Xã hội

“Làn gió mới” từ bài thơ đăng báo gây chấn động

21/06/2020, 18:31

Nguyên Tổng biên tập Báo Tiền phong Dương Xuân Nam vẫn nhớ rõ, bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” được đăng trên báo Tiền Phong số 12, ngày 25/3/1986.

img
Tổng biên tập báo Tiền Phong Dương Xuân Nam tặng hoa tác giả Phạm Thị Xuân Khải sau 20 năm gặp lại. Ảnh: Phạm Yên (Chụp năm 2006)

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn 26/3/1986, báo Tiền Phong đăng bài thơ “Mùa Xuân nhớ Bác” của Phạm Thị Xuân Khải, sinh viên năm thứ 2 khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bài thơ đã gây tiếng vang lớn, tác động sâu sắc tới độc giả trong và ngoài nước thời gian dài.

“Quả bom” phát nổ và áp lực của người làm báo

“...Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt/Có học hành, lại phải sống cầu an/ Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”/Bởi lẽ đấu tranh - tránh đâu cho được?/ Đồng chí không bằng đồng tiền/ Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp/ Có ai thấu chăng /Và ai phải sửa?”, nhà báo Dương Xuân Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Tiền phong vừa đọc vang vài câu trong bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” của nữ sỹ Phạm Thị Xuân Khải, vừa quay sang nói với PV Báo Giao thông: “Những câu thơ như vậy được đăng trên báo vào thời điểm năm 1986 giống như một “quả bom” phát nổ!”.

Ông Dương Xuân Nam vẫn nhớ rõ, bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” được đăng trên báo Tiền Phong số 12, ngày 25/3/1986. Đây là số báo đặc biệt, nhân kỷ niệm lần thứ 55 ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.

Theo tác giả Phạm Thị Xuân Khải, bài thơ đươc viết ra sau khi bà đọc hai bài thơ “Lẽ sống” của đồng chí Lê Đức Thọ và bài thơ “Đọc thơ anh” của Hồ Thiện Ngôn. Nhưng bà Khải đã từng lý giải trong cuốn tự sự: “Tôi viết bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” không nhằm mục đích để họa theo bài thơ lẽ sống của đồng chí Lê Đức Thọ mà muốn bày tỏ những suy nghĩ, khát vọng của thế hệ trẻ Việt Nam...”.

“Sau khi bài báo ra đời,“quả bom thơ” đã phát nổ, gây chấn động dư luận, hàng triệu độc giả xa gần đã tìm đọc, báo không đủ bán, mua không được báo, bạn đọc đã chuyền tay nhau đọc. Nhiều nơi đã đánh máy, in rô-nê-ô để bán với giá cao gấp nhiều lần so với giá gốc của tờ báo...”, nhà báo Dương Xuân Nam kể.

Theo ông Dương Xuân Nam, tại thời điểm đó, đất nước chưa bước vào Đổi mới (thời điểm bước vào đổi mới là từ Đại hội VI của Đảng vào tháng 12/1986), nên tư tưởng chống tiêu cực một cách trực diện như vậy thực sự gây sốc và gây tranh luận dữ dội trong thời gian dài.

Cũng chính vì đã dũng cảm cho đăng bài thơ trên, báo Tiền phong trải qua những ngày tháng không dễ dàng. Ngoài sự ủng hộ của đông đảo độc giả, khen ngợi tinh thần dũng cảm của báo Tiền phong và tác giả, cũng không ít ý kiến gay gắt, không đồng tình. Một số vị Bí thư Tỉnh ủy đã gọi về Văn phòng Trung ương Đảng phê phán: Báo Tiền phong đăng bài thơ này “dễ gây kích động” trong bối cảnh đất nước”.

“Sau khi báo đăng bài thơ, cán bộ, phóng viên báo Tiền phong đã chịu áp lực từ nhiều phía. Anh Đinh Văn Nam lúc đó là Tổng biên tập và tôi mấy lần lên làm việc trực tiếp với đồng chí Lê Đức Thọ (Trưởng ban Tổ chức Trung ương). Anh Lưu Văn Lợi thư ký của đồng chí Lê Đức Thọ cũng thường xuyên gặp, truyền đạt cho chúng tôi nghe những ý kiến chỉ đạo”, ông Nam nhớ lại.

