Y tế

Lan tỏa dòng máu cứu người

05/06/2019, 07:27

Suốt hơn 20 năm gắn bó với hiến máu nhân đạo, chị Thảo chưa từng “nhận lời tuyên dương nào, nhưng không buồn vì điều đó”.

img
Anh Nguyễn Trí Hiếu hiến máu tình nguyện từ năm 1997, đều đặn mỗi quý một lần

Từ ngày 4 đến 6/6, 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019 hội tụ về Hà Nội nhân ngày Quốc tế người hiến máu. Mỗi người một hoàn cảnh, công việc khác nhau nhưng tất cả đều chung một mục đích nhân văn “được lan tỏa dòng máu cứu người”.

“Đau đáu nỗi mất mẹ” và 70 lần hiến máu tình nguyện

Là 1 trong 2 cá nhân có số lần kỷ lục hiến máu tình nguyện cứu người trong kỳ Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019, anh Nguyễn Trí Hiếu (SN 1974, Trưởng ban Mặt trận khu phố 1, phường 8, quận 2, TP HCM) chia sẻ: “Lần đầu anh hiến máu là năm 1997, sau khi thấy báo đài phát động hiến máu nhân đạo cứu giúp người bệnh. Cũng từ đó anh đều đặn tham gia hiến máu”.

Chính câu chuyện buồn về mẹ là động lực thôi thúc anh Hiếu đến với hoạt động hiến máu tình nguyện. “Bà đã mất trong một lần cấp cứu, điều trị xuất huyết tiêu hóa. Lần ấy, mẹ anh mất rất nhiều máu, cần phải truyền máu nhưng đúng vào thời điểm dòng máu nhóm B rất hiếm. Cả gia đình tỏa đi khắp các bệnh viện nhưng quá khó khăn…. ”, anh Hiếu chia sẻ.

Cũng từ đó, anh tham gia hiến máu tình nguyện, đều đặn mỗi quý một lần. Có những lần đột xuất nhận được điện có bệnh nhân cần máu, anh lại nhanh chóng thu xếp công việc và lên đường hiến máu. Anh Hiếu cho hay, anh vẫn ấn tượng lần đầu hồi hộp đi hiến máu. Hôm đó, sau khi sẵn sàng tinh thần ăn sáng, uống cà phê “no đủ” anh có mặt tại Trung tâm tiếp nhận hiến máu. Thế nhưng, sau khi hỏi han chuyện ăn uống của anh, vị bác sĩ dõng dạc nói: “Người chiến sĩ đã sẵn sàng nhưng... xin mời đi về”. Anh khá bất ngờ vì bị từ chối nhưng được giải thích “không thể lấy máu sau khi đã ăn sáng lại còn uống cà phê”, anh Hiếu đành rời sang ngày hôm sau.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Hiếu cho hay: “Mình mong mọi người tích cực hưởng ứng hoạt động hiến máu nhân đạo này. Vì không chỉ mang lợi cho mình như được xét nghiệm máu và được biết sức khỏe của mình như thế nào mà còn giúp Ngân hàng máu luôn đủ đầy để giúp nhiều người bệnh cần đến máu…”.

Đào Minh Trang tuổi đời còn trẻ (SN 1991, Đà Nẵng) nhưng cũng có thâm niên hiến máu tới 57 lần. Theo Trang, vì được tham gia hoạt động Đoàn Đội từ nhỏ, thấy các anh chị đi trước tham gia hiến máu nhân đạo nên “ham”. “Hơn nữa theo chia sẻ của ba, khi sinh em ra, mẹ em cũng đã kịp thời được nhận những dòng máu nhân đạo mà giữ được mạng sống. Chính điều này càng thôi thúc em gắn mình với hoạt động nhân đạo này”, Trang tâm sự.

