Bạn cần biết

Làng tranh Đông Hồ giờ ra sao?

30/12/2017, 06:31

Tồn tại lay lắt nhiều thập kỷ qua, làng tranh Đông Hồ với lịch sử 400 năm đang đứng trước nguy cơ mai một...

22

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh - nữ nghệ nhân đầu tiên và duy nhất được phong “Nghệ nhânlàng nghề Việt Nam” tại làng nghề tranh Đông Hồ

Tồn tại lay lắt nhiều thập kỷ qua, làng tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) với lịch sử 400 năm đang đứng trước nguy cơ mai một, lửa nghề “hiu hắt”. Đến nay, chỉ còn hai hộ gia đình nối nghiệp cha ông.

Hậu thời vàng son

Nằm sát bờ Nam đê sông Đuống, cách Hà Nội chừng 35km, làng Hồ hay Đông Hồ là một làng nghề cổ truyền thống, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Các cụ làng Đông Hồ vẫn truyền lại mấy câu ca rằng:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh

Nơi đây là cái nôi của dòng tranh khắc gỗ dân gian đặc sắc được nhiều người cả trong và ngoài nước biết đến, với những bức tranh từ lâu đã đi vào đời sống tinh thần nhiều thế hệ người Việt Nam như: Đám cưới chuột, đàn gà mẹ con, hứng dừa, đánh ghen, thày đồ cóc, mục đồng thổi sáo….

"Để khắc phục tình trạng mai một nghề truyền thống, qua bao thế hệ, từ thời bố tôi cho đến tôi và con cháu hiện nay đều cố gắng giữ vững lòng tin với nghề và luôn sáng tạo ra những sản phẩm mới nhằm thu hút khách. Chẳng hạn Tết đến, tôi thường làm nhiều cuốn lịch treo tường, sổ tay, bưu thiếp,… bằng các bức vẽ tranh Đông Hồ với giá thành vừa phải, lại đẹp, cân xứng với giá trị để mọi người dùng làm quà."

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh

Theo các cụ cao niên trong làng, thời kỳ hưng thịnh của dòng tranh này là trước những năm 1944. Thời đó, 17 dòng họ trong làng Đông Hồ đều làm tranh. Mỗi năm phiên chợ bán tranh của làng chỉ họp 5 phiên, mỗi phiên 5 ngày vào dịp tháng Chạp để bán cho khách thập phương.

Để chuẩn bị cho phiên chợ, cả làng tất bật từ tháng bảy âm lịch. Sân nhà, sân đình, triền đê sông Đuống bừng lên 5 sắc màu cơ bản: Sắc đỏ của sỏi son, sắc xanh từ lá chàm, sắc vàng của hoa hòe, đen của tro rơm nếp và lá tre, màu trắng óng ánh từ vỏ sò, vỏ điệp.

Theo thời gian, cùng với sự xuất hiện của nhiều mặt hàng mới thời mở cửa thị trường khiến nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề tranh Đông Hồ không cạnh tranh kịp, đã và đang lụi dần. Trong những năm từ 1960 - 1970, tranh Đông Hồ bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn. Những bản khắc cổ có giá trị đã bị hư hỏng, thất lạc rất nhiều. Năm 1967, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Bắc (cũ) ký hợp đồng với Nhật Bản thành lập Đội sản xuất tranh. Thời gian đầu, đội chỉ in cầm chừng mỗi tháng được trên dưới 1.000 tờ.

Từ năm 1970 - 1985, tranh Đông Hồ được xuất sang 12 nước khối XHCN. Thời kỳ này, việc xuất khẩu tranh đạt được kết quả nhiều nhất. Từ đó đến năm 1990, do sự thay đổi về nhu cầu thẩm mỹ và tác động của kinh tế thị trường, dòng tranh Đông Hồ tồn tại lay lắt. Đến nay, hầu hết những người làm tranh đều bỏ nghề.

Quyết níu giữ hồn dân tộc

Lâu nay, Đông Hồ “nức tiếng” vì nghề làm tranh. Nhưng theo thời cuộc biến đổi, vùng đất này hiện không còn nhiều dấu vết làng tranh thuở xưa, số người theo nghề cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. So với trước đây cả làng có 17 dòng họ đều làm tranh thì hiện nay ở Đông Hồ chỉ còn 2 nghệ nhân còn tâm huyết, cố giữ nghề là nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Sau khi nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam qua đời, người con dâu là Nguyễn Thị Oanh (SN 1960) nối nghiệp và là nữ nghệ nhân duy nhất của làng.

Quanh làng Đông Hồ giờ chật cứng đồ dùng cho người cõi âm. Từ ngoài sân đến trong nhà, “xe máy” chất thành từng chồng cao ngất, với đủ các loại nhãn hiệu như Honda Dream, Wave, Future đến xe tay ga như: SH 125, Air Blade… Mỗi chiếc có giá khoảng 200.000 - 400.000 đồng, thậm chí có khi lên đến hàng triệu đồng, tùy từng thời điểm và tùy theo mức độ tinh xảo của sản phẩm.

