Điều tra

Lạng Sơn: Vì sao bến xe, cơ sở sản xuất trái phép gần 10 năm mới bị xử lý?

02/08/2021, 12:37

Vi phạm gần 10 năm, đã được chính quyền các cấp, ngành kiểm tra nhưng không bị phát hiện, xử lý mà DN còn được hoàn thiện thủ tục để hoạt động.

Kiểm tra nhiều lần nhưng không phát hiện vi phạm?

Trong văn bản báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng khẳng định: vi phạm đã tồn tại gần 10 năm nhưng các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý đất đai, môi trường, hoạt động xây dựng...

Cụ thể, báo cáo số 377/BC-UBND, ngày 29/6/2021 về việc kết quả rà soát, củng cố, hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai với ông Trần Văn Tưởng và hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường đối với Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát, ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng khẳng định: Công ty CP Sản xuất và Xuất Nhập khẩu Đạt Phát đã xây dựng Dự án nhà máy sản xuất ván MDF từ ngày 5/1/2012.

img

Cổng vào bến xe hàng hóa trái phép của Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát.

Bên cạnh đó, Công ty này đã xây Bến xe hàng hóa xuất nhập khẩu, kho ngoại quan, khu chế biến, gia công hàng hóa xuất nhập khẩu từ ngày 15/1/2015 nhưng mãi đến ngày 26/5/2021 mới bị lập biên bản vi phạm hành chính.

UBND huyện Văn Lãng cũng khẳng định: Việc Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát xây dựng trái phép bến xe và cơ sở sản xuất trên đất lúa, đất rừng sản xuất và đất trồng cây hàng năm đã diễn ra từ lâu nhưng không bị các cấp, ngành trong tỉnh phát hiện.

Cụ thể: Các văn bản số 559/UBND-KHTH ngày 25/6/2016, 991/UBND-KHTH ngày 20/10/2016 và thông báo số 404/TB-UBND ngày 9/10/2017 của UBND tỉnh Lạng Sơn; biên bản kiểm tra của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn ngày 4/11/2015... cùng hàng loạt thông báo, báo cáo của các sở Tài Chính, KH&ĐT cho thấy các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Riêng đối với hoạt động san gạt, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất của ông Trần Văn Tưởng không được cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra, xử lý.

img

Cận cảnh kho ngoại quan trái phép trên đất lúa, rừng sản xuất và đất trồng cây hàng năm của Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát.

Chỉ đến ngày 30/8/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn có văn bản giao Ban Quản lý KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn kiểm tra, rà soát các tồn tại, vướng mắc để tháo gỡ, hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án trên thì các vi phạm mới được phát hiện, báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn ngày 4/10/2019.

UBND huyện Văn Lãng cũng khẳng định: Qua rà soát các hồ sơ xử lý vi phạm về lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện từ trước đến nay cho thấy ông Trần Văn Tưởng chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Do vậy, cá nhân này không thuộc đối tượng được điều chỉnh tại Điều 228, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Bến xe và cơ sở trái phép vẫn được thu tiền, hoạt động rầm rộ

Bên cạnh đó, dù được xây dựng trái phép trên đất lúa, rừng sản xuất và đất trồng cây hàng năm nhưng Dự án Kho ngoại quan của Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát đã được UBND huyện Văn Lãng xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường tại Giấy xác nhận số 1988/GXN-UBND, ngày 17/12/2015.

Cũng tại báo cáo trên, ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng đề xuất không áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm của ông Trần Văn Tưởng và Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát.

img

Bến xe hàng hóa và kho ngoại quan trái phép của Công ty CP Sản xuất và Đạt Phát.

Nguyên nhân là do việc vi phạm được thực hiện trên cơ sở một số văn bản của UBND tỉnh Lạng Sơn như: Văn bản 559/UBND-KTTH ngày 15/6/2016 về việc đồng ý về chủ trương cho Công ty này xây dựng điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu tại thôn Khơ Đa, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng theo đề xuất của Cục Hải quan.

Ngoài ra, ngày 20/10/2016, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã có văn bản số 991/UBND-KHTH về việc đồng ý cho xe Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu phụ Cốc Nam vào bãi tập kết hàng hóa của Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát tại thôn Khơ Đa, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng.

Được biết, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho bến xe hàng hóa trái phép của Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát hoạt động, ngày 25/10/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn còn ban hành Quyết định số 1974/QĐ-UBND về việc quy định giá dịch vụ tạm thời xe ra, vào địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu tập trung của Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát.

Theo đó, từ ngày 1/12/2017 đến nay, Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát đã thu từ 55.000 đồng đến 230.000 đồng/xe/lượt tùy trọng thiết kế của phương tiện khi ra, vào bến trái phép này.

img

Nhà máy sản xuất gỗ MDF trái phép của Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về nội dung này, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Do bến xe hàng hóa trên đang có vi phạm nghiêm trọng, hiện đã bị UBND tỉnh Lạng Sơn đình chỉ hoạt động 6 tháng nên Quyết định trên đã không còn phù hợp.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, rà soát cụ thể để tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định hủy bỏ ngay quyết định quy định giá dịch vụ tạm thời xe ra, vào địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu tập trung của Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát nêu trên.

Trước đó, như Báo Giao thông đã phản ánh: Ngày 7/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - Hồ Tiến Thiệu đã ký ban hành Quyết định số 119/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt, truy thu vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đất đai đối với ông Trần Văn Tưởng và Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát với tổng số tiền hơn 7,3 tỷ đồng.

Nhằm rộng đường dư luận, có thêm thông tin khách quan, đa chiều về vụ việc, PV Báo Giao thông đã nhiều lần liên lạc và trực tiếp đến Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát liên hệ công tác nhưng đều bị ông Trần Văn Tưởng và lãnh đạo Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát từ chối cung cấp thông tin.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.