Mở đường cho phong trào chống tiêu cực

Sang năm 1987, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 5, ông Dương Xuân Nam được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, được cử phụ trách khối báo chí xuất bản của Đoàn và từ Phó tổng biên tập được đề bạt làm Tổng biên tập.

“Trong không khí đổi mới của toàn Đảng, toàn dân, của Đoàn, báo Tiền phong đã bắt nhịp và đi đầu trên mặt trận đổi mới nhiều mặt. Có hai vấn đề lớn trên mặt báo Tiền phong thời đó là: Đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, cho tuổi trẻ”, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền phong cho hay.

Và sau “sự kiện” bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác”, trên mặt báo Tiền phong liên tục có những bài báo thẳng thắn và đầy sức nặng, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên thanh niên, của người dân như “Lảng tránh hay kiên quyết đấu tranh” về cuộc hội thảo của tuổi trẻ ngành đường sắt Hà Nội; “Tệ cửa quyền và thái độ của tuổi trẻ”, hay “Một vụ kỷ luật vi phạm đạo lý, pháp luật”...

“Báo đã lật lại một vụ án oan sai, vụ anh Nguyễn Sỹ Lý cán bộ giảng dạy Đại học Tây Nguyên bị kết tội giết người. Với phóng sự “Hai ngàn ngày oan trái” của tác giả Mạnh Việt và Hồ Hồng Tuyến đăng trên báo Tiền phong nhiều kỳ lúc đó đã gây chấn động dư luận... Kết quả, tòa án các cấp đã xử lại, minh oan, anh Lý được trở lại làm cán bộ giảng dạy sau nhiều năm ở tù oan”, ông Dương Xuân Nam kể.

Cũng từ những bài báo ban đầu đó, ông Nam đã tăng cường hơn nữa việc đấu tranh cho dân chủ hóa xã hội với diễn đàn: “Nếu tôi là lãnh đạo” nhằm khơi dậy trí tuệ của toàn dân góp nhiều ý kiến hay cho Đảng và Nhà nước. Diễn đàn cũng đã gây chấn động dư luận thời bấy giờ. Và nhiều hoạt động đổi mới sau mặt báo như tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất năm 1988 cũng được hàng triệu người hưởng ứng.

Nói về sự dũng cảm trong thông tin, đấu tranh chống tiêu cực của Tiền phong, ông Nam tâm sự, bản thân ông cũng như nhiều anh chị em trong báo đã nhiều lần bị đe dọa, nhiều lần “lên bờ, xuống ruộng”... Nhưng tôi thiển nghĩ, muốn làm tròn sứ mạng của một người làm báo chân chính cần phải dũng cảm đấu tranh với tiêu cực và quyết tâm loại bỏ tiêu cực... Muốn vậy, nói như nhà báo Hữu Thọ lúc sinh thời là phải: “Bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, ông Dương Xuân Nam chia sẻ.

Ngay sau khi được đăng trên báo Tiền phong, bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” làm xôn xao dư luận khắp mọi miền đất nước, tạo nên những cuộc tranh luận gay gắt. Bên cạnh những người ủng hộ rất đông đảo, Xuân Khải bắt đầu đứng trong “tâm bão”.

Đến phòng của Xuân Khải ở ký túc xá Đại học Tổng hợp lúc bấy giờ còn có các vị giáo sư, tiến sỹ nghiên cứu về chính trị, triết học, cán bộ cao cấp ở một số cơ quan Trung ương và Hà Nội. Họ đã trao đổi thẳng thắn hàng loạt vấn đề, xuất phát từ quan điểm không tán thành hoặc phản đối gay gắt nội dung bài thơ, nói những lời quy kết nặng nề đối với nữ sinh viên Xuân Khải. “Hồi đó, thậm chí có người trong cơn nóng giận còn đòi treo cổ tôi”, nữ sĩ nhớ lại. Ngay tại quê hương của Xuân Khải (Bình Định), cán bộ lãnh đạo tỉnh cũng phản ứng ra mặt.

