Chất lượng sống

Làng Bình Đà ra sao sau hơn 20 năm cấm pháo?

27/11/2017, 06:45

Sống bằng pháo, đến khi Nhà nước cấm pháo cả làng hụt hẫng những tưởng không còn cách kiếm sống...

3

Cụ Thiện (quàng khăn) ở đình làng Bình Đà

Tiếng pháo đã xa

Ngày trước, mỗi khi đặt chân tới đất Bình Đà vào bất kỳ lúc nào cũng có thể cảm nhận được sự náo nhiệt của nghề làm pháo nổ. Đến nay, thấm thoắt đã hơn 20 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 406/CT-TTg về cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ, người dân Bình Đà đã vượt qua không ít khó khăn và đang có bước phát triển mới.

“Nhất pháo Bình Đà, nhất gà Đông Tảo” đó chính là câu người xưa vẫn truyền tai nhau ca ngợi những đặc sản nổi tiếng cả nước, trong đó pháo Bình Đà luôn được xếp hàng đầu. Làng Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nổi tiếng với nghề làm pháo suốt từ thời Vương triều nhà Nguyễn, với loại pháo nổi tiếng nhất mang tên “Nam Hải Hoàng Hoa”.

Trước năm 1995, Bình Đà nổi tiếng khắp Việt Nam là một làng với nghề sản xuất pháo truyền thống. Người Bình Đà rất tự hào vì nghề này đã giúp nơi đây trở thành làng giàu nhất, nhì huyện Thanh Oai lúc đó. Thời đó, bất cứ ai đặt chân tới đất Bình Đà vào bất kỳ lúc nào cũng có thể cảm nhận được sự náo nhiệt của nghề làm pháo nổ trong làng. Trẻ con tiêm pháo, cuộn pháo, những người trung niên có nhiều kinh nghiệm hơn thì đổ thuốc, mùi thuốc pháo đặc quánh khắp làng... Làng trên, xóm dưới rộn rã không khí tấp nập, khẩn trương, đặc biệt là vào những tháng cuối năm. Thương hiệu pháo Bình Đà có thể nói không ai không biết tới.

"Xã Bình Minh có khoảng 1,4 vạn nhân khẩu với 10 thôn. Từ năm 1994 đến nay, xã chuyển mình rõ nét, mặc dù không có nghề phụ. UBND xã Bình Minh định hướng nhân dân phát triển thêm nhiều nhiều ngành nghề để phát triển kinh tế với thế mạnh của địa phương như giao thông thuận lợi, có tuyến QL21B, tỉnh lộ 427 chạy qua. Tận dụng lợi thế này, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ thương mại như thêu ren, giết mổ gia súc, gia cầm. Hiện, xã có hơn 200 hộ giết mổ gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu người dân nội thành Hà Nội. "

Ông Nguyễn Văn Thêm
Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh

Cũng bởi vì thế, người dân Bình Đà đều có việc làm và hầu hết đều có cuộc sống rất khá giả. Thậm chí, nhiều đứa trẻ còn thích ở nhà làm pháo hơn là đi học. Trò chuyện với PV Báo Giao thông, cụ Nguyễn Văn Mão (79 tuổi, ở thôn Chằm) kể: “Cứ đến mỗi dịp gần Tết, dân ở các nơi trên cả nước đổ về Bình Đà, vừa để tham quan, vừa mua pháo về chơi, những lúc đó hầu như ngày nào làng cũng đông như hội”.

Dù nghề làm pháo vẫn được ví như “cưỡi trên lưng hổ”, đã có bao vụ tai nạn kinh hoàng, bao cái chết thương tâm xảy ra nhưng theo cụ Mão người dân Bình Đà khi đó vẫn cho rằng, rất khó từ bỏ cái nghề cha truyền con nối đã gắn bó với họ vài trăm năm.

Ông Nguyễn Tiến Thiện (70 tuổi, ở thôn Quách) nhớ lại: “Thời đó, tôi làm Chủ nhiệm HTX Bình Minh từ 1978-1981, được hợp đồng Công ty cấp I đặt làm cho Nhà nước. Thời đó, Công ty cấp I của tỉnh Hà Tây cũ phải cấp nguyên vật liệu trước cho người dân. Nguyên liệu bao gồm: Thuốc trắng, Cali, Angtemon, diêm sinh. Các loại pháo chủ yếu người Bình Đà làm là: Pháo con, pháo đùng, pháo cối, làm xong mang đi bán khắp cả nước”.

Theo ông Thiện, ngoài việc bán pháo đi các địa phương, vào tháng 3 Âm lịch hàng năm, từ mùng 1-6 tháng Giêng là thời điểm diễn ra hội làng Bình Đà. Các thôn làm pháo để thi với nhau. Gồm có pháo cây, pháo bông, pháo hoa và đặc biệt nhất là loại pháo 16 quả nổ một tiếng (pháo bèo). Chi phí làm ra một cây pháo để các thôn thi với nhau rất tốn kém, nhưng nếu thôn nào được giải Nhất thì rất vinh dự, dù phần thưởng chỉ là vài phẩm oản, vài quả chuối.

