Chất lượng sống

Làng chài Vạn Vỹ và khát vọng lên bờ

26/02/2017, 08:35

Những năm gần đây, do nguồn nước sông bị ô nhiễm, lượng cá tôm ít dần đi nên nghề chài lưới mai một dần.

22

Những ngôi nhà nổi chật hẹp trên sông là nơi ở của người Vạn Vỹ

Những năm gần đây, do nguồn nước sông bị ô nhiễm, lượng cá tôm ít dần đi nên nghề chài lưới của những gia đình ở Vạn Vỹ càng lúc càng khó khăn. Với nhiều gia đình, giấc mơ có một miếng đất để cắm dùi cũng là xa xỉ.

Khát vọng lên bờ

Theo cụ Trần Việt Phát, Vạn Vỹ xưa kia là một làng chài thuộc “biên chế” của xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ), nay thuộc TP Hà Nội. Do cuộc sống lênh đênh sông nước quanh năm nên nhiều hộ gia đình phải nay đây mai đó để chài lưới kiếm sống. Nhiều người, nhiều gia đình tiện đâu đậu thuyền bè ở đó để mưu sinh. Vì vậy, dọc sông Hồng từ Phú Thọ cho tới chân cầu Chương Dương đâu đâu cũng có người dân làng chài Vạn Vỹ sinh sống.

Chúng tôi men theo con đường nhỏ dẫn ra bến sông, nơi vẫn có hàng chục hộ gia đình đang sinh sống. Khung cảnh sinh hoạt làng chài hiện ra là một thế giới hoàn toàn khác ở lòng Thủ đô sôi động, náo nhiệt. Bữa cơm trưa dọn vội trên những nóc thuyền đạm bạc với độc một món cá kho mặn và một món canh rau muống nấu quá lửa đỏ quạch và nát nhừ. Nói là giờ cơm nhưng cũng chỉ có một vài người và trẻ nhỏ ăn cơm rồi tới trường, còn hầu hết mọi người đã đi làm từ sớm.

"Hy vọng trong năm mới, làng chài Vạn Vỹ sẽ có thêm nhiều gia đình được thỏa nguyện ước mơ lên bờ, tạm biệt cuộc sống lênh đênh bất định trên sông nước suốt bao đời nay."

Cụ Trần Việt Phát

Tiếp chúng tôi trên “nhà thuyền” rộng chưa đầy 10m2, ông Phan Văn Luận (57 tuổi, người làng chài Vạn Vỹ) nói như thanh minh: “Nhà cửa chỉ có thế, muốn một chỗ tiếp khách lịch sự hơn cũng không có. Ngư dân chúng tôi ai cũng mong muốn “an cư lạc nghiệp”, có đất để canh tác chứ cuộc sống sông nước như thế này bấp bênh và bất ổn lắm. Lúc nào cũng nay đây mai đó, chẳng khác nào dân du mục vậy”.

Ông Luận cho biết, những năm gần đây, nguồn nước sông bị ô nhiễm, lượng cá tôm cứ ít dần đi nên nghề chài lưới của những gia đình ở Vạn Vỹ như ông càng lúc càng khó khăn. Chăm chỉ làm việc quần quật quanh năm suốt tháng cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc. Với nhiều gia đình, có một miếng đất để… cắm dùi cũng là một giấc mơ xa xỉ chứ đừng nói gì đến chuyện xây nhà rồi lên bờ định cư. Đã bao năm qua, giấc mơ lên bờ của người dân Vạn Vỹ cứ day dứt, cháy bỏng không thôi. Nhưng rồi điều kiện cuộc sống không cho mấy người hiện thực hóa được mơ ước ấy. Gia đình ông Luận được liệt vào diện may mắn ở làng chài vì đã mua được một mảnh đất trên bờ. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện xây nhà nên cả gia đình ông vẫn phải tạm thời để cỏ lau “trông hộ” miếng đất vàng ấy và tiếp tục lênh đênh trên sông nước kiếm sống. Đợi khi nào có đủ tiền xây nhà ông sẽ cho cả nhà lên bờ.

