Chuyện dọc đường

Làm xấu hình ảnh hàng không

13/12/2017, 07:07

Lâu nay, khi nhắc đến sân bay, máy bay, người ta nghĩ ngay đến một khu vực sang chảnh, một phương tiện vận chuyển...

1

Nam hành khách N.T.D. thóa mạ nhân viên làm thủ tục hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 3/8/2017 vì không cho anh này chen ngang vào hàng

Thế nhưng, những vụ việc gây rối, đánh nhau tại sân bay gần đây, thậm chí ngay khi máy bay đang trong hành trình khiến nhiều người ngán ngẩm.

Hàng không Việt Nam đang có những bước phát triển đáng ghi nhận mà theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) là thuộc nhóm 5 thị trường có lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới (sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia), với mức tăng trưởng cao nhất trong 10 thị trường hàng đầu. Nếu như đến năm 2016, lượng khách qua CHK mới đạt 81 triệu lượt, thì dự kiến đến hết năm 2017, con số này sẽ lên tới 94 triệu lượt, tăng 17%.

Đáng buồn là cùng với sự tăng trưởng đáng khích lệ, tình trạng hành khách gây rối, đe dọa đến an toàn bay lại có dấu hiệu gia tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh ngành Hàng không nói riêng mà còn cả Việt Nam nói chung. Hàng không là lĩnh vực có tính hội nhập cao, chỉ một vài vụ việc gây rối, hay hành khách hành hung, cãi nhau trên máy bay cũng phần nào làm xấu hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Không chỉ Việt Nam, các vụ việc khách gây rối, đánh nhau trên máy bay cũng được IATA quan tâm đặc biệt do số vụ việc tăng vọt trong thời gian gần đây. Số liệu được lấy từ 190 hãng hàng không năm 2015 cho thấy, có hơn 10.800 trường hợp được ghi nhận gây rối, có hành động bạo lực đến tổ tiếp viên, hành khách… Để ngăn chặn vấn đề này, đại diện IATA đề nghị  tăng cường các biện pháp răn đe mạnh mẽ bằng pháp luật.

Vấn đề này cũng đã được các nhà chức trách hàng không Việt Nam nhận diện khi thời gian qua, những quy định, chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không liên tục được bổ sung, sửa đổi theo hình thức tăng nặng.

Theo các chuyên gia hàng không, việc Chính phủ đưa những quy định khá cụ thể về các hành vi cấm vận chuyển vào nghị định - một loại hình văn bản pháp quy ở mức rất cao thể hiện quyết tâm ngăn ngừa các hành vi gây rối, các hành vi có nguy cơ gây mất an toàn, an ninh hàng không. Thực tế, khi một hành khách gây rối, không chỉ hãng hàng không thiệt hại mà người đi máy bay cũng bị thiệt hại. Chuyến bay bị chậm, ảnh hưởng dây chuyền đến những chuyến bay khác, làm cả nghìn hành khách trên các chuyến bay kế tiếp cũng bị ảnh hưởng theo.

Đối với ngành Hàng không, các chuyên gia cho rằng, để giảm những vụ va chạm, xô xát, gây rối không đáng có, trước tiên nhân viên hàng không phải thực hiện được theo tinh thần chỉ đạo chung của lãnh đạo Bộ GTVT là thực hiện “4 xin - 4 luôn” (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ). Nên phục vụ hành khách với trái tim nóng và xử lý tình huống với cái đầu lạnh. Trong mọi trường hợp, nếu các nhân viên luôn cố gắng thấu hiểu hành khách, đặt mình vào vị trí của họ, chắc chắn sẽ tránh được những tình huống đáng tiếc xảy ra. Cuối cùng, sau mỗi vụ việc, các cơ quan liên quan cần có bình giảng, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.