Xã hội

Trang trọng tang lễ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

10/04/2019, 08:12

Sáng nay, lễ tang Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được tổ chức theo nghi thức cấp Nhà nước tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.

img
7h sáng nay, an ninh thắt chặt ngoài nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.

Sáng nay (10/4), lễ tang Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP.Hà Nội với nghi thức lễ tang cấp nhà nước.

img
Đoàn Ban Bí thư T.Ư Đảng do Tổng bí thư, Chủ tịch nước dẫn đầu vào viếng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
img
img
Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn vào viếng tướng Đồng Sỹ Nguyên

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định Ban Lễ tang Nhà nước gồm 23 đồng chí do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban.

Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 7h30 phút đến 12h30 phút.

Lễ truy điệu từ 12h30 phút, Lễ di quan từ 13h15 phút.

Lễ an táng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào hồi 17h ngày hôm nay, tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì, thành phố Hà Nội.

img
Đoàn Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm dẫn đầu
img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam viếng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: TTXVN
img
Ảnh TTXVN
img
Ảnh: TTXVN
img
img
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viếng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Linh cữu cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đặt ở trung tâm đại sảnh nhà tang lễ, phủ quốc kỳ đỏ thắm. Phía sau linh cữu là di ảnh của Trung tướng cùng dòng chữ: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), nguyên Tư lệnh bộ đội Trường Sơn".

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết trong sổ tang: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Nhà lãnh đạo xuất sắc có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, sáng tạo, có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại cho chúng ta niềm tiếc thương sâu sắc và những tình cảm quý trọng, yêu mến. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí. Xin vĩnh biệt đồng chí! Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới toàn thể gia đình!".

img
Đoàn Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật làm trưởng đoàn viếng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Khánh Linh
img

Đoàn Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật làm Trưởng đoàn vào viếng với vòng hoa mang dòng chữ: “Bộ Giao thông vận tải kính viếng”. Thành phần đoàn có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, cùng thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT. Sau khi dâng hương, đoàn Bộ GTVT đi vòng quanh linh cữu, chắp tay bái biệt Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT.

img
img
Ảnh: Khánh Linh
img
Các cựu binh xúc động viếng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Khánh Linh
img
Ông Kim Ngọc Quản năm dù sức khoẻ yếu nhưng vẫn nhờ con trai dìu đến viếng “thủ trưởng Đồng Sỹ Nguyên”.

Ông Kim Ngọc Quản năm nay đã 75 tuổi, dù sức khoẻ yếu nhưng vẫn nhờ con trai dìu đến viếng “thủ trưởng Đồng Sỹ Nguyên”. Ông Quản là anh hùng lái xe Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ. Đến viếng Thủ trưởng cũ, ông mang theo bức ảnh chụp tại gia đình tướng Đồng Sỹ Nguyên cách đây 20 năm, trong dịp phóng viên nước ngoài đến phỏng vấn về đường Trường Sơn.

Nhắc lại chuyện xưa, ông Quản tự hào khoe, cuộc đời làm lái xe của ông rất vinh dự được tướng Nguyên trân trọng gọi là “tuấn mã Trường Sơn”. Đến giờ, ông Quản vẫn rất nhớ câu chuyện xảy ra năm 1972. Khi đó, đoàn xe của ông đến Saravane (Lào) thì được gặp tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Nhưng trong đêm đó, máy bay Mỹ bất chợt ném bom toàn bộ khu vực. Trong giây phút hiểm nguy ấy, ông nhanh trí kéo tay tư lệnh xuống hầm chữ A để tránh bom. “Sau này, mỗi khi nhắc lại chuyện đó, thủ trưởng Nguyên rất xúc động”, ông Quản nhớ lại chuyện cũ. Trong ký ức của ông, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người rất gần gũi với chiến sĩ, đồng đội, là vị tướng lĩnh luôn xông pha nơi hòn tên, mũi đạn cùng anh em. Nơi hiểm nguy nhất là nơi luôn có mặt ông.

img
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc viết sổ tang
img

Trong sổ tang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc viết: “Với 97 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Với những trọng trách khác nhau, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân giao phó. Đặc biệt, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.

Là Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy các lực lượng quân đội, thanh niên xung phong “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” hình thành tuyến đường huyết mạch, chiến lược để chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí là người lãnh đạo quyết liệt, trách nhiệm, sâu sát thực tiễn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, để lại những dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực, xây dựng, công nghiêp, giao thông vận tải và trong các công trình quan trọng của đất nước như: Cầu Chương Dương, đường Hồ Chí Minh”.

img
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết sổ tang
img

Bày tỏ niềm thương tiếc đối với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, trong sổ tang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đồng Sỹ Nguyên- người cán bộ Cộng sản ưu tú, kiên cường của Đảng. Là Đại biểu Quốc hội 4 khóa, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho Quốc hội nước nhà, từ khóa đầu tiên cách đây hơn 70 năm. Vĩnh biệt đồng chí”.

