Thời sự

Lao động mùa vụ sẽ được đóng bảo hiểm xã hội

14/08/2014, 06:44

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định, mở rộng đối tượng tham gia BHXH đối với đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn...

Nhân công làm thời vụ thường bị người sử dụng lao động trốn trách nhiệm đóng BHXHẢnh: Liên Anh
Nhân công làm thời vụ thường bị người sử dụng lao động trốn trách nhiệm đóng BHXH


Quyền lợi cho lao động mùa vụ


Ngày 13/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội (QH) đã góp ý về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật BHXH (sửa đổi). Theo đó, nhiều đại biểu đều tán thành nội dung quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 đến dưới 3 tháng theo hình thức bắt buộc (Điểm b, Khoản 1, Điều 2) nhằm mở rộng diện an sinh xã hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai, đây là nhóm lao động có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới ba tháng để tránh thực hiện nghĩa vụ BHXH. 


Để đảm bảo tính khả thi, nhất là liên quan đến vấn đề khả năng cân đối ngân sách Nhà nước và thu nhập của người dân trong từng thời kỳ, bà Mai tán thành phương án: Nhà nước hỗ trợ mức thấp cho tất cả người lao động tham gia nhằm khuyến khích mạnh mẽ hơn nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. “Mức hỗ trợ nên tính trên cơ sở mức đóng thấp nhất, tương ứng với chuẩn nghèo và xem xét mức hỗ trợ giảm dần theo thời gian”, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nêu ý kiến.


Cùng cho rằng, việc mở rộng đối tượng này tham gia BHXH là cần thiết, bởi nguyên tắc của BHXH là chia sẻ, song theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức công đoàn và BHXH Việt Nam phải tăng cường tuyên truyền, vận động, đổi mới công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng tham gia và có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.... “Phải có thời gian, có sự chuẩn bị, để có thể thực hiện vào năm 2018”, bà Ngân nói. 

Cán bộ không chuyên trách đóng BHXH thế nào?


Liên quan đến việc bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH ở phương án bắt buộc hay tự nguyện, Ủy ban Các vấn đề xã hội là cơ quan thẩm tra dự án luật nêu quan điểm: Đối tượng này cần áp dụng BHXH bắt buộc trong phạm vi chế độ hưu trí và tử tuất có sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, khuyến khích các địa phương, căn cứ vào khả năng ngân sách để hỗ trợ việc thực hiện BHXH bắt buộc đầy đủ 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp).


Theo Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Đức Hiền, qua tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến mong muốn được đóng BHXH. “Nói là bán chuyên trách nhưng họ làm việc cả ngày, mức phụ cấp lại tuỳ điều kiện kinh tế địa phương. Những nơi vùng sâu, vùng xa họ không có chế độ gì, họ thực sự “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ông Hiền nói. Còn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đề xuất, việc giải quyết cho cán bộ bán chuyên trách xã, phường tham gia BHXH phải trên cơ sở trả lương bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu.


Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, nếu thực hiện BHXH bắt buộc đối với đối tượng này thì Nhà nước phải bỏ ra 443 tỷ đồng/năm để hỗ trợ tiền đóng BHXH. Nhưng vấn đề ở đây là phải nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ này chứ không chỉ có ban hành chính sách hỗ trợ. Còn Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý thì cho rằng, cán bộ bán chuyên trách thì lương và phụ cấp của họ được hưởng ở nhiều nơi, nên để họ được đóng bảo hiểm tự nguyện là hợp lý. “Việc đưa đối tượng này vào diện đóng bảo hiểm bắt buộc hay tự nguyện phải xét trên các phương diện, đảm bảo cho cơ quan bảo hiểm thực hiện nhiệm vụ của mình là vừa đảm bảo an sinh vừa đảm bảo an toàn xã hội”, ông Lý nêu ý kiến.

 

Giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH

 

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với việc giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH để khắc phục những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH. Thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng tán thành bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc cơ quan BHXH cấp tỉnh và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH (Điều 122). Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, việc thanh tra của cơ quan BHXH không được trùm lên hoạt động thanh tra bảo hiểm nói chung của cơ quan quản lý Nhà nước, mà chỉ thanh tra nhiệm vụ đóng BHXH để bảo đảm thu nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ.

 

Bình Minh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.