Xã hội

Lay lắt xóm chạy thận giữa mùa dịch

24/04/2020, 06:06

Trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành, gánh nặng trên vai những bệnh nhân xóm chạy thận lại càng thêm chồng chất.

img
Bà Hoài bên trong dãy nhà trọ ở xóm chạy thận trên phố Lê Thanh Nghị

Cuộc sống, sinh hoạt của những bệnh nhân xóm chạy thận (nằm trong một con ngõ trên phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội, đối diện Bệnh viện Bạch Mai) vốn đã rất khó khăn. Trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành, gánh nặng trên vai của họ lại càng thêm chồng chất.

Cực chẳng đã bám víu Thủ đô

Sau một đêm mưa sụt sùi, Hà Nội trở gió đón cái rét nàng Bân còn sót lại khiến cả đêm qua bà Dương Thị Hoài (65 tuổi, quê Nam Định) không chợp mắt nổi vì đau khớp gối, đôi chân nhức mỏi. “Mới hôm qua còn nóng vã mồ hôi mà nay đã trở giời, đau nhức quá không chịu được”, bà Hoài ngồi than thở.

Bà Hoài bất đắc dĩ phải “bám lê Thủ đô” khi ghi danh chạy thận ở Hà Nội. Ban đầu là ở BV Bưu điện, sau chuyển về Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai và gắn mình với xóm thận Lê Thanh Nghị này đã 11 năm. “Nơi đây gắn bó những con người đồng cảnh ngộ mà phần đời còn lại phụ thuộc vào những ca lọc thận, gian khổ mãi rồi nên cứ lạc quan mà sống thôi”, bà Hoài nói vậy.

Khởi nguồn từ căn bệnh viêm cầu thận, rồi suy thận, chạy lọc thận suốt hơn chục năm qua, ban đầu bà Hoài một thân một mình lên Hà Nội rồi trú thân ở xóm này. Khi đó sức khỏe có, bà vẫn nhì nhằng tranh thủ xen kẽ các ca chạy thận là bán thêm quạt giấy, nước chè phục vụ người nhà bệnh nhân ngay trong BV Bạch Mai. Chừng 5 năm sau, khi sức khỏe đuối, chồng bà quyết định bỏ căn nhà ở quê theo chân bà cùng nhau trú ngụ trong căn phòng chừng 8m2, nằm ngay đầu hồi của dãy nhà cấp 4.

Lên đây, ông chăm sóc bà những ngày trái gió trở trời. Thế rồi chưa đầy đôi ba năm, nước da ông cứ tái xanh, sức khỏe suy yếu. Lo cho ông, bà giục ông đi thăm khám ngay nơi bà điều trị. Ban đầu khám sơ qua không phát hiện ra bệnh, nhưng đến một ngày ông cầm tay bà tỳ mạnh vào bên thành bụng, cục u nhú nổi to từ lúc nào không hay. “Ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối rồi”, ông nói với bà như thế, rồi lặng lẽ về BV K điều trị.

Hai ông bà, người suy thận, kẻ ung thư nương tựa vào nhau. 3 đứa con cũng đều khó khăn cả. 2 cậu con trai lớn lại làm ăn tít tận miền Nam xa xôi, chỉ còn cô con gái lập gia đình giờ sinh sống ở Thanh Trì thi thoảng đảo qua thăm nom cha mẹ.

Ít năm sau đó, ông cũng từ giã cõi sống để lại bà Hoài một thân một mình lặng lẽ trong phòng trọ bé tẹo đó, đều đặn cách ngày sang BV Bạch Mai chạy thận, còn ngày ốm ngày đau nhờ sự tương trợ của xóm giềng đồng cảnh ngộ. “Từ hôm bệnh dịch Covid-19 kéo đến “ngăn sông, cấm chợ”, càng khiến xóm trọ này thêm buồn. Con cái, người thân người quen cũng không có dịp đến thăm nom. Tôi chỉ quanh ra quẩn vào, từ đây sang viện là hết. Cái ngày BV Mạch Mai phong tỏa, ai ở đây cũng lo lắng. May mắn mọi việc rồi cũng qua cả”, bà Hoài chia sẻ.

Cũng cùng quê Nam Định, bà Chu Thị Tuyết có thâm niên chạy thận còn hơn cả bà Hoài, 18 năm. Giờ cơ thể bà Tuyết còn da bọc xương, dáng đi khòng khòng khó nhọc khó đoán định được bà đang ở tuổi 55. Đôi tay gày rạc liên tục vỗ mạnh vào hai vai “vì nhức quá”. “Mới hôm qua tưởng phải bỏ dở ca chạy thận vì không chịu nổi, đau lắm. Không hiểu sao đợt này tôi đau thế mà bác sĩ bảo rồi, đau xương thì chẳng thuốc gì trị được, phải chịu thôi”, bà Tuyết nói.