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ghi sổ tang

11h15: Đội tiêu binh thực hiện các nghi lễ chuẩn bị đưa linh cữu Trung tường Đồng Sỹ Nguyên về nơi an nghỉ cuối cùng

img
img
img
img
img
img
img
img

Trước đó, theo thông tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, ông Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết sức chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu đã từ trần vào hồi 11h42 phút ngày 4/4 tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.

Ông Đồng Sỹ Nguyên sinh năm 1923, tên thật là Nguyễn Hữu Vũ. Ông sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Quảng Trạch, Quảng Bình.

Trong sự nghiệp của mình, ông từng kinh qua nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Ông cũng là 1 trong 2 vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông đã có mặt trên nhiều chiến trường khó khăn, ác liệt, tham gia chỉ huy, trực tiếp chiến đấu trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ của dân tộc.

Ông cũng là một trong những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược thành con đường vận tải chiến lược, góp phần quyết định thắng lợi của chiến tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc.

Trong giai đoạn đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, ông đã cùng với tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng- an ninh.

Tóm tắt tiểu sử Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1923; quê quán xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; thường trú tại số nhà 54 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội.

Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1938, được kết nạp vào Đảng tháng 12/1939. Từ năm 1938 đến năm 1940, ông tham gia các tổ chức hội quần chúng cứu quốc ở trường học, ở xã; tháng 12/1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; Bí thư chi bộ xã năm 1940. Năm 1941, ông làm Phủ ủy viên lâm thời huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ năm 1942 đến tháng 2/1945, ông làm Ủy viên Ban Cán sự tỉnh Quảng Bình phụ trách hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa.

Cuối năm 1942, địch khủng bố, cơ sở bị vỡ, ông sang Thái Lan và Lào tiếp tục hoạt động, gây dựng cơ sở trong Việt kiều. Tháng 3/1945, ông về nước tham gia thành lập Ban Cán sự tỉnh Quảng Bình (sau là Tỉnh ủy lâm thời), lập chiến khu, chuẩn bị khởi nghĩa.

Tháng 8/1945, ông được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy và làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình. Từ năm 1946 đến năm 1948, ông làm Bí thư Huyện ủy, kiêm Chính trị viên Huyện đội, Huyện đội trưởng huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông được cử đi học lớp Nguyễn Ái Quốc khóa I năm 1946. Tháng 5/1948, ông làm Tỉnh ủy viên, Chính trị viên, kiêm Tỉnh đội trưởng tỉnh Quảng Bình.

Từ năm 1949 đến năm 1950, ông được cử đi học lớp quân sự Bộ Tổng Tư lệnh, công tác ở Phòng Đảng vụ, Cục Chính trị. Từ năm 1951 đến tháng 1/1954, ông làm Cục phó Cục Tổ chức, Phái viên của Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Hoa Thám, tham gia Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Trung Lào.

Từ tháng 2/1954 đến tháng 3/1956, ông phụ trách công tác trao trả tù binh ở Sầm Sơn và đón tiếp bộ đội miền Nam tập kết. Từ tháng 4/1956 đến năm 1960, ông lần lượt kinh qua các chức vụ Cục phó Cục Điều động dân quân, Cục trưởng Cục Động viên dân quân, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu; ông được phong quân hàm đại tá năm 1958.

Từ năm 1961 đến năm 1962, ông được cử đi học tại Học viện Quân sự Bắc Kinh. Năm 1964, ông làm Tổng Tham mưu phó. Năm 1965, ông làm Chính uỷ Quân khu 4, Bí thư Khu ủy; Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Trung Lào.

Năm 1966, ông làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Tiền phương. Từ năm 1967 đến tháng 5/1976, ông đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh Bộ Chỉ huy 559 kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy 559; Bí thư Ban Cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào. Ông được phong quân hàm trung tướng năm 1974. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông tham gia cánh đường quốc lộ 1.

Tháng 6/1976, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bí thư Đảng ủy Tổng cục. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng; giữ chức Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng.

Từ năm 1977 đến tháng 2/1982, ông được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc, ông được điều trở lại quân đội làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô.

Tháng 8/1979, ông được điều trở lại công tác tại Bộ Xây dựng, giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), ông được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng và được Ban Chấp hành T.Ư Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), ông được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng và được Ban Chấp hành T.Ư Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ).

Năm 1991, ông thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 "trồng bảo vệ rừng phòng hộ"; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ông được nghỉ công tác từ tháng 10/2006.

Ông là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.