Thời sự

Lần đầu "mang chuông đi đánh xứ người"

25/12/2014, 16:23

Khi xe của đoàn qua đèo phỉ an toàn. Anh em rút khăn lau mồ hôi. Riêng Ứng Duy Ninh mặt khô rang. Cả đoàn chưa hết ngạc nhiên, bất ngờ thấy anh Ninh tụt giầy, vắt hai chiếc tất ướt sũng.

Tác giả Nguyễn Hiếu (đầu tiên từ trái sang) cùng đoàn nhà báo chụp ảnh lưu niệm sau chuyến vượt đường 13 Bắc Lào
Tác giả Nguyễn Hiếu (đầu tiên từ trái sang) cùng đoàn nhà báo chụp ảnh lưu niệm sau chuyến vượt đường 13 Bắc Lào

Đầu của giám đốc dự án được treo giá... 20 nghìn đô la

Đường 13 Bắc Lào là trục giao thông xương sống của Lào giống như QL1 của nước ta. Dự án này do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ dài 163 km, kéo dài từ Cố đô Luông Pha Băng đến Thủ đô Viêng Chăn. Gần thế kỷ trước, tuyến đường này được kỹ sư người Pháp thiết kế xây dựng. Trải qua chiến tranh, dưới ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt cùng với sự phá hoại của tàn quân phỉ nên đường 13 bị xâm thực và dần rơi vào quên lãng. Từ Cố đô Luông Pha Băng đến Thủ đô Viêng Chăn và ngược lại không đi bằng máy bay thì đều phải vòng qua một số tỉnh của Việt Nam. 

Dự án đường 13 có khối lượng công việc khổng lồ. Trên tuyến còn có 12 cây cầu với tổng chiều dài 5.834 m. Tất cả các hạng mục này đều áp dụng quy trình công nghệ ASSHTO, một quy trình hiện đại mà từ công nhân cho đến cán bộ kỹ thuật Việt Nam đều còn rất lạ lẫm.

Tàn quân phỉ còn ngang nhiên tuyên bố về giới hạn 30 ngày thiết quân luật trên khu vực rừng núi, địa bàn dự án đường 13 đang thi công. Chúng ra giá đầu mỗi thủ trưởng, thủ phó của các đơn vị thi công. Chẳng hạn, đầu của kỹ sư Vũ Kim Chung, Phó TGĐ Cienco 1, kiêm Giám đốc điều hành dự án đường 13 khi đó được chúng treo giá đến 20 nghìn đô la.

Toát mồ hôi vượt đèo phỉ

Đoàn nhà báo của Việt Nam có mặt tại công trường đường 13 vào những ngày gần cuối năm 1992. Thành phần đoàn gồm 10 người. Ngoài những khuôn mặt thân quen theo dõi ngành GTVT còn có nhà báo Phạm Thanh (Trưởng ban Kinh tế báo Nhân dân); Nhà báo Ứng Duy Ninh (báo Lao động); Nhà báo Trường Phước (Đài THVN); Nhà thơ Trường Giang (Báo GTVT). Để bảo vệ an toàn cho đoàn trong thời gian hoạt động tại công trường, phía ta còn cử thêm một đại tá công an người Nghệ An thạo địa hình Lào và nước bạn cũng cử một đơn vị bộ đội đi cùng. 

Hai chiếc xe chở 10 nhà báo, cùng hai xe chở lực lượng bảo vệ. Ngồi trên xe, ròng rã đi hết ngày này qua ngày khác mới thấy hết cái hiểm trở, khó khăn của đường 13, sự vất vả của những người làm đường. Đoàn xe cứ chạy cà rịch cà tang luồn rừng thẳm, men theo đường mòn vắt trên vực núi. Mưa rừng và đất đá sụt lở chắn ngang, chia khúc con đường độc đạo luồn qua những cánh rừng hoang sơ với cây rừng vướng víu, lau sậy um tùm, che khuất tầm nhìn.  

Không chỉ yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, anh em còn phải đối mặt với sự xa lạ về địa hình, thời tiết, những cơn mưa, lũ rừng - Kẻ thù của những người làm đường luôn tiềm ẩn. Chưa kể, gần như toàn bộ các hạng mục của đường 13 Bắc Lào lại phải thi công trong hoàn cảnh giữa núi rừng hoang dã, hiểm trở, vừa xa khu dân cư, vừa thường xuyên bị tàn quân phỉ quấy nhiễu. 

