Bóng đá

Làm thế nào để chân sút nội có đất diễn ở V-League?

19/02/2020, 10:00

HLV Park Hang-seo muốn các CLB tại V-League trao cơ hội cho tiền đạo nội nhằm phát hiện những chân sút tốt cho đội tuyển Việt Nam.

img
Các đội bóng ở V-League thường ưu tiên dùng tiền đạo ngoại (Trong ảnh: Tiền đạo Pape Omar của Hà Nội FC)

Các CLB cũng có cái lý của riêng mình khi ưu tiên chân sút ngoại. Tuy nhiên, liệu đây có phải là nguyên nhân duy nhất khiến tiền đạo nội không thể phát triển?

Lời “kêu cứu” của HLV Park

Theo quy định mới nhất, các CLB tham dự V-League 2020 vẫn được đăng ký 3 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch. Riêng một số đội dự cúp châu Á như Hà Nội FC, TP HCM hay Than Quảng Ninh sẽ có thêm 1 suất ngoại binh châu Á. Việc sử dụng ngoại binh là điều tất yếu ở mỗi nền bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới. Ngay cả những giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới như Ngoại hạng Anh, La Liga hay Serie A cũng đều phải có ngoại binh. Thậm chí, Serie A không giới hạn ngoại binh. Inter Milan, một trong những đội bóng lớn nhất Serie A từng có thời điểm đưa ra sân đội hình 100% “hàng ngoại”.

Thực tế cũng đã chứng minh, ngoại binh là lực lượng giúp nâng cao chất lượng đội bóng nói riêng, giải đấu nói chung. Liverpool (Anh) khó vô địch Champions League nếu không có những cầu thủ ngoại như Sadio Mane (Senegal); Roberto Firmino, Alisson Becker (Brazil) hay Mohamed Salah (Ai Cập). Giai đoạn cực thịnh của Real Madrid cũng gắn liền với những cái tên từ ngoài biên giới Tây Ban Nha như: Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha), Luka Modric (Croatia), Marcelo (Brasil)… Yokohama FC, đội vô địch J-League 2019 cũng sử dụng tới 5 ngoại binh từ Hàn Quốc, Brasil và Thái Lan.

Quay trở lại câu chuyện cầu thủ nước ngoài tại V-League, sẽ không có gì đáng nói nếu HLV Park Hang-seo từng không ít lần bày tỏ mong muốn có sự chung tay của các CLB. Theo nhà cầm quân người Hàn Quốc, việc nhiều đội bóng dự giải đấu cao nhất Việt Nam ưu tiên sử dụng tiền đạo ngoại khiến các chân sút Việt Nam ít có cơ hội rèn luyện trưởng thành. Hệ quả, mỗi lần hội quân, ông đều đau đầu với nhân sự hàng tiền đạo. Từ ý kiến của ông Park, nhiều người cho rằng V-League nên hạn chế số lượng ngoại binh.

Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - đơn vị tổ chức, điều hành V-League, nếu hạn chế ngoại binh, chất lượng các trận đấu sẽ đi xuống, kéo theo giải đấu kém hấp dẫn. “Hơn nữa, có ai dám đảm bảo hạn chế ngoại binh thì tiền đạo Việt Nam sẽ tốt lên?”, ông Tú đặt câu hỏi.

HLV Triệu Quang Hà cũng khẳng định không nên hạn chế ngoại binh bởi như vậy đi ngược với xu hướng phát triển của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, ông Hà cũng gợi mở vấn đề, VFF có thể trao đổi, làm việc để các CLB có sự bố trí, sử dụng ngoại binh hợp lý, ví dụ như 3 cầu thủ ngoại trải đều ở ba tuyến, như vậy tiền đạo nội sẽ được trao thêm cơ hội ra sân. Song, cũng có ý kiến cho rằng VFF nên đưa ra quy định bắt cuộc các đội bóng V-League sử dụng tiền đạo nội bên cạnh chân sút ngoại.

Về vấn đề này, ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF khẳng định: “Không có nền bóng đá nào đưa ra quy định như vậy, có chăng chỉ là siết lại số lượng. Ở mỗi đội bóng, việc sử dụng cầu thủ ra sao, ở vị trí nào phụ thuộc vào khả năng chuyên môn và quyết định của HLV trưởng, VFF không thể can thiệp. Với bóng đá Việt Nam, việc quy định 3 cầu thủ ngoại đã được tính toán kỹ lưỡng, nhằm vừa duy trì tính cạnh tranh của giải đấu, vừa giúp cầu thủ nội học hỏi, cọ xát, trưởng thành hơn. Bằng chứng là thời gian gần đây tuyển Việt Nam đối đầu các đội bóng thể hình cao to thì các cầu thủ không lúng túng nữa, chơi bài bản và hiệu quả”.

Căn bệnh chung của nền bóng đá đang phát triển?

Mở rộng góc nhìn, HLV Triệu Quang Hà nhận định, việc các CLB V-League ưa dùng tiền đạo ngoại chỉ là một phần nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam thiếu những cây săn bàn xuất sắc: “Công tác đào tạo trẻ của chúng ta rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu từ thực tế. Tôi tin rằng nếu có những tiền đạo nội chất lượng, không có lý gì các đội bóng lại phải mất thêm tiền để thuê cầu thủ ngoại hoặc có thuê thì họ cũng để dành cho vị trí khác”.

Cũng theo ông Hà, để đào tạo được những tiền đạo giỏi phải làm chặt chẽ từ khâu tuyển chọn tới quá trình đào tạo. “Đào tạo trẻ cần có sự định hướng. Ví dụ như tiền đạo phải ưu tiên thể hình tốt. Tuyển quân xong rồi thì phải đào tạo chuyên biệt chứ không phải đưa ra giáo án đại trà rồi nhặt vị trí theo năng lực. Nếu làm được như vậy, tương lai không xa chúng ta sẽ có những chân sút tốt, đủ sức cạnh tranh với tiền đạo ngoại”, ông Hà phân tích.

Chung quan điểm, bình luận viên Vũ Quang Huy cũng nhấn mạnh, cốt lõi trong cơn khát tiền đạo giỏi của bóng đá Việt Nam chủ yếu xuất phát từ khâu đào tạo còn hạn chế: “Rất nhiều giải đấu trên thế giới các CLB dùng tiền đạo ngoại binh nhưng nền bóng đá vẫn sản sinh ra các chân sút xuất sắc. Harry Kane, Jamie Vardy, Abraham ở Anh là ví dụ. Chúng ta thấy bóng đá Thái Lan, Indonesia cũng thiếu tiền đạo giỏi, Malaysia mới nhất phải nhập tịch thêm tiền đạo để tăng cường cho đội tuyển. Đây dường như là căn bệnh chung của các nền bóng đá đang phát triển, năng lực đào tạo có giới hạn”.

Trong bối cảnh như vậy, ông Huy gợi ý, bóng đá Việt Nam không nên cấm ngoại binh nhưng có thể nghiên cứu, áp dụng sao cho phù hợp nhất. “Mô hình của bóng đá Nhật Bản rất hay, họ không sử dụng ngoại binh từ châu Phi. Cầu thủ châu Phi chủ yếu dựa vào tốc độ và sức mạnh trong khi bóng đá Nhật Bản đề cao kỹ thuật. Thế nên, phần lới ngoại binh ở J-League đều tới từ Brasil, Argentina hoặc Đông Âu. Những ngoại binh như thế sẽ giúp cầu thủ Nhật Bản học hỏi được nhiều hơn vì cùng trường phái. Bóng đá Việt Nam cũng cần có định hướng rõ ràng trong tương lai nhằm biến ngoại binh thành động lực phát triển cho giải vô địch quốc gia cũng như đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của đội tuyển và các CLB”, ông Huy cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.