Hạ tầng

Lãng phí lớn do chậm khai thác đường băng số 2 Cam Ranh

18/09/2019, 05:47

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp hôm qua (17/9) liên quan đến việc đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không.

img
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp

Đường băng “nứt chân chim” vẫn phải “cõng” máy bay

Tại cuộc họp, vấn đề làm thế nào để có thể đưa đường băng số 2 tại CHK quốc tế Cam Ranh vào khai thác sớm nhất được bàn thảo nhiều nhất. Khẳng định sự cần thiết phải sớm đưa vào khai thác đường băng này, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng bức xúc: “Đường băng đã xây xong rồi, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã nghiệm thu, Cục Hàng không đã kiểm tra, tài liệu về đường băng cũng đã in ấn phát hành xong, tuy nhiên thời gian đưa vào khai thác đường băng này vẫn phải lùi đi lùi lại nhiều lần, mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vấn đề bàn giao tài sản”.

“Đường cất/hạ cánh Cam Ranh hiện tại là đường cất/hạ cánh kém nhất trên toàn quốc”, ông Thắng cho hay.

Về chất lượng đường cất/hạ cánh số 1 đang khai thác, trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc CHK quốc tế Cam Ranh Nguyễn Bá Quân nói: “Đường băng này được đưa vào khai thác dân dụng từ năm 2004. Đến nay, sau 15 năm khai thác, đường băng chưa từng được sửa chữa lớn, chỉ là sửa chữa nhỏ, trám vá vết nứt”.

“Mặt đường băng hiện tại xuất hiện rất nhiều vết nứt dọc theo vệt bánh sau của tàu bay toàn bộ chiều dài đường cất/hạ cánh. Toàn bộ các khe co giãn đã bị “lão hoá”. Các tấm bê tông xi măng khu vực đường lăn nối, tiếp giáp đường cất/hạ cánh bị sụt lún, nứt vỡ tại nhiều vị trí”, ông Quân nói và khẳng định: Công tác sửa chữa nhỏ không đủ đảm bảo an toàn khai thác. Rất cấp thiết phải đóng cửa đường cất/hạ cánh này để thực hiện sửa chữa lớn, tránh tình trạng an toàn hàng không bị uy hiếp.

Đường băng nghìn tỷ xây xong vẫn phải nằm chờ

img
Đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Ảnh: Quốc Nhựt

Dự án đường cất/hạ cánh số 2 CHK quốc tế Cam Ranh có tổng mức đầu tư 1.936 tỷ đồng; Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (Trung ương 50% và địa phương 50%). Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2016 - 2020. Dự án chia làm 2 giai đoạn với giai đoạn 1 thi công đường cất/hạ cánh số 2, các đường lăn nối cong giai đoạn 2 thực hiện thi công đường lăn C4, W6, AC5, sân đỗ máy bay.
Riêng với đường cất/hạ cánh số 2, theo thiết kế đường băng có chiều dài 3.048m, rộng 45m, kết cấu mặt bằng bê tông cốt thép và bê tông lưới thép, đạt tiêu chuẩn cấp 4E, đáp ứng khai thác an toàn, hiệu quả các loại máy bay chở khách cỡ lớn như: Airbus 320, 321, Boeing 767, 777, đồng thời cải thiện một số chỉ tiêu kỹ thuật nhằm đảm bảo tiếp nhận loại máy bay mã F trong tương lai.

Đề xuất phương án tạm bàn giao đường băng cho TCT Cảng hàng không VN (ACV) khai thác sớm phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn khai thác tại sân bay Cam Ranh, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho hay, một trường hợp tương tự là đường băng sân bay Cát Bi, cũng do Hải Phòng đầu tư, vẫn giao ACV khai thác. “Tại sao ở Cát Bi làm được mà ở Cam Ranh thì không?”, ông Thắng đặt câu hỏi và cho rằng, hệ thống điều hành bay ở sân bay quốc tế Vân Đồn, hiện vẫn chưa quyết toán xong vẫn giao TCT Quản lý bay VN quản lý, khai thác.

“Ở đây là bàn giao khai thác, không phải bàn giao tài sản”, ông Thắng một lần nữa khẳng định.

Mong muốn được giao quản lý, khai thác đường băng số 2 tại Cam Ranh để bảo đảm an toàn bay, Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt bày tỏ đồng tình với quan điểm của ông Thắng. “Như đường băng sân bay Cát Bi đã được đưa vào khai thác từ năm 2016 trong khi tài sản cũng chưa được bàn giao. ACV vẫn hạch toán vào chi phí bình thường”, ông Phiệt nói và bày tỏ lo lắng khi cho rằng nguy cơ mất an toàn tại đường băng hiện hữu của sân bay Cam Ranh còn lớn hơn rất nhiều so với Nội Bài. Trong khi đó, đường băng mới đã hoàn thiện.

“Một tài sản trị giá mấy nghìn tỷ phải nằm chờ đưa vào khai thác chỉ vì câu chuyện trách nhiệm của ai, phân tách tài sản như thế nào, trong khi nhu cầu là quá cấp bách. Tôi hoàn toàn nhất trí với lãnh đạo Cục Hàng không VN. Câu chuyện phân tách tài sản nên để ra một bên, tách biệt với câu chuyện bàn giao khai thác”, ông Phiệt kiến nghị.

Ủng hộ phương án sớm bàn giao khai thác đường băng mới này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, bàn giao khai thác và chuyển tài sản là hoàn toàn độc lập. Tại sao một đường băng tốt như thế, mới làm, an toàn, lại không thể khai thác? “Đưa vào khai thác đường băng này là cần thiết và cấp bách giúp đảm bảo an toàn bay tại sân bay Cam Ranh. Việc chậm đưa vào khai thác đường băng này chính là gây lãng phí”, Bộ trưởng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.