Quản lý

Làm sao để ICD đúng nghĩa là "cánh tay nối dài" của cảng biển?

02/02/2016, 10:02

Hiện các ICD (cảng cạn) chưa có được sự quản lý chuyên ngành của một cơ quan cụ thể nào.

ảnh ICD Mỹ Đình
Các DN xuất nhập khẩu tại ICD Mỹ Đình mỗi năm đóng góp cho ngân sách 2.500 tỉ đồng, tạo việc làm cho 1.500 lao động.

Ông Phùng Thế Toàn – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (Interserco), hiện các ICD chưa có được sự quản lý chuyên ngành của một cơ quan cụ thể. Hay nói cách khác, các ICD đang cùng lúc chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành. Trong đó, Bộ GTVT thực hiện công bố mở/đóng ICD, Bộ Tài chính thành lập đơn vị Hải quan quản lý, Bộ Công thương ban hành các chính sách hoạt động của DN đầu tư quản lý và khai thác ICD... Cũng từ việc có quá nhiều đầu mối quản lý này, các DN khai thác ICD rất bối rối, đặc biệt là khi gặp khó khăn khúc mắc mà không biết gặp cơ quan nào để giải quyết.

"Khắc phục những khó khăn trên, nên chăng, để Cục Hàng hải VN là cơ quan chủ quản các ICD để các cảng cạn này phát huy đúng ý nghĩa là cánh tay nối dài của cảng biển" - ông Toàn đề xuất và nhấn mạnh thêm: Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cụ thể là Cục Hàng hải VN cần chi tiết hóa Quy hoạch các trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020 định hướng đến 2030 theo Quyết định số 1012/QĐ0TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, theo ông Toàn, Cục Hàng hải VN sẽ là đầu mối tiếp cận và thu thập các đề xuất từ phía DN khai thác ICD, nghiên cứu để ban hành cơ chế quản lý và đề nghị các chính sách về thuế sử dụng đất, thuê đất, miễn thuế nhập khẩu, VAT đối với trang thiết bị mua hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho ICD, miễn giảm thuế thu nhập DN ít nhất 5 năm, hỗ trợ đào tạo nhân lực...

Cục Hàng hải VN cũng cần đứng ra gắn kết các ICD để các cảng cạn này tạo thành mạng lưới hợp tác, sử dụng dịch vụ lẫn nhau, nhằm phát huy sức mạnh và lợi thế khu vực, tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh, tiến tới thành lập Hiệp hội ICD  - kiến tạo môi trường hoạt động thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam.

Cho đến nay việc đầu tư các ICD vẫn theo nhu cầu tự phát của địa phương và DN nên còn thiếu, manh mún, trang bị hạ tầng cơ sở không đồng bộ, trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng không đầy đủ hoặc không có, thiếu nhân sự chuyên nghiệp. Hiện cả nước có 19 ICD hoạt động thiếu sự gắn kết, hợp tác, đôi khi còn có cạnh tranh không lành mạnh. Thậm chí tên gọi các ICD trong các văn bản pháp quy còn không thống nhất, có nơi gọi là cảng cạn, có nơi gọi là cảng nội địa, điểm thông quan hàng hóa... dẫn đến việc áp dụng các quy định pháp luật và thực hiện của các cơ quan quản lý và bản thân DN cũng không nhất quán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.