Đến Đông Hồ bây giờ không còn thấy cảnh chợ tranh sầm uất; cảnh muôn màu giấy điệp phơi trên sào nứa ngoài sân đất đã trôi vào dĩ vãng, nhường đất cho sắc màu hàng mã rực rỡ.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh chia sẻ: “Nghề làm tranh ở Đông Hồ bây giờ không còn phát triển thịnh vượng như xưa, hầu hết hộ dân trong làng đã chuyển sang làm hàng mã. Nhưng gia đình tôi vẫn kiên trì giữ lấy nghề với suy nghĩ: Làng tranh đã tồn tại mấy trăm năm, trở thành nét đặc trưng văn hóa Việt nên dù khó khăn vất vả đến đâu cũng sẽ truyền nghề cho con cháu để dòng tranh Đông Hồ giữ mãi được màu sắc của dân tộc”.

Hơn 10 năm nay, sau khi tiếp nhận xưởng tranh của gia đình, bà Oanh luôn cố gắng để có những bản vẽ độc đáo và giá trị. Không những sản xuất tranh tại nhà, bà còn tích cực tham gia các cuộc triển lãm làng nghề truyền thống để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tranh Đông Hồ ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước, mong muốn nghề truyền thống này được lưu giữ mãi ở mọi thế hệ mai sau.

Là nghệ nhân truyền đời thứ 20 theo nghiệp tranh của gia đình, năm 2007, sau khi rời bục giảng Đại học Mỹ thuật về hưu, ông Chế đã đề nghị địa phương cho thuê mảnh đất bên bờ sông Đuống để xây dựng “Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống” mà ông hay gọi thân mật là xưởng tranh. Ông chia sẻ, với hơn 3 tỷ đồng đầu tư ngày ấy, giờ xưởng tranh đã trở thành điểm du lịch quen thuộc của nhiều đoàn khách tham quan trong và ngoài nước, giá trị kinh tế lên tới cả chục tỷ đồng. Tranh do các con ông Chế làm tại chỗ có giá 15.000 đồng/bức chưa có khung và khoảng 100.000 đồng/bức đóng khung gỗ. 

Tìm mua các bản khắc mà nhiều gia đình lưu luyến với nghề cũ còn giữ lại được, ông nhân thêm nhiều bản khắc mới. Số bản khắc ông dày công sưu tầm, phục chế, sáng tác ngày một nhiều và phong phú thêm. Đến nay, số bản khắc của gia đình đã có hơn 1.000 bản, trong đó có 150 bản khắc cổ, 100 loại tranh phục hồi, 20 loại tranh mới vẽ như: “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Bắt phi công Mỹ”, “Đào mương chống hạn”... Con trai ông đã có phòng tranh ở Hà Nội, mở rộng được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm này, song ông vẫn không khỏi lo lắng dòng tranh vẫn có nguy cơ mai một.

Bỏ tranh, làm hàng mã

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mỹ của người dân thay đổi, việc bán và xuất khẩu tranh gặp nhiều khó khăn. Người dân làng tranh chuyển dần sang làm hàng mã. Nghề làm tranh tồn tại yếu ớt, chỉ còn lẻ tẻ một vài gia đình bám trụ với nghề.

Nếu như trước kia, người Đông Hồ ngoài làm tranh ra thì chỉ làm thêm những mặt hàng như: Quần, áo, mũ, giày, dép, khăn xếp, cá chép và ngựa cho ông Công, ông Táo. Giờ đây, do nhu cầu của xã hội nên nhiều gia đình làm luôn cả ô tô, xe máy, điện thoại, ti vi, máy bay… để bán. Và cũng từ đó hình thành việc mỗi hộ gia đình chuyên sản xuất một mặt hàng. Chính vì thế, ngày nay, Đông Hồ được biết đến nhiều hơn từ việc sản xuất hàng mã.

Đặc biệt, đến Đông Hồ vào những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, từ đầu làng đến cuối ngõ, đâu đâu cũng thấy những ngựa, voi, xe máy, ô tô bằng tre, giấy, gỗ… cho người cõi âm. Cứ mỗi năm hai dịp, vào ngày Rằm tháng 7 và trước, sau Tết, làng Đông Hồ lại nhộn nhịp làm hàng mã. Người dân ở làng chẳng cần đi bán đâu xa, hàng làm xong được chất vào kho sẽ có thương lái đến tận làng mua.

Chị Nguyễn Thị Hương, một trong những chủ hộ sản xuất vàng mã với số lượng lớn cho biết: “Trước đây gia đình cũng từng làm tranh Đông Hồ, tuy nhiên mấy chục năm lại đây tranh bán được rất ít, khách du lịch cũng thưa dần nên lúc đầu chúng tôi kết hợp cả làm hàng mã vào theo nhu cầu kinh tế thị trường, dần về sau khách đặt hàng mã nhiều hơn nên chúng tôi chuyển hẳn qua hàng mã. Kinh tế của làng cũng khá khẩm hơn”.

Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp đến, khắp làng trên ngõ dưới lại rộn ràng những thương lái đến đặt hàng mã. Thời gian này, trong các gia đình từ người già đến trẻ em đều xúm nhau lại để làm hàng mã. Với 5 người trong gia đình, mỗi ngày chị Hương có thể xuất bán được hơn 1.000 đôi dép cho… người âm. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.