Trang nhớ mãi lần đầu tiên buộc phải “nói dối” mới được tham gia hiến máu, sau 3 lần đăng ký mà không đủ điều kiện vì lý do “nhẹ cân và huyết áp không đều”. “Cú” quá nên đành nói dối tự tăng lên 48kg để được hiến máu và đã thành công”, Trang nhớ lại.

Hiến máu lần đầu vào năm 2010, đến giờ con số lần hiến đã lên tới 57, Trang bảo “có sức khỏe thì cứ nhận điện thoại là lên đường hiến thôi. Nơi Trang thường ưu tiên đến hiến chính là BV Sản Nhi Đà Nẵng, có rất nhiều em bé khó khăn, bệnh nặng cần đến máu”.

“Cũng có lẽ một phần nhờ hiến máu tình nguyện thường xuyên mà từ 44 kg giờ cân nặng đã vượt lên con số 6 chục rồi….”, Trang tếu táo nói vui.

img
Anh Trí Hiếu trong một lần hiến máu nhân đạo

“Mọi người bảo tôi hâm, tào lao mà lại đi hiến máu”

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1972, trú tại phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM) khi nói về việc chị đều đặn 3 lần/năm đi hiến máu với số lượng “khủng” 450ml/lần. “Dù mọi người nói sao tôi cũng bỏ ngoài tai vì tôi nghĩ, giúp đời giúp người được điều gì trong khả năng thì mình làm. Cho dù cuộc sống tôi còn quá nhiều khó khăn. Có người còn nói, “dư máu đem đi mà bán lấy tiền, chứ hiến thì tào lao quá” nhưng tôi vẫn làm”, chị Thảo cho hay.

Thông điệp của Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6 năm nay được Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn là “Máu an toàn cho mọi người” (Safe blood for all). Thông điệp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về máu an toàn, đồng thời kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe trên toàn thế giới tham gia hiến máu thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị của người bệnh cần máu ở cả các khu vực đô thị và vùng sâu, vùng xa.

Bắt đầu hiến máu nhân đạo từ năm 1996, đến giờ chị Thảo vẫn duy trì “thói quen” hiến máu mà như chị chia sẻ: “Bị “nghiện” rồi, đến ngày đến giờ không đi hiến là bứt rứt lắm. Chị bảo: “Trước toàn hiến “khủng” 450ml/lần, nhưng 3 năm nay, bác sĩ bảo có tuổi rồi không cho hiến nhiều nữa chỉ tối đa 350ml/lần. Mình đành chấp nhận dù muốn hiến thêm nữa”.

Suốt hơn 20 năm gắn bó với hiến máu nhân đạo, chị Thảo chưa từng “nhận lời tuyên dương nào, nhưng không buồn vì điều đó”. Lần này được mời về lễ Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc “có chút hồi hộp, có chút vui mừng”, chị Thảo chia sẻ: “Chị còn có một mong muốn nữa và nhất định sẽ làm là đăng ký hiến tạng sau khi nằm xuống để giúp người khác. Vì chết là hết, là về với cát bụi thì không lý do gì lại không làm điều có ích đó”.

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện cho biết: “Nhờ có những dòng máu hiến nhân đạo mà Ngân hàng Máu luôn sẵn sàng truyền đi những bịch máu cứu người. Truyền máu là biện pháp điều trị có thể cứu sống người bệnh nhưng luôn tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro cho người bệnh, trong đó có việc lây nhiễm các mầm bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai. Một trong những giải pháp quyết định và bền vững đó là xây dựng và duy trì được nguồn người hiến máu tình nguyện, thường xuyên. Đây là vấn đề của toàn cầu và Tổ chức Y tế thế giới đang hướng tới mục tiêu 100% đơn vị máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện và đạt tỷ lệ 2% dân số tham gia hiến máu vào năm 2020”.

Tại Việt Nam, năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu (quy đổi là gần 1,6 triệu đơn vị máu 250ml); trong đó 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương hơn 1,4% dân số tham gia hiến máu (quy đổi là 1,68% dân số tham gia hiến máu), tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 42,5%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.