Chất lượng sống

Lao động trở lại làm việc sau Tết, cò tuyển dụng… tung hoành

23/02/2018, 10:45

Ghi nhận tại các khu công nghiệp - khu chế xuất tại nhiều thành phố lớn, người lao động đã trở lại làm việc...

27

Lao động tấp nập trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - Ảnh: Nam Khánh

Doanh nghiệp khai xuân muộn chờ người lao động

Năm nay, chị Nguyễn Thị Sang (Ba Vì, Hà Nội), công nhân Công ty TNHH Sumitomo Heavy Industries Việt Nam được nghỉ tới hết mùng 6 Tết, sang ngày mùng 7 (23/2) mới phải đi làm. “Công ty tạo điều kiện cho những người có quê xa kịp trở lại ngày làm việc đầu năm. Không những thế, tất cả công nhân đi làm đúng ngày còn được lãnh đạo công ty trực tiếp phát tận tay tiền mừng tuổi nên mọi người hầu hết có mặt đúng hẹn. Chỉ một số người có việc riêng không đừng được mới phải xin nghỉ lui sang hôm sau”, chị Sang cho biết. Theo đại diện KCN - KCX Hà Nội, thống kê tới ngày 22/2, số lao động trở lại làm việc sau Tết đã lên tới hơn 98%. Đáng chú ý, khác hẳn với những năm trước, tình trạng “nhảy việc” xảy ra rất ít tại thời điểm này.

Tương tự, ghi nhận tại các KCN Bắc Ninh trong ngày 22/2 hầu hết các DN mới chính thức khai xuân. Theo đó, đã có hơn 90% người lao động trở lại làm việc. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lâm Thanh Sơn, Phòng Quản lý lao động - Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh cho biết: Năm nay, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết đạt cao hơn năm trước do các chính sách hỗ trợ, thưởng Tết và phúc lợi mà các doanh nghiệp dành cho người lao động đã có cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức những chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê hoặc tặng quà Tết cho công nhân. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp có chế độ mở hàng hoặc trả mức lương cao cho công nhân trong những ngày nghỉ Tết nếu quay trở lại làm việc sớm. “Chưa năm nào tình hình lao động sau Tết lại ổn định như năm nay. Tình trạng “nhảy việc” tuy có nhưng cũng không đáng kể, chỉ khoảng 2%, trong đó có nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ vì chế độ làm việc”, ông Sơn nói.

Tại Thái Nguyên, Ban Quản lý các KCN của tỉnh cũng cho biết, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc sau Tết đạt trên 95%, cao hơn khoảng 5% so với năm ngoái. Đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cho biết, từ mùng 6 Tết, 98% công nhân (tổng số 67 nghìn lao động) đã quay trở lại làm việc ổn định. Còn lại một số lao động chưa thể quay trở lại làm việc đúng hẹn là do quê ở xa, trục trặc về vấn đề tàu xe hoặc xin nghỉ phép thêm nên quay trở lại làm việc muộn.

Khác với các tỉnh miền Bắc, tỷ lệ lao động quay trở lại sau Tết tại các KCN tại nhiều thành phố lớn miền Nam lại thấp hơn do nhiều doanh nghiệp khai xuân muộn để chờ công nhân từ các tỉnh xa. Cụ thể, ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các KCX - KCN TP HCM cho biết, trong ngày mùng 6 Tết, mới có khoảng 70% người lao động trở lại làm việc. “Nhiều doanh nghiệp đến 11 tháng Giêng mới hoạt động trở lại. Ngoài ra, nhiều công nhân quê ở xa, tranh thủ nghỉ thêm phép năm và sẽ trở lại trong những ngày tới”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, tính đến ngày 21/2 mới có 29 đơn vị trên tổng số gần 400 doanh nghiệp trở lại làm việc, còn lại sẽ khởi động rải rác từ mùng 7 tháng Giêng đến đầu tuần sau.

