Khám phá

Làm “thổ dân” đảo Robinson xứ “hoa vàng cỏ xanh”

25/06/2016, 06:25

Một trong số đó phải kể đến cù lao Mái Nhà, nơi được ví như đảo Robinson của xứ sở “hoa vàng cỏ xanh”.

cu lao mái nhàd
Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú của cù lao Mái Nhà

Du lịch Phú Yên gần đây được nhắc đến với những bãi tắm đẹp và địa danh như: Gành Đá Dĩa, hải đăng Đại Lãnh, vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, đầm Ô Loan... nhưng thật ra Phú Yên vẫn còn nhiều điểm tuyệt vời khác. Một trong số đó phải kể đến cù lao Mái Nhà, nơi được ví như đảo Robinson của xứ sở “hoa vàng cỏ xanh”.

Điểm đến hoang sơ, trải nghiệm thú vị

Cù lao Mái Nhà thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách TP Tuy Hòa khoảng 27 km về phía Bắc. Cách thành phố không xa nhưng cù lao Mái Nhà vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ và là điểm đến lý tưởng cho những người ưa khám phá, phiêu lưu vào mùa hè.

Là đảo nhỏ nằm chơ vơ giữa biển khơi, cách Đầm Ô Loan hơn 4km, hơn 20 năm trước, trên đảo đã có người ở nhưng do điều kiện địa lý cách trở nên hòn đảo này vẫn còn rất xa lạ với nhiều người, ngay cả với dân địa phương. Đảo có diện tích khoảng 1,2 km2, xung quanh được bao bọc bởi dãy núi cao, có hang đá và bãi biển đẹp hoang sơ.

Thời gian lý tưởng cho hành trình tới cù lao Mái Nhà là từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, do lúc này trời yên biển lặng. Xuất phát từ bến cá xã An Ninh Đông hoặc Cảng cá Tiên Châu (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An), những chiếc tàu công suất 90 -120CV của ngư dân địa phương sẽ chở bạn ra đảo. Mỗi chiếc tàu chở tối đa 50 khách ra đảo và về lại trong ngày với giá trọn gói 700 nghìn đồng/tour. Nếu khởi hành từ xã An Hải thì giá rẻ hơn, khoảng 500 nghìn đồng, do hải trình ngắn hơn.

Sau khoảng 20 phút trên tàu của người dân địa phương, bạn sẽ cập bến cù lao. Mái Nhà hiện ra lung linh trước mắt với bãi cát trắng mịn màng tuyệt đẹp, không một bóng người. Nước biển trong đến nỗi có thể nhìn thấy từng rặng san hô bên dưới. Cùng với nắng gió hào phóng, bạn sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú của những dãy núi, cây cối phủ đầy lớp rêu phong của thời gian. Phía sau đảo, cùng với màu xanh ngát trùng điệp của cây và núi là những thảm xanh vòng tròn kỳ thú.

Đừng bỏ lỡ hoàng hôn trên đảo vắng bởi bạn sẽ có những bức ảnh đẹp. Mọi bộn bề lo toan của cuộc sống dường như tan biến hết, chỉ còn lại sóng biển rì rào và ánh hoàng hôn phía chân trời.

Trên cù lao Mái Nhà hiện chưa có điện, chỉ có hai giếng nước ngọt, một miếu thờ thần đảo và hoàn toàn không có bất cứ dịch vụ nào kèm theo: Không điện, không đèn, không wifi, không nhà nghỉ, nước ngọt rất hiếm. Như một thế giới riêng, tới nơi này, bạn hãy chuẩn bị thật kỹ thực phẩm, đồ ăn, thức uống, lều trại và các vật dụng để cắm trại qua đêm (túi ngủ, lều bạt…). Cắm trại trên hoang đảo hoang sơ sẽ cho bạn cảm giác thật thú vị, pha chút kỳ bí và thích thú. Nếu không mang bếp du lịch, bạn có thể trải nghiệm nấu ăn bằng bếp dã chiến được thiết kế ngay trên bãi biển.

Làm… thổ dân, gặp gỡ “chúa đảo”

Một trong những thử thách bạn nên trải nghiệm ở cù lao Mái Nhà là câu cá trên mép bờ đá. Chiến lợi phẩm này sau khi được sơ chế và nướng “tại trận” sẽ mang lại cho bạn cảm giác thích thú.

Ra biển khoảng 5-10m, bạn có thể tập đi bắt ốc. Đầu năm là mùa có nhiều ốc nhảy và thành quả sau một giờ lao động là một rổ ốc lớn tươi ngon như những rổ ốc ngoài chợ.

Từ TP HCM đến TP Tuy Hòa khá thuận tiện bằng nhiều loại phương tiện. Nếu đi bằng xe lửa mất 9 -10 tiếng, đi xe cũng có nhiều lựa chọn từ loại xe khách thường đến xe giường nằm với thời gian khoảng 11 - 12 tiếng.

Ngoài ra, mỗi ngày có một chuyến máy bay từ Hà Nội và TP HCM đến TP Tuy Hòa và ngược lại.lVào tháng Giêng âm lịch, ngư dân ở cù lao Mái Nhà kiêng kỵ việc chở phụ nữ ra đảo bằng tàu, nên muốn ra đảo du khách nữ buộc phải đi bằng ghe nhỏ có gắn động cơ.

Nếu bãi trước của đảo là dải cát trắng, nước trong xanh thích hợp với việc tắm và cắm trại thì phía sau là bãi đá lớn, hang động sâu hun hút nằm sát bên bờ vực sâu gần chục mét, thích hợp câu cá giải trí. Xung quanh đảo có rất nhiều rạn san hô sống, hứa hẹn sẽ gây ấn tượng với những du khách ưa thích môn lặn.

Hiện, trên đảo chỉ có hai gia đình ông Ngô Văn Thịnh và ông Biện Văn Xương với 5 nhân khẩu sinh sống. Họ là những “chúa đảo” hiếu khách, sống bằng nghề ươm tôm giống và đánh cá. Ông Biện Văn Sương và vợ là bà Võ Thị Ngà được gọi là “chúa đảo” vì có thâm niên sống ở đây trên 20 năm. Ngoài nghề biển, ông bà còn trồng rừng dương, tràm, keo... và nuôi bò. Họ là những người người thân thiện, nồng hậu và vô cùng hiếu khách.

Nếu bạn là người thích khám phá và mạo hiểm, bạn có thể đề nghị “chúa đảo” hướng dẫn lặn ngắm san hô. Không phải là nơi tổ chức lặn chuyên nghiệp như ở Nha Trang nên ở đây chỉ lặn với kính bơi, không có ống thở. Tuy “thô sơ” nhưng đổi lại cảm giác thật tuyệt vời. San hô ở đây tuy không đẹp bằng ở hòn Mun, Nha Trang nhưng đối với những người lần đầu được lặn ngắm, với tay chạm vào nhánh san hô dưới đáy biển thì cảm giác khó tả.

Một lần đến với cù lao Mái Nhà, sống đời sống không không máy lạnh, không wifi, tự tay câu cá, mò cua bắt ốc, tự tay nổi lửa và làm mồi cho lũ muỗi đói khi qua đêm…; hẳn bạn sẽ có nhiều trải nghiệm đáng nhớ để chia sẻ với những người muốn đặt chân tới nơi hoang sơ kỳ bí này…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.