Đường sắt

Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm khi xảy ra TNGT đường sắt

08/12/2017, 14:47

Địa phương phải quản lý xóa bỏ theo lộ trình và chịu trách nhiệm trong việc phát sinh lối đi tự mở.

  

IMG_3816

Hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp từ các đơn vị trong ngành Đường sắt, địa phương có tuyến đường sắt đi qua

Sáng 8/12 tại TP.HCM, Bộ GTVT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì Hội thảo. Đến dự có lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cùng đại diện Ban ATGT, Sở GTVT các tỉnh thành phía Nam.

Theo Vụ pháp chế Bộ GTVT Luật Đường sắt 2005 được Quốc hội khóa X1 thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2005 có hiệu lực thi hành từ năm 2006. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đường sắt, đảm bảo vai trò của giao thông đường sắt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Đường sắt 2005 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, cần được bổ sung kịp thời. Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đường sắt và được Quốc hội kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/6/2017 Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

IMG_0054

Một điểm giao cắt đường bộ, đường sắt được bố trí người cảnh giới tại TP Biên Hòa (Đồng Nai)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đã giới thiệu tóm tắt những nội dung mới Luật Đường sắt (sửa đổi) có 10 chương và 87 điều khoản thi hành. Đáng chú ý Luật Đường sắt đã có nhiều điểm đổi mới và quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp như: xây dựng đường gom, hầm chui, cầu vượt dọc hành lang đường sắt, quy định rõ trách nhiệm của địa phương có đường sắt đi qua khi xảy ra tai nạn, niên hạn đầu máy, toa xe chở khách… quản lý đường ngang, lối đi dân sinh.

Cụ thể như: Điều 48: Trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của UBND nơi có đường sắt đi qua. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nội dung gồm: Phổ biến giáo dục pháp luật đảm bảo an ninh trật tự, ATGT đường sắt. Khi giao đất, thuê đất dọc ngoài hành lang an toàn phải bố trí đất để xây dựng đường gom, cầu vượt, hầm chui, hàng rào. Thực hiện các biện pháp bảo vệ, chống lấn chiếm hàng lang ATGT. Quản lý các lối đi tự mở, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở hiện có theo lộ trình, chịu trách nhiệm trong việc phát sinh lối đi tự mở.

Đáng chú ý, Luật Đường sắt (sửa đổi) quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương có đường sắt đi qua phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra TNGT trên địa bàn mình quản lý theo quy định của pháp luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cao đối với Dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt. Tuy nhiên, một số đại biểu còn băn khoăn về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe, công tác bảo trì… các quy định kỹ thuật về gờ giảm tốc tại các đường ngang.

A Dong

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại Hội thảo

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các đại biểu Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng Quốc hội kỳ họp thứ 3 đã thông qua (ngày 16/6/2017) Luật Đường sắt 2017 có nhiều điểm mới quy định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngành đường sắt và địa phương. Để xây dựng hoàn chỉnh các Nghị định Bộ GTVT đã tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt tại Hà Nội, Đà Nẵng. Qua hội thảo, Thứ trưởng Đông cũng ghi nhận tiếp thu các ý kiến đóng góp dự thảo và đồng tình về việc xem xét điều chỉnh niên hạn sử dụng của đầu máy, toa xe… theo sát thực tế.

Thứ trưởng Đông yêu cầu vụ pháp chế và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu các vấn đề như: xác định điểm đen, hành lang ATGT đường sắt để khi đưa vào Nghị định phải đảm bảo tính thực hiện khả thi của quy định, khai thác đất đường sắt; trách nhiệm của địa phương trong quản lý lối đi tự mở qua đường sắt.

“Giao vụ pháp chế, Cục Đường sắt Việt Nam hoàn thiện dự thảo Nghị định sau khi tổng hợp ý kiến từ các Bộ, ngành đơn vị địa phương xây dựng lộ trình cụ thể để sớm trình Bộ GTVT và trình Quốc hội thông qua và áp dụng thi hành từ tháng 7/2018. Các cơ quan quản lý đường sắt cần phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác theo dõi hỗ trợ địa phương xử lý xóa bỏ các lối đi dân sinh tự mở không an toàn theo đúng lộ trình”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.                                        

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.