Chất lượng sống

Lao động nước ngoài tại Việt Nam được tham gia BHXH

06/12/2018, 08:00

Số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xu hướng tăng

khám chũa bệnh cho người nước ngoài

Từ 1/12/2018, người lao động nước ngoài làm việc tại VN sẽ được chủ sử dụng lao động đóng BHXH bắt buộc

Luật BHXH năm 2014 quy định đối với lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Có quy định nhưng vẫn vướng thực hiện

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xu hướng tăng, nhất là từ năm 2016 - 2018. Hiện cả nước có trên 80 nghìn người lao động nước ngoài, trong đó đa số đã được cấp giấy phép lao động.

Chính vì vậy, việc áp dụng chính sách BHXH đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc ở Việt Nam rất cần thiết. Luật BHXH năm 2014 quy định đối với lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Song, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài vẫn chưa thực hiện, do chưa có thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành. Thậm chí, có những tình huống cụ thể phát sinh trong thực tế, khiến doanh nghiệp và người lao động bối rối, không biết giải quyết ra sao.

Điều mà nhiều doanh nghiệp lo ngại chính là rào cản về ngôn ngữ khi tham gia BHXH đối với người lao động nước ngoài, đặc biệt trong hoạt động đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở các cơ sở y tế.

Không ít nơi chưa có hướng dẫn cụ thể về mức hưởng bằng tiếng nước ngoài, còn thiếu cán bộ chuyên môn phụ trách đảm nhiệm, trong khi người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nếu người nước ngoài đăng ký khám, chữa bệnh tại cơ sở quốc tế thì chi phí rất lớn, vượt quá khả năng chi trả của quỹ BHXH.

Không ít người lao động nước ngoài băn khoăn về quyền lợi chi trả BHXH cũng như trường hợp nào bắt buộc đóng BHXH và đóng với tỷ lệ bao nhiêu. Trường hợp người lao động chuyển từ nước ngoài sang nhưng theo hình thức di chuyển nội bộ hay người nước ngoài đã tới tuổi nghỉ hưu thì có thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc hay không, cũng là câu hỏi được đặt ra.

Cần tháo gỡ kịp thời

Để tháo gỡ vướng mắc trên và bảo đảm quyền lợi của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo ông Vũ Mạnh Chữ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thu, BHXH Việt Nam, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Dù Nghị định có hiệu lực từ 1/12/2018  nhưng tới ngày 1/1/2022, người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc mới phải đóng 8% tiền lương hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Trường hợp người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động cũng không thuộc trường hợp phải đóng BHXH bắt buộc.

Song, để bảo đảm quyền lợi người lao động, từ ngày 1/12/2018 - 31/12/2021, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH cho người lao động, đóng 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, lộ trình đã được kéo giãn đến năm 2022 mới thực hiện hai chế độ dài hạn hưu trí, tử tuất. Lý do chính là giúp các doanh nghiệp tham gia BHXH có điều kiện và thời gian thực hiện các chính sách tốt hơn.

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, để hỗ trợ người nước ngoài tham gia BHXH tại Việt Nam, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với BHXH Việt Nam đàm phán các hiệp định song phương về BHXH thế hệ mới. Các cơ quan liên quan đang thực hiện đàm phán với các đối tác để vừa xử lý việc tránh đóng trùng, vừa bảo đảm quyền lợi được hưởng của người tham gia BHXH.

“Sau khi Nghị định này có hiệu lực, sẽ tiếp tục mở rộng đàm phán với các nước có nhiều lao động Việt Nam sang làm việc, nhằm hỗ trợ chính sách tốt hơn cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài”, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết.

Theo các chuyên gia, Nghị định 143 là văn bản mới, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/12 tới, do đó, rất cần thông tư và văn bản hướng dẫn. Song, trước khi có những hướng dẫn cụ thể, các cơ quan, đơn vị chức năng, nhất là bộ phận làm việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài cần chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện. Bởi việc tham gia BHXH cho người lao động nước ngoài là cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động cũng như doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.