Thế giới giao thông

Làn sóng phá sản dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc

13/12/2017, 13:16

Vài năm trước, chia sẻ xe đạp trở thành ngành "hot" tại Trung Quốc nhưng giờ đây tình hình đã thay đổi.

30

Thị trường chia sẻ xe đạp Trung Quốc đã qua thời“cơn sốt vàng”

Vài năm trước, chia sẻ xe đạp trở thành ngành "hot" tại Trung Quốc sau khi các nhà đầu tư thi nhau bơm hàng tỉ nhân dân tệ vào các công ty khởi nghiệp.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch vụ chia sẻ xe đạp đã bão hòa khiến nhu cầu chia sẻ loại xe truyền thống này không cao, trong khi các công ty cung cấp dịch vụ lại bùng nổ ở quy mô và số lượng ngày càng lớn.

Công ty chia sẻ xe lớn thứ 3 phá sản

Trong năm đầu tiên kinh doanh, công ty chia sẻ xe đạp Bluegogo đã xuất hiện trên khắp các thành phố lớn của Trung Quốc với hơn 600.000 chiếc, trở thành công ty lớn thứ 3 trong ngành này. Khoảng 20 triệu người đã đăng ký thuê xe đạp với giá thành tương đối dễ chịu cho mỗi giờ sử dụng.

Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thiên Tân đã nhận được hơn 400 triệu nhân dân tệ (tương đương 60 triệu USD) đầu tư trước khi lâm vào cảnh phá sản. Các văn phòng của Bluegogo dần phải đóng cửa và đến nay người sáng lập ứng dụng là ông Li Gang vẫn chưa ra mặt làm rõ về vấn đề.

Cái kết của Bluegogo phần nào phản ánh bức tranh chung trên thị trường chia sẻ xe đạp Trung Quốc. “Thời kỳ “cơn sốt vàng” đã qua rồi.

Các công ty nhỏ hơn sẽ không thể sống sót trừ khi họ được bơm thêm tiền. Khi các nhà đầu tư cẩn trọng hơn, các công ty nhỏ có thể nghĩ tới việc sáp nhập với các đối tác lớn hơn để tăng cơ hội sống sót”, ông Shi Rui, nhà phân tích đến từ Công ty tư vấn iResearch có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định.

Sáp nhập hay đổ thêm tiền cạnh tranh?

Đối với các nhà đầu tư của ba ông lớn trong ngành chia sẻ xe đạp là Mobike, Ofo và Hellobike, họ vẫn lăn tăn câu hỏi: Liệu có nên sáp nhập với một đối thủ để mở rộng quy mô, cắt giảm chi phí hay là đổ thêm tiền với hy vọng tồn tại lâu hơn trên đường đua khắc nghiệt này?

Ví dụ, gần đây nhất về việc sáp nhập để mở rộng quy mô đó là HelloBike. Một tháng sau khi sáp nhập với hệ thống xe đạp công cộng Changzhou Youon, đầu tháng 12 này, họ lập tức huy động được 350 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Alibaba.

Động thái sáp nhập và huy động vốn cần thiết đã làm sống lại công ty chia sẻ xe đạp vừa vươn lên đứng thứ 3 tại Trung Quốc.

Ông Wang Huie, nhà phân tích đến từ Analysys cho biết, ngành công nghiệp vốn từng tăng trưởng rất “hot” đã đạt đến giai đoạn “củng cố sâu rộng”.

“Khả năng lớn, cả 3 người chơi là Mobike, Ofo và HelloBike sẽ sáp nhập”, ông Wang nhận định và chỉ ra, động lực để các hãng sáp nhập chính là do lợi nhuận không thể trang trải chi phí điều hành doanh nghiệp quá cao.

Theo ông Wang, không có công ty nào hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hợp lý. Từng được mệnh danh là “Uber của xe đạp”, thị trường chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc thực chất khá khác biệt so với mô hình kinh doanh chia sẻ ô tô.

Chẳng hạn, không có Uber hay công ty tương đương tại Trung Quốc là Didi Chuxing sở hữu phương tiện riêng mà thay vào đó sử dụng ứng dụng để kết nối khách hàng cần thiết.

Tuy nhiên, các công ty như Ofo và Mobike phải mua hàng chục triệu xe đạp, chưa kể tới chi phí lao động để chi trả cho các nhân viên bảo trì, sửa chữa xe đạp.

Trong khi đó, chi phí mà người sử dụng phải bỏ ra lại khá ít - khoảng 1 nhân dân tệ cho 1 giờ. Chưa kể, để thu hút khách hàng, các ứng dụng như Mobike, Ofo thi nhau đưa ra các ưu đãi cao như sử dụng 3 tháng đi lại với giá chỉ 5 nhân dân tệ (3.400 VND).

Khó có chuyện cộng sinh tại Trung Quốc

Dù vẫn lạc quan về triển vọng phát triển của ngành kinh doanh dịch vụ chia sẻ xe đạp nhưng ông Jeffrey Towson, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh cũng không tin nhiều công ty có thể cộng sinh hòa bình với nhau trên thị trường tại Trung Quốc.

“Nếu là tại Mỹ, tôi nghĩ, cái kết sẽ là các công ty lớn với nhiều công ty nhỏ cộng sinh. Nhưng ở Trung Quốc, dường như lại có hiệu ứng loại bỏ đối thủ để chiếm lĩnh toàn bộ thị trường”, ông Towson nói.

Ví dụ điển hình là sự đấu tranh kịch liệt giữa Didi Dache và Kuaidi Dache trong ngành đặt xe ô tô. Năm 2015, cả hai đã sáp nhập để thành lập Didi Chuxing, sau đó tiếp tục mua lại Uber Trung Quốc và trở thành người chơi duy nhất trên thị trường này.

“Các nhà đầu tư có xu hướng thích sáp nhập để chấm dứt cuộc chiến giá cả vì đó đều là tiền của họ. Họ muốn, tốt hơn hết là chi tiền vào phát triển thay vì đấu đá lẫn nhau”, ông Towson nói.

Từ khoảng tháng 10, có thông tin do Bloomberg đưa đầu tiên nói rằng, Ofo và Mobike đàm phán để sáp nhập nhưng đến nay cả hai đều không xác nhận.

Dù có thể gặp áp lực từ các nhà đầu tư, chưa có dấu hiệu hai gã khổng lồ trong ngành chia sẻ xe đạp sớm sáp nhập.

Trong khi đó, có báo cáo khẳng định, Ofo đang kêu gọi thêm 1 tỉ USD từ các nhà đầu tư bao gồm Alibaba nhưng tập đoàn này đã từ chối bình luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.