Bạn cần biết

Lầm tưởng tai hại khi điều trị viêm amidan

12/10/2017, 07:54

Căn bệnh đơn giản như viêm họng, viêm amidan… nếu không điều trị đúng cách dễ để lại những biến chứng...

15

Chỉ dùng kháng sinh để điều trị viêm họng, viêm amidan cho trẻ khi có chỉ dẫn của bác sĩ - Ảnh: An Việt

70% viêm họng do virus, bệnh nhân vẫn vô tư tự dùng kháng sinh

Con cứ húng hắng ho, cộng hâm hấp sốt, chị Nguyễn Thị Minh (Ngọc Khánh, Ba Đình, HN) lại tự bật đèn dọi họng. “Đi khám các bác sĩ cũng kiểm tra thế thôi. Nếu thấy thành họng phù nề, hồng hoặc đỏ là con viêm họng. Cứ cho 3 ngày kháng sinh là đâu lại vào đấy”, chị Minh cho biết. Tuy nhiên, lần này, cậu con trai ho rạc cổ, chị Minh cho con uống đúng bài thuốc cũ 3 ngày mà không đỡ. Xót ruột chị đưa con đi khám. Bác sĩ cho hay con chị viêm họng cấp do virus nên chỉ cần xúc họng đều đặn, uống hạ sốt khi cần thiết và không cần thiết phải dùng đến kháng sinh.

Theo PGS.TS. Phạm Tuấn Cảnh, Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình, BV Tai Mũi Họng T.Ư, hiện mọi người thường có thói quen “tự chẩn đoán kê đơn”, lạm dụng kháng sinh trong điều trị. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Ông Cảnh cho biết thêm, hiện nay tại BV Tai Mũi Họng T.Ư đã có những bệnh nhân khi làm kháng sinh đồ phát hiện cơ thể đã kháng với hầu hết các loại kháng sinh. Do vậy, việc lựa chọn thuốc để điều trị cho bệnh nhân là một bài toán khó với bất cứ bác sĩ nào. “Trong tương lai, ngay điều trị các bệnh đơn giản như viêm họng cũng sẽ rất khó khăn khi cơ thể đã kháng tất cả mọi loại kháng sinh”, PGS Cảnh nhận định.

Về nguyên nhân gây viêm họng, viêm amidan, ông Cảnh cho biết, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng thường do virus chiếm tới 70-80%, 20-30% do vi khuẩn... Trong khi đó, bệnh nhân không thể phân biệt được đâu là do virus đâu là viêm họng do vi khuẩn. Do vậy, nếu bệnh nhân viêm họng do virus nhưng tự ý uống kháng sinh, không những không có tác dụng điều trị mà gây nên tình trạng kháng kháng sinh. Theo ông Cảnh, khi bị viêm họng do virus chỉ cần súc họng và điều trị triệu chứng như sốt thì uống thuốc hạ sốt, ho thì cho thuốc giảm ho...

“Chỉ khi xác định viêm họng do vi khuẩn việc sử dụng kháng sinh mới cần thiết. Việc dùng kháng sinh cũng cần theo chỉ dẫn của bác sĩ bởi mỗi một loại viêm họng, mỗi một con vi khuẩn sẽ điều trị bằng 1 loại kháng sinh khác nhau”, ông Cảnh cho hay.

Bệnh từ họng có thể gây “cắn nát tim”

Theo ông Cảnh, họng là cửa ngõ đầu tiên chịu tác động từ bên ngoài vào, nên vấn đề ô nhiễm môi trường là yếu tố đầu tiên đối với bệnh lý đường hô hấp trên và hô hấp dưới. Tiếp đến yếu tố nguy cơ thứ 2 là việc hút thuốc, hay hiện tượng trào ngược dạ dày có thể gây viêm họng. Nguyên nhân gây viêm họng do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm, bên cạnh đó còn có một số yếu tố hỗ trợ như sự suy giảm của hệ miễn dịch là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập.

Khi viêm họng, viêm amidan có thể gây ra những hệ lụy, biến chứng tại chỗ như áp xe amidan (ổ mủ hình thành ở amidan), viêm họng hoặc viêm VA có thể dẫn đến viêm tai; biến chứng xa hơn là viêm khớp, viêm tim... để lại hậu quả khá nặng nề. Hiện, mặc dù tỷ lệ biến chứng này thấp hơn nhưng vẫn gặp khá nhiều.

Theo BS. Phạm Hưng Củng, nguyên vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế), với trẻ nhỏ bệnh chỉ lướt qua họng nhưng cũng có thể “cắn nát tim”, cấp sẽ gây viêm màng ngoài tim hoặc nặng sẽ gây hẹp, hở van hai lá hoặc biến chứng lên thận gây vô niệu, hoặc viêm thận mạn tính. Chính vì vậy, dù là bệnh đơn giản nhưng nếu không được điều trị đúng hướng cũng rất dễ để lại nhiều hệ lụy.

Bên cạnh việc điều trị, theo lưu ý của BS. Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nên sử dụng nước muối sinh lý 9:1000, bởi nếu tự pha nước muối mặn quá, cũng gây tổn thương đến họng. Bên cạnh đó, trong ăn uống, người bệnh nên tránh ăn đồ mặn, đồ cay, đồ nóng vì rất dễ gây tổn thương biểu mô niêm mạc của họng. Người bệnh nên chọn những thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu song vẫn đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể không bị thiếu chất như: Cháo, sữa, súp, nước trái cây... và chia nhỏ nhiều bữa trong ngày. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng mật ong, mật ong ngâm với chanh, quất hoặc lá hẹ. Đây là những thực phẩm vừa là thức ăn vừa là thuốc, có tác dụng hỗ trợ bệnh về đường họng rất hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.