Trốn lên núi vì sợ tiêm
Từ trung tâm xã băng qua những con dốc dựng đứng để vào thôn, từ xa đã thấy những ngôi nhà của người đồng bào Bh'Noong lúp xúp mái tôn, vách gỗ tạm bợ. Làng chỉ có vài chục nóc nhà với hơn 200 nhân khẩu, nằm tách biệt dưới chân núi.
Thôn 2 từng được biết đến với cái tên "làng bạch hầu". Người địa phương còn hài hước gọi đây là "làng lắm chuyện", bởi ở đây có nhiều chuyện cười ra nước mắt.
Chín năm trước, nhiều người trong làng bỗng dưng mắc bệnh lạ, xuất hiện các biểu hiện ho, sốt, đau họng… Sau khi người đầu tiên trong làng tử vong, hơn chục người khác lại xuất hiện triệu chứng tương tự.
Người đồng bào Bh'Noong bao đời sống trong núi sâu còn nhiều hủ tục lạc hậu nên khi xảy ra việc như thế, điều đầu tiên họ nghĩ đến là "do con ma rừng bắt". Mà ma bắt thì phải cúng.
Nhà có điều kiện thì mổ heo, nhà nghèo thì giết gà, mời thầy về cúng. Như ông Hồ Văn Bia, năm đó có con gái mắc bệnh nhưng vẫn để con ở nhà rồi mời thầy về. Cúng mãi, tiền hết, con gái ông Bia mất sau đó mấy ngày.
Mãi đến khi cán bộ xã phát hiện, làng đã trở thành ổ dịch. Ngay sau đó, ngành y tế tỉnh Quảng Nam cùng chính quyền phải triển khai gấp rút các hoạt động khống chế. Có hơn 10 trường hợp sốt, sưng hạch vùng cổ, viêm họng, phù nề… được theo dõi, điều trị. Ngoài một bệnh nhân tử vong tại nhà, có 2 người khá nặng được đưa xuống TP Tam Kỳ điều trị nhưng rồi cũng tử vong.
Thời đó, khi ngành y tế tỉnh tiếp cận để điều trị, xử lý ổ dịch, họ mới "té ngửa" vì người dân ở đây chưa biết mũi kim tiêm là gì. Chiến dịch tiêm ngừa bạch hầu khiến các nhân viên y tế rất đau đầu vì người dân sợ tiêm, bỏ trốn.
Anh Trần Minh Ty, cán bộ Trạm y tế xã Phước Lộc kể: "Mỗi lần nghe đến tiêm phòng là dân làng trốn vào núi hết. Họ sợ mũi kim tiêm hơn là sợ chết. Cán bộ y tế đến làng, nhìn từ xa thì thấy dân ngồi trước nhà. Nhưng qua mấy con dốc đến nơi thì làng vắng tanh. Cán bộ phải vào sâu trong núi, mất nửa ngày đi bộ mới đến nơi "áp tải" họ về tiêm ngừa".
Dần thay đổi nhận thức
10 năm trước, gia đình nào có người đau ốm, họ chỉ nghĩ đến cúng. Thậm chí, khi ổ dịch bạch hầu đã được xác định, cán bộ y tế đến tận nhà vận động nhưng cũng không thay đổi được nhận thức của người dân.
Như ông Hồ Văn Thiên có con xuất hiện triệu chứng giống bệnh bạch hầu, thay vì đưa xuống trạm xá, gia đình lại mua trâu về tổ chức lễ đâm trâu theo lời dặn thầy cúng. Bác sĩ đến khám thì bị dọa, xua đuổi.
Nữ trưởng thôn Hồ Thị Nỉ chia sẻ, ngày đó chính bản thân chị cũng sợ tiêm. Nhưng được tuyên truyền, chị là một trong những người tiên phong tiêm phòng, làm gương cho dân làng.
"Đến nay, người dân đã quen. Nhưng mỗi lần có đợt tiêm vaccine, phải thông báo trước mấy ngày, nếu không họ đi rừng hết. Bà con đau ốm là xuống trạm xá xin thuốc uống chứ không giết gà, mổ lợn cúng nữa", chị Nỉ nói.
Còn chị Lê Thị Lý, Trạm trưởng Y tế xã Phước Lộc nói rằng, dân hết sợ tiêm nhưng cũng không thích, không mặn mà với việc tiêm chủng. Đơn cử việc tiêm vaccine định kỳ cho trẻ thì phải phát giấy mời, nhờ trưởng thôn vận động trước mới có người bế con đi tiêm.
Loay hoay vận động
Trước đây, người dân thôn 2 lập làng với cái tên làng Méo nằm dưới chân dãy Trường Sơn. Hơn 20 năm trước, chính quyền vận động dân ra gần trung tâm xã hơn. Dù ra khỏi bìa rừng đã lâu, song đời sống của người Bh'Noong vẫn còn thuần theo tự nhiên với những phong tục lạc hậu.
Theo lời trưởng thôn Hồ Thị Nỉ, dù đã bỏ được nhiều hủ tục (bị bệnh thì lên rẫy ở cữ, mổ heo cúng; sinh con thì ra bìa rừng, cúng làng rồi mới được vào nhà…), song bóng dáng của sự lạc hậu vẫn còn lẩn khuất.
"Như hộ ông Hồ Văn Xôn mới đầu tháng 5 vừa qua, lúa rẫy vừa lên được gang tay thì bị sét đánh nên bỏ rẫy. Theo phong tục thì 3 - 4 năm sau mới làm lại được", chị Nỉ kể.
Bám trụ ở xã Phước Lộc ngót nghét 15 năm, Chủ tịch UBND xã, ông Lưu Huyền Thoại vẫn đau đầu với bài toán phát triển đời sống cho người dân thôn 2. "Dân hễ có tiền là mua rượu, không giữ lại đồng nào. Khổ nhất là họp phổ biến các chính sách, phải thông báo trước, thậm chí "cưỡng chế" họp. Có khi, lãnh đạo xã đến làng xong phải bỏ về vì dân trốn".
Trước đây, địa phương vận động xóa nhà tạm, nhà nước hỗ trợ phần lớn, phần còn lại ngân hàng chính sách cho vay nhưng người dân không chịu vay. Do đó, đến nay dù đã được quan tâm rất nhiều nhưng so với nhiều nơi khác, đời sống người dân thôn 2 vẫn nghèo và lạc hậu.
Theo ông Thoại, thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, xã tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất để ổn định nguồn lương thực tại chỗ.
Xã Phước Lộc cách trung tâm huyện hơn 1 giờ chạy xe. Năm 2020, địa phương này xảy ra sạt lở đất khiến 13 người chết và mất tích, cả xã cô lập hoàn toàn trong 2 tháng. Hiện nay, tuyến đường từ thị trấn Khâm Đức dẫn vào xã đang được đầu tư xây dựng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận