Bất động sản

Lan can chung cư tuân thủ quy chuẩn ra sao để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ?

01/03/2021, 19:06

Dù thoát chết kì diệu song vụ việc bé gái rơi từ tầng 12 chung cư một lần nữa dấy lên mối quan tâm: Quy chuẩn an toàn lan can chung cư ra sao?

img

Dù thoát chết kì diệu song vụ việc bé gái rơi từ tầng 12 chung cư một lần nữa dấy lên mối quan tâm: Quy chuẩn an toàn lan can chung cư ra sao? (ảnh cắt từ clip bé 2 tuổi trèo qua lan can)

Lan can như thế nào để đảm bảo an toàn?

Mới đây, vụ việc bé gái trèo qua ban công, rơi từ tầng 12 nhà chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội xuống, may mắn thoát chết lại một lần nữa dấy lên câu chuyện đảm bảo an toàn, đặc biệt là cho trẻ nhỏ ở chung cư.

Vậy chiều cao an toàn lan can chung cư được quy định như thế nào?

Trả lời PV về câu hỏi này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe đã được ban hành từ năm 2008. Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở (lỗ mở bao gồm cả các cửa sổ - PV) phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: Từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4 m (các vị trí khác tối thiểu 1,1 m); Phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100 mm; Không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.

"Các yêu cầu kỹ thuật về ban công chung cư đã được nghiên cứu, cân nhắc nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường ở Việt Nam, đồng thời đảm bảo khả năng cứu nạn, cứu hộ và tự thoát nạn khi xảy ra cháy. Tuy nhiên, việc sử dụng ban công, lô gia, đặc biệt ở những gia đình có con nhỏ, cần được mỗi cá nhân, gia đình quan tâm hơn nữa để tránh những tai nạn đáng tiếc", vị đại diện khuyến cáo.

Loại bỏ các nguy cơ mất an toàn ra sao?

Để hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc với những gia đình có trẻ nhỏ, một chuyên gia bất động sản cho rằng, khi mua nhà cần chọn căn hộ có lan can ban công cao từ 1,1m trở lên, lan can được làm thanh dọc, tuyệt đối không làm thanh ngang phòng trường hợp trẻ nghịch ngợm, thích leo trèo.

Bên cạnh đó, chiều cao cửa sổ trong mỗi căn hộ cao từ 1m trở lên tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ. Cửa sổ phải lắp đặt thêm chấn song hoặc lưới an toàn ở ban công. Các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có thanh chắn có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm.

Ngoài ra, các cửa chính, cửa sổ cần phải có chốt khóa an toàn. Các gia đình cũng không được kê giường, tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ, ngoài ban công nhằm hạn chế việc trẻ con trèo lên cửa sổ, bàn ghế gây tai nạn.

Cũng theo vị chuyên gia, thời gian qua một số gia đình đã dựng chuồng cọp rào sắt để che kín khu vực ban công. Đây là cách làm truyền thống, đảm bảo trẻ không bị rơi ra ngoài, song việc làm này sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ cho căn hộ nói riêng và tòa nhà nói chung, gây cản trở cho công tác phòng cháy chữa cháy. Do vậy, biện pháp lắp đặt lưới bảo vệ an toàn hiện được nhiều gia đình lựa chọn do mang tính thẩm mỹ cao hơn và tạo sự thông thoáng. Hơn nữa trong trường hợp khẩn cấp, người bên trong căn hộ muốn thoát hiểm có thể dùng kìm cắt lưới dễ dàng.

Thực tế có một số gia đình thường xuyên bế trẻ ra ban công ăn uống, đứng chơi. Điều này dễ tạo ra cho trẻ thói quen xấu, không ý thức được sự nguy hiểm khi ở vị trí cao.

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ hiếu động, thường khám phá ra những khu vực mới mẻ nhưng lại đầy nguy hiểm để chơi trốn tìm, thả diều… như sân thượng tại các khu tập thể cũ, nhà cao tầng. Khu vực này thường không có rào chắn hoặc tường bao rất thấp nên nếu không để ý rất dễ xảy ra tai nạn.

"Vì vậy, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, bên cạnh việc triển khai các biện pháp an toàn trong căn hộ của mình, cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống tại các khu nhà cao tầng. Với trẻ từ 0-6 tuổi do chưa thể dạy chúng kỹ năng thoát hiểm nên phụ huynh phải thường xuyên để mắt đến con em mình, tuyệt đối không để trẻ ở nhà một mình vì điều này dễ khiến trẻ hoảng sợ, lo lắng và hay tìm cách thoát ra ngoài tìm người thân", vị chuyên gia lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.