Thời sự

Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo: Những ý kiến bên hành lang Quốc hội

26/10/2018, 05:38

Câu chuyện được đề cập nhiều nhất bên hành lang Quốc hội là “lấy phiếu tín nhiệm”.

1

Các đại biểu thực hiện việc lấy phiếu đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn - Ảnh: TTXVN

Giữa giờ chiều 25/10, Quốc hội nghỉ giải lao sau khi hoàn thành việc công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. 

Bộ trưởng Nhạ “không nghĩ mình thiệt thòi về lá phiếu”

Trong giờ nghỉ giải lao, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, là thành viên Chính phủ nhận tín nhiệm thấp nhiều nhất (28,25%) đã chia sẻ như vậy khi PV hỏi chuyện. Ông nói: “Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo”.

Cho rằng giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà và luôn được xã hội quan tâm, song theo Bộ trưởng Nhạ, có những vấn đề không thể giải quyết được trong một sớm một chiều mà cần có thời gian. Ông cũng chia sẻ, vừa qua, ông và ngành Giáo dục đã rất cố gắng và cũng đã đạt được một số kết quả. Là tư lệnh của một ngành với rất nhiều vấn đề nóng, nhưng ông không cho rằng, đó là thiệt thòi của mình khi lấy phiếu tín nhiệm. “Ngành nào cũng có vấn đề riêng, tuy nhiên, giáo dục thì có phần nhạy cảm hơn, nên mình phải cố gắng hơn để làm sao giải quyết dần dần, để có kết quả tốt nhất”, ông Nhạ chia sẻ.

Theo ĐB Phạm Tất Thắng, một điểm đáng chú ý là hầu hết các chức danh lãnh đạo cấp cao đều nhận được tỷ lệ tín nhiệm cao, song theo ông Thắng, đây không phải do nể nang mà đó là cách đánh giá từ thực tế, bởi vừa qua, cả hệ thống chính trị có sự chuyển biến mạnh từ cơ quan lập pháp đến hành pháp, thể hiện rõ nhất trong lãnh đạo điều hành của người đứng đầu và thay đổi này đã được ĐBQH ghi nhận.

Cũng theo ông Nhạ, lấy phiếu tín nhiệm nhằm giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Nhận được 54,23% tín nhiệm cao, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ với Báo Giao thông rằng, ông rất mừng vì những cố gắng thời gian qua đã được ghi nhận. “Những nỗ lực của tôi đã được ghi nhận, nhưng cũng còn 6% tín nhiệm thấp, đó cũng là điều khiến tôi phải suy nghĩ và cố gắng làm tốt hơn nữa”, ông Thanh nói.

Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, người nhận được 57,53% tín nhiệm cao cũng chia sẻ: “Tôi vui mừng trước kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân tôi cũng như đối với 48 người thuộc diện lấy phiếu lần này”. Bà Hải cho rằng, qua kết quả này, bà cũng thấy được những gì mình làm được, những gì chưa làm được để cố gắng hơn nữa khắc phục những hạn chế, những điểm còn yếu của mình, làm tốt hơn công việc, nhiệm vụ được giao phó.

2

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thực hiện việc lấy phiếu đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn - Ảnh: TTXVN

Tìm cách khắc phục tồn tại để tạo chuyển biến

Là một trong hàng trăm ĐBQH góp tiếng nói đánh giá các lãnh đạo chủ chốt qua lá phiếu của mình, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An đánh giá, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tương đối khách quan. Qua kết quả lấy phiếu, ông Cầu cho rằng, quan trọng là giúp các lãnh đạo nhìn thấy tồn tại và quan trọng hơn nữa là tìm cách khắc phục tồn tại ấy. Dù ngành nào có khó khăn nhưng nếu từ đây mà tư lệnh ngành nỗ lực thì chắc chắn sẽ có chuyển biến.

