Ảnh đồ họa: Tuổi trẻ |
Cũng từ câu nói ấy, dư luận dường như “ác cảm” với những người trong cùng một dòng họ nhưng đều làm cán bộ, quan chức ở một đơn vị hoặc một địa phương.
Giả thiết nếu những cán bộ ấy đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện, tài đức vẹn toàn thì việc giữ cương vị lãnh đạo có thể là điều dễ hiểu, nhưng dù thế nào, trong cùng một đơn vị, địa phương mà đều có tình trạng “cả họ làm quan” thì sẽ rất dễ gây dư luận xấu, có thể tạo lợi ích nhóm hoặc chi phối quyền lực. Và ta cũng không nên sắp xếp, bố trí theo hướng đó.
Nhìn ở khía cạnh tích cực, chúng ta có thể thấy vui khi người dân càng ngày càng quan tâm giám sát, phát hiện những vấn đề trong công tác cán bộ của bộ máy công quyền, từ đó đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan chức năng phải lắng nghe, vào cuộc, xem xét và kiểm tra, mang đến câu trả lời cho dư luận. Như vậy, cũng có nghĩa là chúng ta đã bắt đầu đi đúng theo hướng chỉ đạo của Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, hưởng ứng kêu gọi của Thủ tướng về việc “tìm người tài chứ không tìm người nhà”.
Thế nhưng, gần đây, báo chí, dư luận liên tiếp phản ánh thực trạng “cả họ làm quan” ở nhiều địa phương, đơn vị, vì thế người ta đặt câu hỏi “Vì sao con voi lại chui lọt lỗ kim?”. Câu giải thích “đúng quy trình” trong hầu hết các trường hợp dường như đã không làm dân tin tưởng, không lấy lại được niềm tin trong nhân dân nữa.
Quy trình là cái chúng ta đã nghiên cứu và xây dựng một cách rất chặt chẽ, nhưng vấn đề là ta có tuân thủ thực hiện theo đúng quy trình đó không? Đặc biệt, nếu người đứng đầu không tuân thủ thì đương nhiên sẽ tạo ra những lỗ hổng trong công tác cán bộ, và “cả họ làm quan” chính là một trong số những lỗ hổng ấy.
Để hạn chế thực trạng này, cũng như có thể công khai công tác cán bộ cho dân giám sát, Bộ Nội vụ cần cho lập “bản đồ công chức quốc gia”, trong đó thể hiện rõ mối quan hệ của cán bộ công chức, cụ thể xem các chức danh ở các cấp có vợ con, anh em, cha mẹ… đang làm gì, ở những cơ quan nào. Từ bản đồ đó để nhân dân, báo chí có thể giám sát về tiêu chuẩn, hoạt động của cán bộ.
Đây là ý tưởng của cơ quan Tổng Công tố Litva. Họ cho lập bản đồ cán bộ và quy định những người có quan hệ thân thuộc như vợ chồng, cha con, anh em không được làm cùng một cơ quan, đơn vị. Chúng ta cũng nên học tập họ trong việc này.
Còn về việc có nên cấm hay không chuyện “cả họ làm quan” trong luật, nếu làm căn cơ phải nghiên cứu kỹ lưỡng về các vấn đề liên quan trước khi luật hóa. Tốt nhất nên làm thí điểm ở một vài địa phương, ở cả ba miền xem hiệu quả ra sao, sau đó mới quyết định áp dụng, triển khai rộng rãi.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng
(Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận