Kinh tế

Lãnh đạo ADB hiến kế giúp hạ tầng giao thông hút vốn tư nhân

09/03/2017, 15:17

Việt Nam là một trong số các nước đầu tư cho hạ tầng lớn và nhanh nhất châu Á, khoảng 5,6% GDP.

6

Chuyên gia ADB trao đổi kinh nghiệm hút vốn tư nhân vào hạ tầng giao thông 

Ngày 8/3, tại buổi tiếp xúc báo chí, ông Bambang Susantono, Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay, Việt Nam là một trong số các nước đầu tư cho hạ tầng lớn và nhanh nhất châu Á, khoảng 5,6% GDP.

“Khi nhìn vào các dữ liệu, nguồn vốn đầu tư cho giao thông ở Việt Nam chủ yếu là tài chính công, tài chính tư ít”, ông Bambang Susantono nói. Phó chủ tịch ADB cũng nhận định, trừ lĩnh vực viễn thông, bất cứ lĩnh vực hạ tầng nào ở Việt Nam đều chủ yếu được đầu tư từ nguồn ngân sách. Theo chuyên gia ADB, điều này là do lợi nhuận trong lĩnh vực hạ tầng không đủ hấp dẫn như các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, theo ADB, nợ công ở Việt Nam đã gần chạm trần cho phép là 6,5% nên sẽ không còn nhiều cơ hội tăng thêm trong việc vay vốn. Do đó, việc tham gia của nguồn vốn tư nhân là hết sức cấp thiết.

Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB, Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam, việc tham gia của nguồn vốn tư nhân cũng sẽ là nguồn bổ sung quan trọng cho sự thiếu hụt (giữa con số nhu cầu và thực tế). “Có hai quốc gia châu Á tương đối thành công trong thu hút tư nhân là Trung Quốc và Ấn Độ. Chúng ta có thể học được một số kinh nghiệm từ hai quốc gia này. Hoặc Hàn Quốc cũng có những bài học hết sức bổ ích là dùng một phần nguồn thu từ thuế hàng năm để tài trợ cho các dự án đường bộ”, chuyên gia kinh tế của ADB nói.

Chuyên gia ADB đưa ra gợi ý, Chính phủ Việt Nam phải lên danh mục ưu tiên các khoản chi tiêu cho hạ tầng, sắp xếp ưu tiên và trình tự đầu tư. Có thể thu hút vốn tư nhân thông qua cải cách thuế, xây dựng định hướng chi tiêu và cho vay nợ thận trọng và làm thế nào để đầu ra tối ưu nhất.

Cho rằng PPP là một phương thức quan trọng trong thu hút vốn tư nhân nhưng ông Eric Sidgwick vẫn cho rằng, chỉ dựa vào PPP là chưa đủ mà sau đó phải có sự hợp tác giữa các cơ quan trong việc phân bổ nguồn vốn và đảm bảo rằng nguồn vốn rót vào các dự án hiệu quả.

Hiến kế thêm cho Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân cho hạ tầng giao thông, Phó chủ tịch ADB cho hay, Việt Nam có thể thu hồi giá trị tăng thêm từ đất, xem xét sử dụng nguồn tiền này để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông như Nhật Bản đã làm rất thành công. “Đây là một biện pháp kỹ thuật mà Việt Nam có thể xem xét”, ông Bambang Susantono nói.

Đại diện ADB cho biết, Việt Nam sẽ “tốt nghiệp” vốn của Ngân hàng Thế giới vào tháng 7 năm nay và “tốt nghiệp” ADB vào 1/1/2019. Chính vì thế, trong vòng một năm tới Việt Nam sẽ phải vay với lãi suất lớn hơn. “Hiện, điều kiện cho vay từ ADB đang rẻ hơn so với AIIB (Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á), tất nhiên phải mất nhiều thời gian hơn để chuẩn bị các dự án, cho nên Việt Nam có thể cân nhắc các dự án đồng tài trợ với AIIB”, đại diện ADB nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.