Thế giới

Lật tẩy nền kinh tế "bong bóng" của Trung Quốc

22/09/2014, 07:32

Dự báo GDP của Trung Quốc sắp vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên mới đây, Conference Board, một tổ chức có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế...

Nền kinh tế Trung Quốc tiêu thụ một nửa than đá và dầu mỏ toàn thế giới
Nền kinh tế Trung Quốc tiêu thụ một nửa than đá và dầu mỏ toàn thế giới


Yếu tố chính trị trong thống kê


Conference Board xem xét lại toàn bộ quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc và thấy rằng, trong giai đoạn 1952-1977 là giai đoạn tập trung kế hoạch, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của kinh tế Trung Quốc là 4,2%/năm, không khác biệt nhiều so với thống kê chính thức. Tuy nhiên, giai đoạn 1978-2012, tỷ lệ tăng trưởng trung bình chỉ là 7,2%/năm, kém con số chính thức là 9,8% đến 2,6%/năm. Sự khác biệt đó bao trùm cả thời kỳ đại suy thoái 2008-2012 và được cho là xuất phát từ phương pháp thống kê và lý do chính trị.
 

Conference Board là tổ chức tư vấn, nghiên cứu độc lập hàng đầu có trụ sở tại New York, Mỹ, được thành lập từ năm 1916, chuyên theo dõi, đánh giá "sức khỏe" kinh tế thế giới. Hiện, Conference Board quy tụ hơn một nghìn doanh nghiệp công và tư tại 60 quốc gia để tổng hợp, nghiên cứu về kinh tế và kinh doanh. Các nghiên cứu, khảo sát hay chỉ số kinh tế của tổ chức này luôn được các quốc gia, tập đoàn, tổ chức tài chính sử dụng làm tài liệu tham khảo.

Về phương pháp thống kê, Bắc Kinh thường áp dụng ba chỉ số để tính GDP là ngang giá sức mua, giá sản xuất và giá công nghiệp. Cách tính chỉ số giá này đã “giúp” nâng sản lượng mà đánh tụt mức lạm phát. Ngoài ra, cách tính sản lượng công nghiệp và giá trị gia tăng (tức chênh lệch đầu ra - đầu vào) của doanh nghiệp trong tiến trình sản xuất cũng thổi phồng sản lượng, nhất là của các doanh nghiệp nhà nước. Conference Board dẫn một ví dụ, theo cách tính này, khi làm lại một cây cầu bị sập, người ta đã tính cả tiền xây lẫn tiền sửa vào sản lượng; hoặc sắt xây dựng không dùng đến bị han rỉ, hay các khu chung cư cao cấp bị ế mà vẫn tính vào giá trị gia tăng.

Ảnh hưởng của yếu tố chính trị đối với ngành thống kê Trung Quốc thường biểu hiện qua hai hướng. Một là, tổng sản lượng của các địa phương thường cao hơn thống kê tổng hợp của Trung ương và sự khác biệt này càng mở rộng sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Nguyên nhân là cán bộ các cấp đều mắc bệnh thành tích nên thổi phồng con số thống kê, đồng thời cố xin thêm kinh phí Trung ương để mở rộng sản xuất bất chấp sản phẩm đã dư thừa dẫn đến tình trạng tồn kho ế ẩm. Hai là, sau đợt tổng rà soát kinh tế toàn quốc trong các năm 2004-2008, Trung Quốc đã điều chỉnh lại số liệu thống kê từ năm 1992-2004, nhưng cố tình giữ nguyên số liệu năm 1998. Lý do là cuộc khủng hoảng Đông Á năm 1997-1998 làm cho kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng vì toan tính chính trị nên Bắc Kinh vẫn sử dụng con số tăng trưởng cũ là 7,8% (chỉ tiêu 8%). Trên thực tế, năm 1998, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2%, thậm chí thấp hơn.

Tiêu thụ nhiều, sản lượng ít


Các chuyên gia của Conference Board còn đưa ra một chi tiết: Trung Quốc tiêu thụ đến một nửa số than đá và dầu mỏ tiêu thụ toàn thế giới mà chỉ cho ra một sản lượng chưa bằng 1/3 của Mỹ, thì sao có thể nói về mức tăng trưởng sắp “vượt qua Mỹ”! 


Nhìn lại 30 năm “huy hoàng” nhất, kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng bằng Nhật Bản, Hàn Quốc trong cùng giai đoạn. Chưa kể, nếu tính GDP theo đầu người thì Trung Quốc mới đạt 9.142 USD/người, đứng thứ 92 thế giới, trong khi chỉ số này của Mỹ là 49.601 USD/người, đứng thứ 7 thế giới.


Nhìn chung, lãnh đạo Trung Quốc cũng đã nhìn nhận ra vấn đề, tuy nhiên, nguyên nhân không chỉ ở chỗ thống kê thiếu chính xác mà còn nằm ở hệ thống chính trị. Việc khắc phục tình trạng này qua tiến trình chuyển hướng, cải tổ đang được tiến hành cần một khoảng thời gian dài với những khó khăn, trở ngại lớn. Giải quyết những chứng bệnh của một nền kinh tế lớn nhìn chung vẫn còn lạc hậu, quả thật là một bài toán khó.


Conference Board nhận xét rằng, có thể ví nền kinh tế Trung Quốc với một anh chàng to xác, bị mập phì, đứng trên đôi chân yếu. Chính vì vậy, nhìn chung, Trung Quốc vẫn đang là một cường quốc cấp khu vực. Còn những đầu tư to lớn cho quân sự đi kèm lạm phát cao, chỉ là những biểu dương bên ngoài để che giấu một nội tạng ốm yếu mà thôi. Đây là một hành động đầy rủi ro, chỉ cho thấy sự mong manh của quốc gia này. 

Nguyên Phong
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.