Thị trường

"Lắp điện mặt trời dùng không hết phải trả tiền", EVN nói gì?

24/06/2021, 10:33

Ngành điện cho rằng, đây là hệ lụy của việc người làm ĐMTMN tự ý lắp đặt và đấu nối vào hệ thống điện quốc gia...

img

Khi tự ý đấu nối ĐMTMN vào lưới, với tính năng chống trộm, công tơ 1 chiều vẫn tiếp tục quay thuận chiều và cộng dồn vào số điện đã tiêu thụ.

EVN bác bỏ

Mấy ngày qua, trên các diễn đàn có phản ánh: Nhiều hộ dân ở Đà Nẵng lắp điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) sau thời điểm ngày 31/12/2020 không những không bán được điện mà phải trả tiền cho số điện dư thừa nhảy ngược lại hệ thống điện lưới...

Để làm rõ vấn đề này, PV Báo Giao thông đã trao đổi với đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vị đại diện cho biết: Từ trước ngày 31/12/2020, tất cả các hộ dân lắp ĐMTMN đều được EVN địa phương lắp đặt công tơ 2 chiều, ghi nhận sản lượng điện phát ngược lên lưới và thanh toán tiền mua điện với giá ưu đãi FIT2, mức hơn 1.900 đồng/kWh.

Tuy nhiên, sau ngày 31/12/2020 EVN đã dừng tiếp nhận các yêu cầu đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống ĐMTMN do hết thời hạn hưởng giá mua điện ưu đãi FIT2 trong 20 năm cho đến khi có cơ chế giá mới.

Tức, hiện nay, người dân làm ĐMTMN chưa được ngành điện ghi nhận sản lượng và trả tiền phát lên lưới.

Hơn nữa, nếu có lắp công tơ 1 chiều để người dân tự dùng thì ngành điện cũng có những bước kỹ thuật để không ghi nhận phần điện năng phát ngược lên lưới.

Do đó, việc “người dân phải trả tiền khi ĐMTMN dư thừa nhảy ngược lại hệ thống điện lưới” là vô lý.

Một nguồn tin của Báo Giao thông cũng cho biết, để khuyến khích việc lắp ĐMTMN tự dùng, các Tổng công ty Điện Lực TP.HCM, Tổng công ty Điện Lực Miền Nam vẫn hỗ trợ khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN được thí nghiệm miễn phí và thay công tơ 2 chiều.

Song, không ký hợp đồng mua bán điện và không ghi nhận chỉ số điện năng phát lên lưới điện.

Ngoài ra, ở các nơi chưa có công tơ 2 chiều, thì về mặt kỹ thuật có thể lắp đặt thêm thiết bị lấy điện áp tham chiếu từ lưới điện (tạo nguồn cho inverter) nhưng không xuất điện lên lưới điện (zero export, hoặc tương tự).

Như vậy, đối với công tơ 1 chiều thế hệ cũ cũng sẽ không bị ghi nhận phần điện năng từ hệ thống ĐMTMN.

Hệ lụy của việc tự ý lắp lên lưới?

Nhìn nhận về vấn đề trên, chuyên gia Lã Hồng Kỳ, thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực chia sẻ: Vào thời điểm đầu năm 2021, do ĐMTMN vẫn đang phát triển nóng, có thể vì lợi nhuận bán thiết bị nên các nhà cung cấp đã không tư vấn sâu sát cho người dân trong việc đầu tư lắp đặt ĐMTMN.

Từ đó, dẫn đến chuyện bên cung cấp thiết bị cùng người dân tự ý lắp đặt và đấu nối vào hệ thống điện quốc gia mà không làm việc với các cơ quan chức năng quản lý điện lực để được hỗ trợ và đấu nối theo quy định.

Trong trường hợp này, khi lắp công tơ một chiều (mua điện) loại cũ, với chức năng chống trộm điện, nếu không có can thiệp kỹ thuật từ cơ quan chức năng thì khi điện mặt trời dư thừa phát ngược lên lưới, công tơ vẫn tiếp tục quay thuận chiều và cộng dồn vào số điện đã tiêu thụ.

“Vì vậy, nếu người dân tự ý đấu nối hệ thống điện mặt trời vào lưới điện quốc gia thì việc phải trả thêm tiền điện là điều đương nhiên”, vị chuyên gia bày tỏ.

Chuyên gia Kỳ khẳng định: Việc tự ý đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia là vi phạm quy định pháp luật, có thể gây mất an toàn cho cho lưới điện và nhân viên sửa chữa nếu chức năng tự động cách ly của Inverter không đạt.

Qua đây, vị chuyên gia khuyên người dân nên liên hệ với đơn vị chức năng quản lý điện lực để được hỗ trợ đấu nối. Lúc này, đơn vị ngành điện sẽ kiểm tra các hệ thống theo quy trình, thay thế công tơ 1 chiều phù hợp (công tơ điện tử) để không xẩy ra tình trạng trên.

Lãnh đạo một đơn vị thuộc ngành điện chia sẻ: Ngành điện không cấm người dân tự lắp ĐMTMN để tự tiêu dùng, nhưng việc đấu nối phát lên lưới thì phải báo cáo với điện lực địa phương để được hướng dẫn bởi nó ảnh hưởng đến hệ thống điện.

Theo vị này, khách hàng ĐMT tự đấu nối lên lưới là vi phạm Điều 43 của Quy định đấu nối theo Thông tư 39/2015 của Bộ Công thương. Còn trong trường hợp, họ tự đấu nối ĐMTMN với mạng lưới nội bộ, nhưng vẫn dùng công tơ 1 chiều có sẵn của hệ thống cũ thì phần điện thừa phát ngược lên lưới sẽ bị cộng gộp theo chiều thuận và sẽ phải trả tiền tiêu thụ điện.

Do đó, người dân đang tự thực hiện đấu nối, cần liên hệ với điện lực địa phương để khắc phục tình trạng này. Qua đó, ngành điện sẽ kiểm tra tình trạng "inverter xông ngược điện lên lưới khi đã cắt", gây ảnh hưởng đến tính mạng con người...

img

Giá xăng dầu vượt ngưỡng, mặt hàng leo thang, catse nghệ sĩ đội lên 40%

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.