Xã hội

Làng giữ rừng ở Gia Lai

01/09/2016, 18:16
image

Rừng được giữ cũng nhờ vào chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Anh 2- rung lang
Giây phút nghỉ ngơi sau một buổi đi tuần tra rừng của người dân làng Klah

Bên cạnh tình trạng phá rừng chiếm đất để canh tác, Gia Lai hiện vẫn còn có những khu rừng xanh ngát được dân làng tận tâm ngày đêm bảo vệ...

Giữ rừng - phần không thể tách rời trong đời sống người dân

Khi những con gà rừng chưa kịp cất tiếng gáy báo hiệu một ngày mới, người dân làng Pẹk, xã Ia Bă (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã tập trung đông đủ, trật tự trước nhà rông nằm ở giữa làng. Đứng phía trên đối diện với dân làng, Kpuih HNghinh và Kpuih Hlu đang cúi gằm mặt, không dám nhìn về phía đám đông. Già làng Kuih Nhen thông báo với dân làng, hai người này đã lấn chiếm đất rừng, lén lút xâm hại rừng mà cộng đồng làng đã hợp đồng nhận khoán quản lý bảo vệ để lấy đất làm rẫy. Trước sự thành khẩn hối lỗi của HNghinh và Hlu, già làng Kpuih Nhen cùng dân làng quyết định trừ tiền dịch vụ môi trường rừng của những hộ này, mua cây giống bắt họ trồng lại khoảnh rừng đã phá đó.

Già làng Nhen cho hay, nhiều năm nay cộng đồng làng Pẹk hợp đồng nhận khoán bảo vệ hơn 2.228ha rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai (huyện Ia Grai, Gia Lai). Hơn 205 hộ dân làng Pẹk từ lâu đã xem việc giữ rừng như một phần không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt và lao động của mình. Nếu người dân nào cố tình vi phạm sẽ bị luật làng phân xử.

>>>Xem thêm video:

Cũng như làng Pẹk, gần 100 đàn ông, người lớn của làng Klah (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai) chia thành 5 tổ (mỗi tổ từ 16 - 20 người) thay phiên nhau đi tuần tra bảo vệ rừng. Từ nhiều năm nay, khi làng được giao khoán quản lý, bảo vệ gần 400 ha rừng (hình thức giao đất, giao rừng, được UBND huyện cấp bìa đỏ) thì những chuyến đi tuần tra rừng trở nên quen thuộc với người dân làng Klah.

Cũng nhờ thường xuyên tuần tra bảo vệ, đầu năm 2016, dân làng Klah kịp thời phát hiện vụ xâm chiếm đất rừng với quy mô gần 3ha, thu giữ ba xe máy và hai cưa máy. Ông Đinh Chưng - người dân trong nhóm bảo vệ rừng chia sẻ: “Lúc trước, vào ngày 15 và 30 hàng tháng, chúng tôi tổ chức đi tuần. Tuy nhiên, những kẻ có ý đồ xấu nhanh chóng nắm bắt được quy luật này nên thỉnh thoảng rừng vẫn bị xâm hại vào thời điểm trước và sau khi chúng tôi đi tuần tra. Rút kinh nghiệm, người dân làng Klah không quy định ngày cụ thể mà có thể đi bất cứ lúc nào, thời điểm nào mà trưởng nhóm thông báo”.

Anh 1- rung lang

Ngày ngày người dân vượt rừng núi tuần tra bảo vệ rừng

 Tăng thu nhập cho người dân

Ông Võ Đình Huy, Phó chủ tịch UBND xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang, Gia Lai) đánh giá: Tính cộng đồng của người dân trong việc giữ rừng rất cao, đặc biệt là những hộ dân sống gần rừng. Mỗi khi rừng bị xâm hại, những hộ dân này sẽ nhanh chóng phát hiện và thông báo tới chính quyền địa phương. “Diện tích rừng được người dân làng Klah bảo vệ luôn giữ được màu xanh tốt, không cây nào bị xâm hại. Chúng tôi đã khảo sát và sắp tới sẽ đề xuất nhân rộng mô hình này bằng hình thức ký hợp đồng giao khoán đối với cộng đồng người dân hai làng Ktu và Deng”, ông Huy cho biết.

Rừng được bảo vệ, đời sống người dân cũng được nâng lên nhờ vào số tiền chi trả từ dịch vụ môi trường rừng. Được biết, xã Kon Chiêng đang quản lý bảo vệ hơn 1.200ha rừng. “Diện tích rừng lớn nhưng lực lượng giữ rừng lại mỏng, chủ yếu là các cán bộ đoàn thể của xã kiêm nhiệm nên việc tuần tra bảo vệ rừng không được thường xuyên và hiệu quả bằng người dân. Chỉ có sức mạnh cộng đồng thì rừng mới không bị xâm hại. Rừng được giữ cũng nhờ vào chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hỗ trợ kịp thời cho người dân”, ông Huy khẳng định.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 25 cộng đồng dân cư thôn được giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/năm đối với cộng đồng thuộc các tổ chức Nhà nước và 2,2 triệu đồng/người/năm đối với cộng đồng dân cư các xã. Tuy thu nhập chưa cao nhưng đây là nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đối với việc xóa đói giảm nghèo, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống gần rừng".

Ông Võ Văn Hạnh,Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai

Tương tự, ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai (huyện Ia Grai, Gia Lai) xác nhận: Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với người dân tộc thiểu số. “Qua kiểm tra rừng tại các làng nhận giao khoán, chúng tôi cho rằng nên tăng cường việc giao khoán đối với các hộ dân sống gần rừng, người dân vừa có thu nhập mà môi trường sinh thái rừng cũng bền vững hơn”.

Theo ông Hải, trong diện tích gần 15.000ha rừng cung ứng đã hợp đồng giao khoán cho 6 làng trên địa bàn huyện với diện tích hơn 7.604ha, trong đó làng Pẹk có diện tích lớn nhất với 2.228ha. Đặc biệt, ở những khu vực rừng gần dân, gần làng, nơi xung yếu, dễ bị xâm hại, Ban quản lý cũng tin tưởng giao khoán cho người dân.

Bàn về vấn đề này, ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai nhận định: Hiện, số diện tích rừng giao cho UBND các xã quản lý còn lớn, xấp xỉ 150.000ha, song lại chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong công tác quản lý bảo vệ rừng. “Nếu việc giao khoán cho người dân thật sự hiệu quả, chúng tôi đề nghị thu hồi một phần diện tích rừng ở một số UBND xã giao cho người dân quản lý, bảo vệ”, ông Hạnh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.