Đời sống

Lấy nước sông ô nhiễm làm nước sạch: Dấu hỏi về câu trả lời của Sở TN&MT?

27/06/2019, 19:15

Trong khi, chính quyền, người dân mong muốn được dùng nguồn nước sạch, thì Sở TN&MT lại “hậu thuẫn” cho tiếp tục dùng nước sông Đào ô nhiễm?

img
Nước sông Đào vị trí gần trạm bơm luôn đặc quánh, đen ngòm vì nước thải từ các nhà máy, trang trại, khu dân cư

Sau khi Báo Giao thông đăng tải hàng loạt bài viết về việc Công ty CP Cấp nước Nghệ An làm trái lệnh tỉnh, lén lút lấy nước sông Đào ô nhiễm để sản xuất nước sạch, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành địa phương đi kiểm tra thực tế để báo cáo tỉnh. Tuy nhiên, báo cáo của đoàn liên ngành lại thể hiện nhiều ý kiến trái chiều từ các bên. Trong khi, chính quyền địa phương, người dân mong muốn được dùng nguồn nước thô bơm từ đầu nguồn từ Sông Lam về làm nước sạch, thì Sở TN&MT lại “hậu thuẫn” cho Công ty CP Cấp nước Nghệ An tiếp tục dùng nước sông Đào ô nhiễm làm nước sạch.

Cụ thể, theo báo cáo số 1817/SXD-HTKT của Sở Xây dựng Nghệ An gửi UBND tỉnh, quá trình kiểm tra thực tế tại 2 trạm bơm nước thô Cầu Mượu và Cầu Bạch, 2 nhà máy sản xuất nước sạch Hưng Vĩnh và Cầu Bạch, xác định có bơm nước thô từ sông Đào về. Trong đó, nhà máy nước Cầu Bạch sử dụng 100% nước thô từ Sông Đào thông qua bể lắng để làm nước sạch; Nhà máy nước Hưng Vĩnh lấy nước từ 22h đến 6h sáng. Việc lấy nước tuy không tuân thủ như các văn bản chỉ đạo của tỉnh nhưng đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác, sử dụng từ năm 2007.

img
Dù nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng và xảy ra trong nhiều tháng liên liếp nhưng Sở TN&MT vẫn cho rằng nước chưa ô nhiễm

Trong văn bản cũng nêu ý kiến của UBND huyện Nam Đàn: “Sông Đào chảy qua nhiều xã, thị trấn, qua nhiều khu dân cư, đồng ruộng sản xuất của huyện. Hiện nay, nước thải tại các khu dân cư đang thải tự do, chảy trực tiếp xuống sông Đào. Vì vậy, nguồn nước thô tại Sông Đào sẽ không thể tránh khỏi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu và các tạp chất khác mà có thể phương pháp kiểm nghiệm không phát hiện được. Nguyện vọng của nhân dân là các nhà máy nước nên sử dụng nguồn nước thô từ sông Lam”.

Ý kiến của UBND TP Vinh cũng nêu rõ những băn khoăn, lo lắng của người dân: “Thời gian qua có rất nhiều ý kiến cử tri băn khoăn về chất lượng từ nguồn nước sông Đào do Công ty CP Cấp nước Nghệ An sử dụng để sản xuất nước sạch. Một bộ phận nhân dân cũng đang có ý kiến thắc mắc về giá nước sạch do Công ty cấp nước Nghệ An thu. Vì vậy, đề nghị kiểm nghiệm lại chất lượng nước sông Đào và công bố rộng rãi để nhân dân được biết”.

Có điều lạ là trong văn bản này tiếp tục nêu ý kiến từ phía Sở TN&MT khẳng định nước sông Đào chưa ô nhiễm. “Định kỳ 2 tháng 1 lần ngành thực hiện quan trắc các nguồn nước, trong đó có nguồn nước sông Đào. Qua kết quả quan trắc thì có một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn, nhưng không đáng kể, chưa ô nhiễm nguồn nước” - ý kiến của Sở TN&MT Nghệ An.

Đối với Sở Xây dựng - thành viên thường trực của Ban chỉ đạo cấp nước an toàn Nghệ An, họ cho rằng đây là vấn đề lớn, phức tạp, có một số nội dung không thuộc thẩm quyền. Vì vậy, Sở đề nghị UBND tỉnh đứng ra tổ chức họp với các bên liên quan để đưa ra quyết định cuối cùng.

Ngay khi PV đề cập việc Công ty CP Cấp nước Nghệ An đang lấy nước từ Sông Đào để sản xuất nước sạch thì Thạc sĩ Võ Văn Hồng - Nguyên trưởng Phòng Tài nguyên nước, biển và hải đảo, Sở TN&MT Nghệ An (giai đoạn 1990 -2010), tỏ ra ngạc nhiên: Từ lúc tôi đang còn làm Trưởng phòng thì đã xác định nước sông Đào tại khu vực Cầu Mượu bị ô nhiễm. Tại đây có nhà máy bia, xưởng sản xuất giầy da, chế tác đá quý đặt đường ống nước xả thải trực tiếp. Gần khu vực đó có nhiều kho thuốc bảo vệ thực vật. Rồi còn nhiều trang trang trại, nông trại quanh đó, họ vứt rác, vỏ lọ thuốc trừ sâu xuống dòng kênh này nên tỉnh đã ra văn bản yêu cầu dừng lấy nước thô ở đây. Không lẽ sau vài năm, nước ở đây lại hết ô nhiễm.

img
Kết quả quan trắc nước sông Đào tháng 3/2019 với nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng, trong đó có 2 chỉ tiêu vượt gần gấp đôi.

Khi PV đưa cho Thạc sĩ Hồng xem các kết quả quan trắc năm 2018 và 2 đợt tháng 1 & 3 năm 2019 của Trung tâm Quan trắc TN&MT Nghệ An, Thạc sĩ Hồng khẳng định: Nước có nhiều chỉ số vượt ngưỡng và liên tiếp vượt ngưỡng trong thời gian dài như vậy là nước rất bẩn, không thể dùng sản xuất nước sinh hoạt được. Nội dung này cũng đã được thể hiện rõ trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt (QCVN 08).

“Nước thô phải đạt tiêu chuẩn A2 trong QCVN 08 mới được lấy làm nước dùng cho sản xuất nước sinh hoạt. Còn ở đây có 4 - 5 chỉ tiêu không đạt mà vẫn cho đưa vào làm nước sạch là vô lý. Tỉnh cần có chỉ đạo rõ hơn về nội dung này”, thạc sĩ Hồng tái khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Việt Hồng - Phó Trưởng Phòng Quản lý lưu vực sông và bảo vệ tài nguyên nước (Cục quản lý tài nguyên nước - Bộ TN&MT) khẳng định: Mẫu nước sông Đào của Trung tâm Quan trắc TN&MT Nghệ An, tại Trạm bơm cầu Mượu từ ngày 1/3 - 28/3/2019 có 4 chỉ số vượt ngưỡng, tức là không đạt theo quy chuẩn của QCVN 08- MT:2015/BTNMT. Trong trường hợp nhà máy nước sử dụng nguồn nước ở đó thì nên chọn thời điểm lấy nước phù hợp và kiểm tra, giám sát thường xuyên chất lượng nguồn nước để đảm bảo chất lượng nước đạt yêu cầu đầu vào theo quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.