Không may mắn như gia đình ông Luận, hiện tại làng chài Vạn Vỹ vẫn còn có nhiều hộ dân chưa có điều kiện mua được đất trên bờ. Cuộc sống của họ buộc phải gắn bó, lênh đênh với sông nước. Gia đình anh Trần Văn Tiến chia sẻ: “Ở làng chài Vạn Vỹ này những hộ đã xây dựng được nhà trên bờ thì không kể. Chứ còn có mảnh đất trên bờ mà chưa xây dựng được nhà cũng vẫn là may mắn. Chứ như gia đình tôi một tấc đất cũng không có lấy gì mà mơ ước lên bờ sinh sống. Hiện tại vợ chồng tôi cũng đang phấn đấu làm ăn để có tiền mua một mảnh đất trên bờ nhưng chắc phải một thời gian dài nữa vì mấy năm gần đây nghề chài lưới thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu”, anh Tiến nói.

Tiếp lời chồng, vợ anh Tiến cho hay: “Gia đình cũng mong sớm được “an cư, lạc nghiệp” cho con cái có điều kiện ổn định để tới trường, tới lớp chứ cuộc sống sông nước nhiều khi các cháu chịu thiệt thòi nhiều lắm”.

Những đổi thay trên làng chài

Vạn Vỹ hôm nay đã có nhiều đổi khác, dù cuộc sống lênh đênh sông nước vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. “Già làng” Phát cho biết, hiện cả Vạn Vỹ có khoảng 90 hộ, đến nay khá nhiều hộ đã có đất trên bờ và nhà ở, một số vẫn phải sống trôi dạt trên thuyền. Những năm gần đây, nhiều hộ đã lên bờ “định canh, định cư”, có chỗ ở ổn định. Một số hộ dân chài tích cóp vốn liếng từ nghề truyền thống nuôi cá lồng trên sông, mạnh dạn đầu tư tàu thuyền kết hợp phát triển dịch vụ vận tải đường thủy. Đến nay, làng chài nhỏ bé đã có hàng chục gia đình sở hữu tàu chuyên chở vật liệu xây dựng xi măng, cát sỏi, than… cung cấp cho cả một vùng rộng lớn. Những hộ chưa có điều kiện lên bờ đã theo hướng phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng. Nhờ đó, cuộc sống của người Vạn Vỹ đã thay đổi từng ngày.

Cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây cũng dần dần được cải thiện. Mạng lưới điện kéo từ làng ra bến sông đã mang ánh sáng và niềm vui cho ngư dân và đặc biệt là con trẻ đã có điện để học hành. Trước kia nguồn nước ăn uống, sinh hoạt chủ yếu là nước sông thì nay đã có nước sạch để dùng. Người dân trong xóm chài cũng sắm được cho mình chiếc ti vi để xem tin tức, ca nhạc thay cho chiếc đài cũ kỹ.

Ông Luận cho biết thêm: “Nghề sông nước của chúng tôi cũng không cố định giờ giấc gì cả. Có khi phải thức cả đêm để đánh bắt cá nhưng chẳng ai dám chê nghề, bỏ nghề. Cả xóm có hơn chục “nóc nhà” chung sống với nhau quan trọng nhất là cái tình, có việc gì thì quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau”.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Trưởng thôn Vạn Vỹ, hiện còn hơn chục hộ chưa có đất làm nhà, phải sống lênh đênh nay đây mai đó. Kéo theo là nguy cơ thất học của con cái họ. Trên thực tế, các gia đình vẫn cho con đi học, chính quyền các địa phương nơi họ dừng chân cũng rất tạo điều kiện nhưng việc liên tục thay đổi chỗ ở đã khiến cho trẻ em thường xuyên phải thay đổi trường lớp. Trường cũ chưa quen đã phải chuyển sang trường mới khiến nhiều cháu bỏ học giữa chừng. “Cách đây gần chục năm, có thời điểm tỉ lệ thất học ở Vạn Vỹ lên đến 60%, giờ thì tỉ lệ đó đã giảm xuống rất nhiều nhưng để cuộc sống người dân làng chài thật sự ổn định, trẻ em có điều kiện tốt nhất để ăn học thì cần giúp họ được lên bờ, có đất làm nhà và có cả đất sản xuất nữa”, ông Được cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.