Xã hội

Lần đầu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự phiên họp Chính phủ

28/12/2017, 09:49

Phiên họp trực tuyến Chính phủ sáng 28/12 là lần đầu tiên có sự tham dự của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.

tong bi thu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu dự phiên họp Chính phủ.

Sáng 28/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập trung thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đặc biệt, đây là phiên họp trực tuyến Chính phủ đầu tiên có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự hội nghị.

Thành viên Thường trực Ban Bí thư - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các tổ chức chính trị - xã hội cũng có mặt.

Tham dự Hội nghị ở các đầu cầu trực tuyến có đầy đủ Bí thư, Chủ tịch và lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành.

Tăng trưởng đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá lại năm 2017, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội với nhiều khó khăn, thách thức, quốc tế và khu vực có nhiều bất ổn, nhiều nước lớn có điều chỉnh chiến lược, những chính sách thương mại, đối ngoại tác động trực tiếp tới nước ta. Ở trong nước, bên cạnh thành quả đổi mới sau 30 năm, nhiều khó khăn, bất cập chưa được giải quyết ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. Thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở nhiều nơi, làm hơn 300 người chết, thiệt hại về tài sản khoảng trên 60.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực đến nay các chỉ tiêu kinh tế đều đạt, vượt kế hoạch. Tăng trưởng GDP đạt 6,81% - mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Chất lượng tăng trưởng nâng lên nhờ tăng năng suất lao động và cải thiện chỉ số môi trường. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện rõ rệt, triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam được từ ổn định lên tích cực. Đến nay, đã cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính, nhiều bộ ngành đã quyết liệt cắt giảm từ 1/3 đến một nửa thủ tục hành chính như yêu cầu đặt ra của Chính phủ.

"Những chỉ số rất ấn tượng về thành lập doanh nghiệp mới, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán… cho thấy niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin của các nhà đầu tư vào kinh tế Việt Nam ngày càng được củng cố", Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, những kết quả quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hoá thể thao, giáo dục… cũng rất tích cực, đặc biệt thực hiện tốt các dịch vụ an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tạo việc làm mới, ứng phó biến đổi khí hậu… Là nước chủ nhà, Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo và thực hiện thành công năm APEC 2017 được thế giới đánh giá cao. 

Năm 2017 cũng là năm của chấn chỉnh kỷ cương, làm trong sạch một bước bộ máy nhà nước với nhiều đại án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh, từng bước lấy được niềm tin yêu của nhân dân.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội năm 2017, Chính phủ chỉ đạo kiểm tra đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. 

"Những kết quả trên là sự đồng tâm hiệp lực, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính tri, sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là sự cố gắng cua người dân, doanh nghiệp. Nếu chúng ta bằng lòng, chủ quan với kết quả đó mà không tiếp tục nỗ lực thì… bộ máy phát triển sẽ dừng lại, khi đó sự khởi động lại từ đầu sẽ rất khó khăn", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

tong bi thu du hop chinh phu

Cùng với Tổng bí thư, đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội dự phiên họp Chính phủ.

Một số chỉ tiêu cụ thể năm 2018 theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ gồm: GDP tăng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8-10%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 10%, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 15 triệu lượt, thành lập mới khoảng 135 nghìn doanh nghiệp. 

Về tài chính, chỉ tiêu tăng thu ngân sách NN là 3%, chi đầu tư phát triển đạt 26% tổng chi NSNN, chi thường xuyên khoảng 64,1%. Dư nợ công khoảng 63,9%; nợ Chính phủ khoảng 52,5%; nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP. 

Về cải cách hành chính, chỉ tiêu là đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm 2,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017, giảm 1,7% biên chế công chức và giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.

Các chuyển động không được dừng lại

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ muốn các chuyển động không được phép dừng lại và phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa để vượt lên những thành tích mà 2017 đã đạt được; tiếp tục giải quyết những vấn đề của cải cách, đổi mới theo đường lối của Đảng đã đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, còn nhiều tồn tại, nhiều hạn chế để cùng nhau quyết tâm khắc phục. Như tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm; chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vứng; năng suất la động còn thấp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhưng chất lượng, hiệu quả, quy mô hoạt động, sức cạnh tranh còn thấp, tính kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với khu vực FDI còn nhiều hạn chế. Việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, cổ phần hóa doanh nghiệp còn thấp; phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ, thất thoát.

"Tái cơ cấu kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều hạn chế bất cập yếu kém trong kinh tế xã hội chậm được cải thiện, tại sao vậy? Vấn đề mấu chốt là con người thực hiện, muốn tái cơ cấu thành công, khắc phục hạn chế yếu kém trước hết phải bố trí đội ngũ cán bộ, tái cơ cấu sức làm việc của bộ máy, học hỏi, tinh thần cởi mở, sáng tạo, phát huy những cán bộ có năng lực tốt, tư duy tốt", Thủ tướng nói.

Nhận trách nhiệm trước đảng, trước nhân dân, Thủ tướng cho biết Chính phủ quyết tâm cùng nhau siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng nền công vụ tận tuỵ, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. Đồng thời hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay. 

"Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực, thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế. Hãy sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm ra giải pháp tối ưu để đáp ứng yêu cầu năng động của nền kinh tế trong bối cảnh mới với công nghệ liên tục thay đổi. Phải làm sao sử dụng nguồn lực của dân ít nhưng đem lại hiệu quả tốt nhất", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ xác định phương châm hành động năm 2018 trong 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược...

Xuất khẩu đạt 214 tỷ USD

Theo báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày, năm 2017, giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%, tín dụng tăng khoảng 19%, mặt bằng lãi suất giảm 0,5-1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD. 

Tổng thu NSNN tăng trên 2,3% so với dự toán và tăng trên 13% so với năm 2016; bội chi 3,42% GDP (Quốc hội thông qua là 3,5% GDP). 

Xuất khẩu ước đạt gần 214 tỷ USD, tăng 21,1%; trong đó hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 420 tỷ USD; xuất siêu 2,7 tỷ USD. 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%; vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%. Thị trường chứng khoán vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 33,3% GDP, tăng 12,1%.

Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với gần 127 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký tăng 45,4% và gần 26,5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. 

Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Tăng trưởng GDP đạt 6,81%; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều chuyển biến tích cực.

Hệ thống hành chính đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh tinh giản biên chế; giảm 3% biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. 

"Nhà nước không đi bán bia, sữa”

Theo Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, bức tranh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều khởi sắc khi cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 1,3 triệu tỷ đồng. Việc thoái vốn 53,59% tại Sabeco thu về cho ngân sách gần 5 tỷ USD được coi là thương vụ thoái vốn Nhà nước thành công nhất từ trước tới nay.

"Thương vụ này cũng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào thị trường, đồng thời khẳng định quan điểm Nhà nước không đi bán bia, sữa”, Phó thủ tướng nói. 

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nhìn nhận nhiều hạn chế còn tồn tại trong nền kinh tế như năng suất lao động Việt Nam còn thấp; thủ tục hành chính còn gây phiền hà; nền kinh tế chưa sẵn sàng với công nghiệp cách mạng 4.0...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.