4

Đình làng Bình Đà nơi từng diễn ra hội thi pháo giữa các thôn

Tìm hướng đi mới, đoạn tuyệt với nghề nguy hiểm

Ông Thiện kể, những năm đầu khi cấm sản xuất pháo, việc chuyển từ nghề truyền thống sản xuất pháo nổ sang nghề mới với người dân Bình Đà là vô cùng khó khăn. Dù bị cấm, một số hộ dân vẫn còn “lưu luyến” với nghề cũ nên vẫn lén sản xuất. Gần Tết, đâu đó vẫn còn tiếng pháo nổ.

Tưởng rằng mất đi nghề truyền thống, người dân xã Bình Minh, đặc biệt là làng Bình Đà sẽ mất đi “cây gậy” kiếm cơm và lâm vào cảnh nghèo túng. Thế nhưng, những năm gần đây, Bình Đà vắng xa tiếng pháo và vùng quê có truyền thống lâu đời này đã “thay máu”. Đi dọc đường làng bây giờ, dễ dàng chứng kiến không khí tấp nập của kẻ bán, người mua. Suốt từ đầu làng đến cuối làng, các cửa hàng buôn bán tấp nập người. Nghề dịch vụ phát triển chóng mặt bởi những ngành nghề mới như thêu ren, buôn bán, thậm chí chạy chợ để mưu sinh…

Tháng 10/1959, Bình Đà vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Điều đặc biệt là Bác đã xuống tận ruộng thăm hỏi người dân Bình Đà thu hoạch lúa mùa tại chính thửa ruộng được cho là nơi năm xưa vua Lý Thái Tông cày Tịch Điền. Thời kì chống Mỹ cứu nước (1965-1975) nơi đây còn là quê hương của những cánh đồng 5 tấn, 10 tấn, một đơn vị dẫn đầu miền Bắc. Năm 1985, xã Bình Minh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều Huân chương cao quý khác.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Pha, SN 1973, thôn Chằm cho biết: “Từ khi cấm pháo, gia đình tôi xoay đủ nghề. Đến nay tôi làm chủ thầu xây dựng, lo công ăn việc làm cho vài chục công nhân. Các cháu nhà tôi cũng đều được học hành đầy đủ. Theo tôi, việc Chính phủ cấm pháo là chủ trương đúng đắn, dù là nghề truyền thống nhưng rõ ràng làm pháo rất nhiều ẩn họa”.

Cụ Nguyễn Văn Mão tâm sự, năm 1994, khi Chính phủ cấm không cho sản xuất pháo, đời sống của người dân nơi đây rất khó khăn. Ai cũng hụt hẫng vì cả làng không biết nghề phụ gì ngoài nghề làm pháo. “Quanh năm chỉ có 2 vụ lúa, làm xong là chơi dài. Mãi về sau dần dần nhiều gia đình chuyển sang kinh doanh buôn bán nhỏ, đi làm thuê, phụ hồ… Đến nay, cũng đã hơn 20 năm, người dân Bình Đà làm kinh doanh buôn bán nên cũng khấm khá hơn trước rất nhiều”, cụ Mão chia sẻ.

Còn cụ Pham Quốc Nhật (84 tuổi, làng Bình Đà) phấn khởi, chia sẻ: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, tuy có khó khăn nhưng mọi người rất cố gắng, con cháu tôi thoát ly học hành, giờ đứa làm bác sĩ, đứa làm kĩ sư ở Hà Nội, cuộc sống rất đàng hoàng. Việc cấm pháo là chủ trương đúng đắn, đến nay có những người trong làng làm pháo nổ cụt cả tay, quá nguy hiểm”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thêm, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, làng nghề có truyền thống từ hàng nghìn năm nhưng thực hiện nghiêm Chỉ thị 406 của Thủ tướng Chính phủ và tỉnh Hà Tây cũ cấm sản xuất tiêu thụ pháo, UBND xã Bình Minh đã tuyên truyền tới toàn bộ nhân dân, đồng thời có chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho bà con.

Theo ông Thêm, tại Bình Đà trước đây vốn có 90% các hộ dân làm nghề sản xuất pháo cổ truyền. Từ khi có Chỉ thị của Thủ tướng, Công an huyện Thanh Oai đã thành lập các tổ công tác phối hợp với lực lượng công an xã, các ban, ngành, đoàn thể tới từng hộ dân, cơ quan, trường học đóng trên địa bàn tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo nổ. “Đối với những gia đình cố giữ nghề, chính quyền địa phương đã đến tận nhà tuyên truyền, vận động và yêu cầu chủ hộ viết cam kết. Trên thực tế, nếu như cách đây vài năm, vẫn còn một số hộ lén lút làm pháo, thì đến nay tất cả đều đã bỏ nghề. Người dân Bình Đà đoạn tuyệt hẳn với nghề pháo để xây dựng cuộc sống ấm no và bình yên hơn”, ông Thêm cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.