Cẩn trọng dính bẫy tuyển dụng đầu năm

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, cơ hội việc làm sau Tết cho người lao động rất lớn. “Đầu năm, các công ty lên kế hoạch sản xuất kinh doanh chưa kể một số công ty có tình trạng “nhảy việc” nên xu hướng tuyển dụng vẫn tăng. Dự tính trong phiên giao dịch việc làm đầu năm do trung tâm tổ chức sẽ có trên 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó “khát” nhất vẫn là lao động phổ thông, nhân viên kinh doanh, marketing…”, bà Liễu nói.

Còn tại TP HCM, bà Vũ Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM cho hay, sau Tết Nguyên đán, tình trạng dịch chuyển lao động khiến nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng bình quân 5-8% so thời điểm cuối năm 2017. Riêng với những ngành sử dụng nhiều lao động như: Dệt, may, chế biến, dịch vụ - phục vụ nhà hàng, khách sạn mức độ thiếu hụt trung bình 8-10%. Nhận định về nhu cầu nhân lực tuyển dụng sau Tết, bà Đào cho biết, trong tháng 3, TP.HCM sẽ có 30 nghìn chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm ngành: Kinh doanh tài sản - bất động sản, công nghệ thông tin, điện - điện tử, xây dựng, dệt may - giày da, vận tải kho bãi - xuất nhập khẩu…

Khảo sát tại các KCN - KCX ngay từ đầu năm, những tấm biển thông báo tuyển dụng đã được giăng khắp nơi. Ghi nhận tại KCN Thăng Long, nhiều công ty trưng banner thông báo tuyển dụng hàng trăm lao động như: Hal Việt Nam, Sumitomo, Nissei, Denso… Nắm bắt tình hình này, không ít đối tượng môi giới cũng tung đủ chiêu trò dụ dỗ người lao động. Lần theo số điện thoại được rao trên mạng, trong vai người lao động cần xin việc, PV Báo Giao thông đã gặp Q.H. - một “cò” lao động tại KCN Bắc Thăng Long. H. cho hay, anh ta có rất nhiều “chân trong” bộ phận tuyển dụng tại các công ty. Theo đó, người lao động muốn lọt qua vòng phỏng vấn để trúng tuyển phải nộp cho H. 3 - 4 triệu đồng, tùy từng công ty. “Mình trực tiếp chạy vào công ty nên phải mất phí. Thời điểm này, muốn đi làm nhanh và luôn thì vào Nissei, phí 3 triệu đồng, còn vào Showa thì phải mất 4 triệu đồng. Công ty nào có cửa trực tiếp thì phí thấp, công ty nào phải qua trung gian thì phí cao hơn một chút”, H. lý giải. Để tạo niềm tin cho “khách”, H. cho biết: “Không cần trả tiền trước, chỉ cần đặt cọc bằng gốc. Khi nào công ty gọi điện báo đi làm thì mới phải nộp phí và nhận bằng gốc về”.

Trước thông tin trên, đại diện các doanh nghiệp tại KCN Bắc Thăng Long đều khẳng định, tất cả các chương trình tuyển dụng đều được tổ chức công bằng, không thu phí của người lao động. Anh Vũ Mạnh Hùng, công nhân Công ty TNHH Hal Việt Nam cho hay, không ít lao động cùng xóm trọ đã mắc bẫy thu phí của “cò” tuyển dụng. “Ngay năm rồi, công ty tôi cũng đã phát hiện và kỷ luật một vài cá nhân trong bộ phận tuyển dụng nhận tiền của người xin việc. Đầu năm cơ hội việc làm cho lao động phổ thông tại KCN rất nhiều, hơn nữa, khi qua vòng phỏng vấn đều phải là người thật, việc thật, ai đạt, phù hợp với công việc mới được chấp nhận vào làm. Chính vì thế, không dại gì phải mất tiền môi giới”, anh Hùng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.