Xem - ăn - chơi

Lan man chuyện cây và đất

07/08/2016, 13:18

Những đúc kết này phải mất hàng trăm, hàng nghìn năm mới có, vì thế không thể coi thường.

Minh họa trồng cây

Ảnh minh họa

Từ bé bố đã dạy tôi cách trồng cây. Không phải cứ tùy tiện giúi gốc xuống đã là trồng. Phải lựa sinh thái cho mỗi loại cây. Ví dụ, tháng giêng trồng trúc (tre), tháng sáu chồng tiêu (chuối).

Những đúc kết này phải mất hàng trăm, hàng nghìn năm mới có, vì thế không thể coi thường.

Bởi mỗi loại cây có đòi hỏi riêng về thời tiết để sinh trưởng. Mỗi loại cây cần chế độ chăm sóc đặc thù để lớn nhanh, sinh nở nhiều, mau cho hoa trái hoặc gỗ tốt. Bố dạy tỉ mỉ lắm, cả những điều tưởng đơn giản như hai cộng hai bằng bốn. Với bố tôi hồi ấy, trồng cây là thực hành một nghi lễ.

Lớn lên đọc sách mới biết, hành động trồng cây hóa ra lại gắn với một sự chuyển đổi quan trọng của nhân loại theo chiều hướng tiến hóa. Từ săn bắn, hái lượm, tức là thụ động dựa vào thiên nhiên, phải hàng chục ngàn năm, con người mới bước sang kỉ nguyên trồng trọt và chăn nuôi. Trồng trọt cũng là khởi đầu của sự phát triển văn hóa, tức là con người tiến thêm một bước khổng lồ về phía văn minh. Chữ culture trong tiếng Anh, nghĩa là văn hóa, có nguồn gốc từ chữ cultus trong tiếng latinh, có nghĩa là gây dựng, trồng trọt. Sau này, khi học đại học, các thầy chữ nghĩa đầy mình dạy tôi thế.

Phải đến lúc đầu hai thứ tóc, tôi mới hiểu hành động cẩn trọng của bố khi bứng gốc cây non đặt vào những cái hố đã được đào trước. Nó giống như một nghi lễ tôn giáo. Gây dựng tương lai cơ mà! Với loại cây lâu niên, hố phải sâu, rộng, lót nhiều chất dinh dưỡng để bộ rễ cây có thể bám nhanh, bám sâu vào đất, từ đó hút được thức ăn và không bị gió quật đổ. Sau khi trồng rồi, bố hồi hộp theo dõi từng ngày. Nắng quá phải che, phải tưới, còn mưa nhiều quá phải khơi cống rãnh để cây không chết lụt. Cứ y như chăm người vậy. Bởi vì như lời bố, con người sinh ra mà không gieo trồng, đích thị là kẻ ăn bám. Chữ gieo trồng của bố bao hàm nhiều nghĩa hơn cái hành động trồng cấy cụ thể.

Có những điều giống như nghịch lý vẫn đang tồn tại hàng ngày mà chúng ta ít để ý. Không gì nhiều như đất, không gì quý hiếm như kim cương. Nhưng không có kim cương ta vẫn có thể sống tốt, trong khi không có đất là chết! Không gì nhiều như nước, nhưng nước quan trọng với sự sống hơn bất cứ thứ gì quý hiếm khác trên đời này. Nghe nói một giáo sỹ đã bóc mẽ thói kiêu ngạo của một nhà khoa học khi ông thách nhà khoa học nọ hãy thử làm ra một gam đất? Tất nhiên nhà khoa học bó tay.

Vì thế, hãy khiêm tốn và cẩn trọng với từng thứ trời ban. Trời cho con người đất để trồng trọt, để sinh sôi, chứ không phải để làm vật thấm chất độc giết chết sự sống. Hành động làm cho đất chết, là một hành động báng bổ không được tha thứ. Hãy giữ cho đất sạch và thơm, để những cây trồng trên đó không bị chết từ khi vừa cắm xuống.

Những ý nghĩ lan man này cứ bám dai dẳng trong đầu tôi khi thành phố Hà Nội đưa ra kết luận về hiện tượng mấy nghìn cây bị đổ trong cơn bão số hai vừa qua. Trong hàng chục nguyên nhân, có cả việc đất bị nhiễm độc, bị cằn cỗi hóa khiến cây trồng không còn biết cắm rễ vào đâu.

Nhưng thôi, thà chịu bật gốc để làm kiếp khác, còn hơn thành quái thai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.