Đặc biệt, có một cán bộ ngành ngân hàng ở Tuyên Quang vì tâm đắc bài thơ của Phạm Thị Xuân Khải đã làm thơ hưởng ứng. Bài thơ có tên “Gửi em” với những câu như: “Tiếp nữa đi em những vần thơ/Lòng dân vỗ nhịp sóng đôi bờ/Ta nhân sức mạnh cơn thác đổ/Quét đi cho sạch lũ bùn nhơ”. Bài thơ nhanh chóng được mọi người trong tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang) lúc bấy giờ thuộc lòng. Tuy nhiên, sau bài thơ này, tác giả đã bị bắt giam 49 ngày. Thậm chí hàng chục năm về sau, nỗi đau khổ, oan ức vẫn đeo đẳng gia đình tác giả (tác giả đã mất năm 1996).

Mùa xuân nhớ Bác

Phạm Thị Xuân Khải

Mùa xuân về nhớ Bác khôn nguôi
Tiếng pháo Giao thừa nhớ ngày xuân
Bác còn chúc Tết
Vần thơ thân thiết
Ấm áp lòng người
Bác đã đi xa rồi
Để lại chúng con bao nỗi nhớ
Người Cha đã đi xa.
Các anh ơi, mùa xuân về đọc thơ xuân
các anh trên báo Đảng
Lòng càng nhớ Bác nhiều hơn
Làm sao có thể quên
Mỗi lần gặp Bác
Bác bắt nhịp bài ca đoàn kết
Người thường nhắc nhở:
Yêu nước, thương dân
Dẫu thân mình có phải hy sinh
Cũng chỉ vì trường xuân cho đất Việt.
Mùa xuân về đọc thơ xuân các anh
Tuổi trẻ chúng tôi thấy lòng mình day dứt
Day dứt vì mình chưa làm được
Những điều hằng ước mơ
Những điều chúng tôi thề
Dưới cờ Đoàn trong giờ kết nạp,
Tuổi trẻ chúng tôi tha thiết
Được Đảng chăm lo
Được cống hiến cho quê hương nhiều nhất
Nhưng tuổi trẻ chúng tôi
Không ít người đang lỡ thì, mai một.
Theo năm tháng cuộc đời
Ngoảnh lại nhìn, mình chưa làm được
bao nhiêu
Bởi một lẽ chịu hẹp hòi, ích kỷ
Thanh niên chúng tôi thường nghĩ:
Bỏ công gieo cấy, ai quên gặt mùa màng
Mỗi vụ gieo trồng
Có phải đâu là lép cả?
Tuổi trẻ chúng tôi vẫn tự hào
Những trang sử vẻ vang dân tộc
Chúng tôi được học
Được thử thách nhiều trong chiến tranh
Chúng tôi nghĩ: Nguyễn Huệ - Quang Trung
Lứa tuổi hai mươi lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt
Có học hành, lại phải sống cầu an
Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”
Bởi lẽ đấu tranh - tránh đâu cho được?
Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có ai thấu chăng
Và ai phải sửa?
Mỗi xuân về con càng thêm nhớ Bác
Lòng vẫn thầm mơ ước
Bác Hồ được sống đến hôm nay
Làm nắng mặt trời xua tan hết mây
Trừ những thói đời làm dân oán trách
Có mắt giả mù, có tai giả điếc
Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung
Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ
Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ?
Tham quyền cố vị
Sợ trẻ hơn già
Quên mất lời người xưa:
“Con hơn cha là nhà có phúc”
Thời buổi này,
Không thiếu người xông pha thuở trước
Nay say sưa trong cảnh giàu sang
Thoái hóa, bê tha khi dân nước gian nan?
Mùa xuân đất nước
Nhớ mãi Bác Hồ
Ta vẫn hằng mong lý tưởng của Người
Cho đất nước khải hoàn, mùa xuân mãi mãi.

(Đăng trên Báo Tiền phong số ra ngày 25/3/1986)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.