Địa điểm đoàn nhà báo đặt chân đến đầu tiên là Trung tâm Xí nghiệp cầu 12 ở Nậm Ken thuộc bản Phà Tặng (huyện Văn Viêng) là trung tâm sốt rét của Lào. Thiên nhiên hào phóng ban cho vùng đất này đặc sản cải bắp, dưa hấu và con gái đẹp nổi tiếng.

Giống như vùng quan họ Bắc Ninh, con gái Phà Tặng thạo múa hát từ nhỏ. Phu nhân của quan chức nhiều đời của đất Lào là con gái Phà Tặng. Chỉ tiếc, bản nhỏ kiều diễm này thỉnh thoảng tàn quân phỉ vẫn về quấy nhiễu. 

Bất chấp mọi hiểm nguy rình rập, tối đó, chị em nhà Khăm Phan (tiếng Việt là nghìn vàng) cùng các cô thiếu nữ bản Phà Tặng vẫn tổ chức xòe để vui cùng anh em công nhân, phóng viên và bộ đội.

Gần trưa hôm sau, đoàn rời Nậm Ken, bà con trong bản mang xôi, gà ra tặng. Phải giải thích mãi về hành trình của đoàn, bà con mới bùi ngùi chia tay. Cách Phà Tặng khoảng 30 km có nghĩa trang của bộ đội Việt Nam. Mặc dù, nghĩa trang này nằm kề đèo phỉ, nhưng ngày rằm, ngày lễ, dân các bản trong vùng vẫn đến thắp hương làm khu mộ bộ đội Việt Nam và cả khu rừng vốn trầm tư bớt đi sự hoang lạnh. 

Chuyến vượt đèo phỉ để lại ấn tượng khó quên. Lúc đó đã quá trưa. Không gian như bị hun bởi cái nắng gắt, khô của rừng Lào. Đại tá công an sau khi dặn dò cả đoàn bình tĩnh, chủ động nếu có phỉ xuất hiện. Hai xe bộ đội, một đi trước, một khóa đuôi, hai xe nhà báo đi giữa. Phong cảnh rừng, núi điệp trùng dần dần hiện ra. Thoạt đầu, đám phóng viên truyền hình như: Trường Phước, Đào Hùng, phóng viên có máy ảnh như Phạm Mạnh còn nắc nỏm khen cảnh đẹp, rồi rê máy chọn khuôn hình, nhưng càng lên đỉnh đèo cả đoàn im bặt, nghe rõ cả tiếng con nhặng lẻ, tiếng lá mỏng rơi. Không khí như nén lại trên khuôn mặt ướt đẫm mỗ hôi vì nắng, vì lo của mọi người…

Khi xe của đoàn qua đèo phỉ an toàn. Anh em rút khăn lau mồ hôi. Riêng Ứng Duy Ninh mặt khô rang. Cả đoàn chưa hết ngạc nhiên, bất ngờ thấy anh Ninh tụt giầy, tháo tất và lần lượt vắt hai chiếc tất ướt sũng. Anh em phá ra cười khi nghe anh Ninh bảo “mồ hôi của tớ tập trung nhiều ở chân”. Khi đoàn nhà báo chia tay đại tá công an và tốp bộ đội đi bảo vệ đoàn ở Salaphukhun, viên đại tá công an mới cho biết, từ ngày có công nhân Việt Nam làm đường 13, mức độ hoạt động của quân phỉ giảm nhiều. Hình như chúng lo ngại trước sự thiện chiến của “công nhân, chiến sĩ Việt Nam” kết hợp với lực lượng tiễu phỉ của bộ đội Lào… 

Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đến mỏ đá 675 nằm gọn nơi triền núi Phun Pha Châu (núi Chùa Trời). Lúc đó đang mùa khai thác đá nên không khí sôi động như mỏ đá Đồng Giao bên ta. Vì mỏ đá nằm giữa trung tâm phỉ đang hoành hành nên Giám đốc Công ty Việt - Lào Đỗ Văn Đang của Cienco 8 cho biết: “Dù khẩn trương làm việc nhưng anh em đều hết sức thận trọng đề phòng phỉ. Đại úy Văn A, Đội trưởng Đội An ninh của bộ đội Lào vừa bị phỉ sát hại tại đây hồi tháng 10, nên anh em rất cảnh giác”. 

