thành bệ phóng để các cầu thủ tài năng vươn tầm châu lục và thế giới.

img

Đội tuyển Việt Nam đang là nhà vô địch AFF Cup

AFF Cup dần có tầm ảnh hưởng

Ngày 5/12, AFF Cup 2020 sẽ chính thức khởi tranh tại Singapore sau một năm bị hoãn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đội tuyển Việt Nam bước vào giải cùng mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch nhưng chắc chắn thày trò HLV Park Hang-seo sẽ gặp nhiều khó khăn bởi các đối thủ đang ráo riết chuẩn bị lực lượng cùng quyết tâm cao nhất.

Đáng chú ý, một số đội bóng kêu gọi cầu thủ có gốc gác đang chơi bóng ở châu Âu về tham chiến. Đáng kể như tuyển Lào vừa thông báo kịp bổ sung tiền đạo Billy Ketkeophomphone từ Pháp.

Billy có cả bố mẹ đều là người Lào, từng chơi bóng ở giải đấu cao nhất xứ lục lăng trong màu áo Angers FC.

Tuyển Indonesia dự kiến cũng có ít nhất 1 - 2 cái tên từ châu Âu, nổi bật nhất là Jodri Amat - cầu thủ từng khoác áo U21 Tây Ban Nha cùng một loạt CLB như Swansea (Anh), Rayo Vallecano, Betis, Espanyol (Tây Ban Nha).

Việc cầu thủ đang chơi tại các nền bóng đá phát triển chấp nhận khoác áo đội tuyển ở Đông Nam Á dự AFF Cup là dấu hiệu cho thấy giải đấu này đang có sức hút không nhỏ.

Ngoài ra, từ việc lên ngôi tại AFF Cup, đội tuyển Thái Lan cũng như đội tuyển Việt Nam đã vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup.

Giải đấu 2 năm một lần này cũng là tiền đề để Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan sang Nhật Bản chơi bóng và tỏa sáng.

Hậu vệ Đoàn Văn Hậu nhờ việc chơi tốt tại AFF Cup đã được CLB Heerenveen (Hà Lan) chiêu mộ. Đáng tiếc anh không thể hiện được nhiều trước khi trở lại Việt Nam.

Nhiều cái tên khác của đội tuyển Việt Nam như: Hoàng Đức, Quế Ngọc Hải, Văn Toàn, Tiến Linh, Quang Hải… nhận nhiều sự quan tâm của các đội bóng Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Tây Ban Nha.

Một yếu tố khác cần được nhắc tới, chất lượng chuyên môn của AFF Cup ngày một được nâng cao khi trình độ giữa các đội nhóm trên và nhóm dưới đã thu hẹp đáng kể, thể hiện qua việc không còn những chiến thắng chênh lệch lớn.

Trong khi đó, các nhà vô địch gần đây như Malaysia, Thái Lan hay Việt Nam đều có lối chơi bài bản, khoa học, tính ổn định cao.

Vẫn cần nâng tầm, phát triển hơn nữa

Nói là vậy nhưng vẫn phải thừa nhận, AFF Cup về cơ bản chưa thể thoát khỏi cái danh “ao làng”. Số lượng cầu thủ trưởng thành vượt bậc, vươn cao từ giải đấu này còn tương đối hạn chế.

Bên cạnh một số đội bóng có tham vọng, bước đi rõ ràng, nhiều cái tên dự giải đơn thuần chỉ để đủ suất. Đáng nói, những nhà vô địch khi bước ra từ AFF Cup đều chới với ở tầm châu lục.

Vậy trong tương lai, AFF Cup cần làm gì để thực sự trở thành động lực phát triển của bóng đá Đông Nam Á?

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Hội đồng AFF, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, hiện tại, AFF Cup đang có thể thức thi đấu rất tối ưu và trong tương lai AFF cần nghiên cứu để tinh chỉnh hơn nữa nhằm tạo động lực phát triển cho các nền bóng đá trong khu vực.

“Việc đưa giải đấu về nhiều quốc gia khác nhau giúp quảng bá hình ảnh cho giải, nâng cao khả năng thu hút tài trợ. Quan trọng hơn, các quốc gia buộc phải đảm bảo cơ sở vật chất để tổ chức trận đấu và khi đá trên sân nhà họ cũng phải chơi nỗ lực hơn. Đó chính là tiền đề để mỗi nền bóng đá tự hoàn thiện mình. Theo tôi, tương lai AFF nên tiếp tục duy trì thể thức này và có thêm những điều chỉnh, hỗ trợ các quốc gia về mặt định hướng phát triển”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Lê Dũng, cựu Chủ tịch CLB Phố Hiến cho rằng, AFF Cup thực tế đã đạt ngưỡng ở mặt bằng trình độ của khu vực. Nếu muốn phát triển thêm thì bài toán đặt ra là cần mở rộng.

“Tôi được biết Liên đoàn Bóng đá Nam Á đã có ý tưởng kết hợp với AFF để tổ chức giải đấu chung. Nhưng bóng đá tại khu vực này không phát triển, cũng không phải môn thể thao số 1 nên AFF phải cân nhắc cái lợi thu được. Với các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc thì họ lại quá mạnh, làm sao để thuyết phục họ chơi cùng mình, thể thức và quyền lợi ra sao cũng không dễ giải quyết. Một vấn đề nữa là nếu mở rộng quy mô thì bắt buộc cơ sở vật chất cũng phải gia tăng về mặt số lượng. Liệu AFF có đáp ứng được hay không còn là dấu hỏi”, ông Dũng đặt vấn đề.

Bình luận viên Ngô Quang Tùng nhận định, AFF Cup có thể mời thêm các đội khách mời chất lượng để các thành viên được cọ xát. Nếu khách mời chất lượng cao thì nên để họ đá từ các vòng loại trực tiếp, không cần đá vòng bảng.

Dù vậy, ông Tùng nhấn mạnh, cốt lõi vẫn là các quốc gia trong khu vực phải nỗ lực phát triển từ khâu đào tạo trẻ tới việc tổ chức giải vô địch quốc gia chất lượng.

Những yếu tố này sẽ giúp các đội tuyển có nền tảng chuyên môn được nâng cao. Khi đó, chất lượng giải đấu cũng được nâng lên và hỗ trợ ngược lại trong việc giúp các đội bóng, cầu thủ phát triển chuyên môn, hình ảnh.

Ngoài cầu thủ, AFF Cup những năm gần đây còn quy tụ được một số nhà cầm quân tên tuổi. Năm 2018 là HLV Sven Goran Erikson (Phillippines) và năm nay là HLV Shin Tae-young (Indonesia). Nếu HLV Akira Nishino không rời ghế nóng tuyển Thái Lan, AFF Cup 2020 thậm chí có tới 2 nhà cầm quân từng dự World Cup.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.