Theo ông Cầu, những lãnh đạo ở khối Chính phủ thường va chạm nhiều hơn nhưng trong cách đánh giá của mình, các ĐBQH cũng hết sức công tâm, đặc biệt khi người đứng đầu có nỗ lực, cố gắng. Theo ông, 48 người được lấy phiếu tín nhiệm về phẩm chất, năng lực, trình độ rất tốt, nhưng trong một hoàn cảnh nào đó, có những vấn đề tồn tại từ nhiệm kỳ trước, giờ họ chưa làm kịp thì cần có thời gian để làm tốt hơn, vì thực tế có những lãnh đạo sau mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm thì tỷ lệ tín nhiệm cao đã tăng lên.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng phân tích về việc những ngành như giáo dục, giao thông, y tế thường không nhận được tỷ lệ tín nhiệm cao như các ngành khác. Theo ông Thắng, chúng ta đang ở giai đoạn phát triển, những ngành có yêu cầu đầu tư phát triển cao như giao thông, ngành thuộc khối phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục thì yêu cầu của cử tri cao, nhưng nguồn lực lại hạn chế, và bản thân cơ chế chưa thông suốt, hiệu lực điều hành của bộ máy cũng chưa thực sự cao.

Bởi vậy, tư lệnh những ngành này phải giải quyết mâu thuẫn đó nhưng đây là vấn đề rất khó, không chỉ một vài năm mà cần một giai đoạn nhất định, để nâng cao hiệu lực điều hành và dành được nguồn lực đầu tư thoả đáng hơn.

Dù có những lĩnh vực thực sự nóng, nhạy cảm, nhưng các ĐBQH đánh giá luôn ghi nhận sự cố gắng của người điều hành những lĩnh vực này, có lẽ vì thế mà trong cả 3 lần lấy phiếu tín nhiệm, chưa có ai bị tỷ lệ tín nhiệm và tín nhiệm cao dưới 50%. “ĐBQH thể hiện tiếng nói của cử tri, nhưng cũng phải chia sẻ với khó khăn của những người đứng đầu trong điều hành công việc”, ông Thắng nói.

Chủ tịch Quốc hội lần thứ ba dẫn đầu số phiếu tín nhiệm cao

Chiều 25/10, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó, có 18 thành viên thuộc khối Quốc hội.

Trong khối này, người dẫn đầu về tỷ lệ “tín nhiệm cao” là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với 437 phiếu tín nhiệm cao, chiếm 90,1%, 34 phiếu tín nhiệm, chiếm 7,01% và chưa đến 1% thể hiện tín nhiệm thấp.

Kết quả trên cho thấy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là người đạt số phiếu tín nhiệm cao cao nhất.

Đáng lưu ý, trong hai lần Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trước đây vào năm 2013 và 2014, khi giữ cương vị Phó chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng dẫn đầu danh sách với số phiếu tín nhiệm cao nhất (năm 2013 là: 372 phiếu tín nhiệm cao, 104 tín nhiệm, 14 tín nhiệm thấp; năm 2014 là: 390 phiếu tín nhiệm cao, 86 tín nhiệm, 9 tín nhiệm thấp). 

Trong khối Chính phủ, lần này có 26 thành viên trong diện lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người có tỷ lệ “tín nhiệm cao” cao nhất trong 26 thành viên Chính phủ.

Cụ thể, có 393 ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm cao dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (chiếm 81,03%). Tỷ lệ tín nhiệm dành cho Thủ tướng là 14,02%, tương đương 68 ĐBQH.

Ở khối TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và Kiểm toán Nhà nước, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao dẫn đầu với 286 phiếu tín nhiệm cao, 171 phiếu tín nhiệm và 18 phiếu tín nhiệm thấp.

Ở khối Chủ tịch nước, có một người thuộc diện lấy phiếu là Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Bà Thịnh đạt 323 phiếu tín nhiệm cao, 146 phiếu tín nhiệm và 6 phiếu tín nhiệm thấp.

Anh Thư

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.