Tranh thủ có người trò chuyện, bà Tuyết bảo, trước chỉ huyết áp cao, nghe người làng mách uống thuốc nam chữa bệnh, ai dè đang lành hóa thành mang bệnh, bà Tuyết suy thận lúc nào không hay. Khi tìm đến viện, bà Tuyết đã suy cấp độ 3, buộc phải chạy thận nhân tạo.

Cũng như bà Hoài, bà Tuyết bán thêm nước trà ở sân Viện Tim mạch trong BV Bạch Mai. Nhưng từ Tết ra, bệnh viện thưa thớt bệnh nhân, bà Tuyết cũng vắng khách. Thu nhập chính của hai vợ chồng từ đó cũng hẻo, tiếp đến đận Bạch Mai rồi xóm thận cách ly vì dịch Covid-19, nguồn thu nhập đó đứt hẳn.

Chia sẻ yêu thương, bước qua mùa dịch

Mỗi sớm bà Hoài đặt một nắm gạo vào chiếc nồi cơm điện bé xíu, cơm đó đủ cho bà ăn cả ngày, kèm theo ít rau, ít củ luộc hoặc ít thịt rim. Bà Hoài bảo, trước mua 10 - 15 nghìn tiền thịt mà tươm tất ăn cả ngày, từ sau Tết dấp dính vào dịch bệnh, thì phải 25 nghìn mới đủ, nên ngày có, ngày không. Thế nhưng, với sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng nhiều tấm lòng hảo tâm, bà Hoài cũng như nhiều bệnh nhân chạy thận ở xóm này không lo đói. “Sớm nay, các cô chú hảo tâm mang qua cho phần gạo, dầu ăn và cả cái đùi gà nữa. Nhưng vẫn còn ít thịt trong nồi nên tôi dành cho ngày mai, rang lên mang kèm với cơm ăn bữa vào viện chạy thận”, bà Hoài cho hay.

Bà Hoài còn cho biết thêm, những ngày cách ly vừa qua vì dịch bệnh, càng thấm thía hơn tình người đùm bọc nhau. Có những ngày bà bất ngờ tăng huyết áp, chị em trong xóm trọ thay phiên nhau túc trực; hay ai đó khó khăn đến kỳ thanh toán tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tất cả lại chung tay gom góp vay mượn, hỗ trợ kịp thời.

Khu trọ này hiện có khoảng 131 bệnh nhân chạy thận định kỳ lưu trú. Mỗi người thường thuê phòng trọ cấp 4, với diện tích mỗi phòng vừa đủ kê 2 chiếc giường đơn, và cái tủ, cái bàn con con cùng khoảng thoáng đủ xoay người. Chi phí thuê phòng cộng điện nước ước chừng 1,5 triệu đồng/tháng. Gộp thêm khoản chi tiêu ăn uống tiết kiệm, và tiền thuốc thêm, chi phí mỗi tháng hết chừng 4 - 5 triệu/người. Thế nên, ai cơ thể khỏe chút là lăn đi kiếm tiền, người thì xe ôm, bảo vệ, người thì đánh giày… cộng thêm trợ giúp từ gia đình là vừa đủ sống tằn tiện. Bệnh dịch khiến ngưng trệ tất cả.

“Ai trong xóm trọ cũng mong dịch bệnh qua mau, còn tìm công việc làm để sinh nhai, không được nhiều nhưng có một chút để trang trải, đỡ cho gia đình”, anh Mai Anh Tuấn (một bệnh nhân ở xóm thận) chia sẻ.

Ngày thứ 7 không thêm ca nhiễm Covid-19

18h chiều 23/4, Bộ Y tế cho biết, không ghi nhận ca dương tính Covid-19 nào, là ngày thứ 7 không thêm ca nhiễm mới. Cùng ngày, một người ở TP HCM được công bố khỏi bệnh, đưa tổng số người khỏi bệnh lên 224. Hiện còn 44 người đang điều trị.

Các bệnh nhân đang được điều trị tại 7 cơ sở y tế, trong đó 39 ca tại các bệnh viện tuyến trung ương; 3 ca ở tuyến tỉnh; 2 ca tuyến huyện. Hầu hết sức khỏe ổn định, trong đó 12 ca xét nghiệm âm tính lần một, 8 ca âm tính lần hai.

Hơn 68.000 người đang được cách ly, trong đó tại bệnh viện 369 người, tại cơ sở tập trung hơn 18.000 người, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.