Thật tình cờ, hôm đó chúng tôi gặp anh Bun Nhụ, tròn 28 tuổi là em ruột Đại úy Văn A. Bun Nhụ tình nguyện thay vào vị trí của anh trai. Khi nhắc đến tàn quân phỉ, Bun Nhụ khảng khái nói: “Dù hiểm nguy đến thế nào, chúng em cũng bảo vệ an toàn cho công nhân Việt Nam làm xong con đường này”. 

Làm đường giữa rừng thiêng, nước độc

Khi đến Công ty 122 của Cienco 1, đoàn phóng viên mới thấy hết sự khó khăn, gian khổ và thiếu thốn của công nhân làm đường giữa rừng thiêng, nước độc. Những chiếc lán tranh, tre, nứa, lá tạm bợ dựng vội trên những khoảnh đất rừng mới phát quang. Chiếc hố đào lót nilon trữ nước mưa rừng để sinh hoạt. Giám đốc Công ty 122 - Chu Quang Văn vừa về nước tìm cách gỡ khó cho các công trình đơn vị anh đang thi công.

Tiếp chúng tôi, Phó Giám đốc Trần Hoài Nghi không giấu nổi sự xúc động cho biết: “Hôm trước công ty phải bùi ngùi vĩnh biệt mấy anh em tử nạn vì ăn nhầm nấm độc. Chuyện buồn về đồng đội chưa nguôi ngoai thì đùng một cái, đoạn đường dài hơn 2 km vừa hoàn thành, nhựa trải phẳng lỳ, đơn vị tư vấn khoan kiểm tra, thấy sơ sẩy đôi ba chi tiết nhỏ khiến Công ty 122 phải làm lại gần như từ đầu”.

Chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước sự cố hi hữu đó. Đang định hỏi lại, kỹ sư Xẻng Đa Rít, đại diện chủ công trình xuất hiện. Chàng kỹ sư tròn tuổi 30 tươi cười, cởi mở trò chuyện với chúng tôi. Hóa ra anh mới cưới vợ. Vợ anh cũng là kỹ sư nhưng làm nghề bảo tồn, bảo tàng chuyên sang sửa, tân trang, bảo vệ cung vua trên cố đô.

Anh kể, từ khi đi theo công trình, cứ phải xa vợ hàng tuần nên cảm thấy hơi trống trải. Chính vì thế nên Xẻng Đa Rít rất phục các công nhân Việt Nam. Họ tràn đầy sức sống, yêu đời và càng không nề hà việc xa vợ hàng nghìn cây số cả năm trời… Khi hỏi về sự cố Công ty 122 gặp phải, Xẻng Đa Rít xòe hai bàn tay, đầu hơi lắc lắc “do chưa quen với ASSHTO thôi. Thành thục rồi, tôi tin sẽ không bao giờ các anh lặp lại điều đáng tiếc này. Cái gì cũng phải có bài học là vậy”.

Sau lễ khánh thành đường vào giữa năm 1996, mọi thủ tục đã hoàn tất, bất ngờ Giám đốc Đỗ Văn Đang mời tôi cùng đi. Lên xe tôi thấy Phó TGĐ Cienco1 Trần Văn Tản khoác súng, đang trực tiếp lái xe. Xe chúng tôi chòng chành vượt qua những sườn núi, cánh rừng, cuối cùng dừng trước một khu nghĩa trang dã chiến. Chúng tôi thắp hương và đứng lặng trước vài chục nấm mồ của anh em công nhân đã bỏ mình vì muỗi, rắn rừng, nấm độc, đạn của tàn quân phỉ và cả những tai nạn bất ưng... 

Những dải khói hương bay lên trắng mờ giữa hoàng hôn thượng du Lào. Có lẽ chưa bao giờ tôi thấy một hoàng hôn đỏ sậm, vần vũ như thế. Đỏ như máu công nhân Việt Nam đã đổ xuống cho con đường 13 của nước bạn Lào anh em.

Nguyễn Hiếu

Quỳnh Mai, tháng 11/2014  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.