Thi viết về GTVT

Lận đận tìm vốn “thông” kênh Chợ Gạo

23/02/2022, 06:00

Kết nối thông thương kênh Chợ Gạo-tuyến đường thủy quan trọng bậc nhất phía Nam là quá trình hàng chục năm, khó khăn nhất là tìm kiếm nguồn vốn.

Hơn chục năm kiếm tìm vốn

Nhìn những chiếc sà lan chở 3 lớp container chạy băng băng từ TP.HCM về ĐBSCL và ngược lại trên kênh Chợ Gạo, ông Nguyễn Văn Vũ, cán bộ quản lý của Ban Quản lý dự án Đường thuỷ rất phấn chấn.

Hơn ai hết, ông Vũ là người hiểu rõ tuyến kênh này, bởi ông là người trực tiếp phụ trách dự án ngay từ những ngày đầu.

img

Những sà lan chở container 3 lớp đã có thể lưu thông trên kênh Chợ Gạo, giúp giảm tải cho đường bộ

Theo ông Vũ, kênh Chợ Gạo được người Pháp đào thủ công chỉ sau một thời gian ngắn chiếm đóng Nam kỳ để nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ, tạo tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây Nam bộ ngắn nhất.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động của tuyến kênh này rất khó khăn, thường xuyên ách tắc.

“Nhìn dòng kênh tấp nập tàu thuyền qua lại mình cảm thấy rất vui, ít nhất mình đã góp một phần nào đó để dự án hoàn thành giai đoạn 1 và phát huy hiệu quả đầu tư như hôm nay.

Nhưng để kết nối thông thương được tuyến đường thuỷ quan trọng này là một quá trình rất dài. Từ năm 2009, khi kênh Chợ Gạo bắt đầu quá tải, chúng tôi đã rục rịch chuẩn bị dự án”, ông Vũ kể.

Ông Lê Văn Mỹ, thời điểm đó là Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo dẫn chúng tôi đi thực tế ở bờ phía Nam kênh Chợ Gạo để thấy được tình trạng sạt lở nghiêm trọng của bờ kênh.

Tuyến huyện lộ đi qua thị trấn, xã Bình Phan, xã Bình Phục Nhứt… có đoạn lở sâu từ 5 -15 m, nhiều đoạn sạt lở cuốn cả nhà dân.

Khảo sát năm 2007 cho thấy, mỗi ngày kênh Chợ Gạo có từ 1.442 - 1.800 lượt phương tiện lưu thông, chuyên chở 59 triệu tấn hàng hoá/ năm. Chỉ cần một va chạm nhỏ giữa các phương tiện là toàn bộ tuyến kênh tê liệt.

Việc cấp thiết là phải có đầu tư để nạo vét, mở rộng lòng kênh và xây kè chống sạt lở hai bên bờ với chiều dài khoảng 10km.

Từ năm 2009, Ban Quản lý các dự án Đường thuỷ phía Nam (nay là Ban Quản lý dự án Đường thuỷ) được giao nhiệm vụ lập dự án.

Tổng mức đầu tư được khái toán là 4.200 tỷ đồng để mở rộng kênh ra 80m, nắn chỉnh một số đoạn cong lại Rạch Lá. Dự án đã xong phần thiết kế kỹ thuật, tổ chức rà phá bom mìn.

“Thế nhưng, năm 2011 do gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 cắt giảm đầu tư công, dự án buộc phải tạm dừng. Sau khi rà soát lại, cắt giảm một số hạng mục, tổng mức đầu tư được điều chỉnh về 2.600 tỷ đồng, nhưng cũng chưa bố trí được nguồn vốn”, ông Vũ kể.

Năm 2012, đại diện chủ đầu tư lập tiểu dự án thông luồng kênh Chợ Gạo trên cơ sở phân kỳ đầu tư, nhưng nguồn vốn vẫn rất khó khăn.

Đến năm 2013, Bộ GTVT mới có quyết định đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng và chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư 780 tỷ đồng nạo vét một số đoạn kênh và làm kè bờ Bắc. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 1.335 tỷ đồng nhưng chờ bố trí vốn.

“Thời điểm năm 2017, có lúc giai đoạn 2 của dự án phải chuyển sang hình thức đầu tư BOT đường thuỷ. Lúc đó đã chọn xong nhà đầu tư thực hiện dự án.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sau đó phải huỷ bỏ hình thức đầu tư BOT. Đến năm 2020 Bộ GTVT mới duyệt giai đoạn 2 của dự án và triển khai thi công cuối năm 2021”, ông Mỹ thông tin.

Khơi thông tuyến kênh huyết mạch

Không chỉ tìm vốn, quá trình thi công dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Với chiều dài gần 10km của giai đoạn 1, hơn 400 hộ dân phải giải phóng mặt bằng.

“Trong đó, “xương” nhất là 27 hộ phải mất nhiều năm trời mới giải quyết được. Đặc biệt là một hộ dân vướng 50m kè không thể thi công, địa phương phải vào cuộc cưỡng chế và đến tận bây giờ, khi triển khai giai đoạn 2, phần mặt bằng liên quan vẫn còn vướng”, ông Mỹ kể.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đường thuỷ nhớ lại: “Để triển khai giai đoạn 1, chúng tôi phải “áp sát” tư vấn, nhà thầu ngay từ khi mới bắt tay vào dự án, bám sát địa phương để đẩy nhanh GPMB. Những tháng cuối năm 2014 được xem là giai đoạn “thần tốc” của dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo.

Thời gian đầu, khó khăn trong GPMB ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Vì vậy, giai đoạn cuối các nhà thầu phải “chạy nước rút”. Mỗi tháng giải ngân 50 tỷ đồng, tiến độ thay đổi hàng ngày”.

Ông Cao Tấn Hưởng, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo cho biết, nhìn những dòng phương tiện xuôi ngược dọc kênh Chợ Gạo hàng ngày đã thấy rõ hiệu quả của dự án nâng cấp tuyến kênh này trong giai đoạn 1.

Bờ kè phía Bắc được xây dựng kiên cố, bên trên còn có một tuyến đường dân sinh, một số đoạn dân còn trồng cây xanh dọc tuyến tạo cảnh quan rất đẹp.

Theo ông Phan Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 1 của dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo đã hoàn thành vào năm 2016 góp phần đảm bảo giao thông thuỷ nội địa qua địa phương, chống xói lở, được người dân đồng tình ủng hộ.

Do nhu cầu giao thông thuỷ ngày càng tăng, một số đoạn kênh tiếp tục bị sạt lở, dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 được chấp thuận đầu tư để thông thương tuyến kênh quan trọng này, kết nối ĐBSCL với TP.HCM bằng đường thuỷ.

“Địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, sớm bàn giao nốt mặt bằng để dự án triển khai thuận lợi, đúng tiến độ”, ông Trọng nói.

Tháng 12/2021, Bộ GTVT triển khai giai đoạn 2 dự án với tổng mức đầu tư 1.335 tỷ đồng. Dự án sẽ nạo vét mở rộng luồng đường thủy gần 10km, xây dựng công trình bảo vệ bờ Nam kênh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh đi qua địa bàn các xã bờ phía Nam như: Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo.

Sau khi cải tạo, đoạn luồng trên đạt chuẩn luồng đường thủy cấp II, với chiều sâu hơn 3,5m, rộng hơn 50m, bán kính cong lớn hơn 500m, giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi hơn. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.