Hạ tầng

Lấy ý kiến người dân trước khi làm đường sắt đô thị lợi gì?

24/10/2018, 15:07

Chuyên gia của Tractebel, Pháp nêu kinh nghiệm để triển khai dự án đường sắt đô thị đạt hiệu quả.

IMG_2933

Đại diện Tractebel trao đổi, nêu kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh và đường sắt đô thị

Công ty Tractebel (thuộc tập đoàn Engie, Pháp) và Trường Đại học Công nghệ GTVT vừa tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Tàu điện ngầm Grand Paris, Đường sắt cao tốc- Đô thị thông minh, những ví dụ cụ thể cho tương lại Việt Nam”. Tractebel được biết đến là đơn vị có kinh nghiệm triển khai một số dự án tàu điện ngầm tại Paris, với đảm nhận vai trò thiết kế cơ sở và quản lý dự án.

Trong quy hoạch mạng lưới đường sắt Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 8 tuyến đường sắt trung tâm và hiện có 3 tuyến đang được triển khai (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo). Theo ông Ismail Himdi, Tractebel chưa có đầy đủ dữ liệu thông tin để đưa ra khuyến nghị nên triển khai tuyến nào trước. Tuy nhiên, trước khi xây dựng tuyến đường sắt mới nên khảo sát, lấy ý kiến khảo sát người dân nhằm đánh giá nhu cầu và khả năng mang lại hiệu quả của dự án.

“Khảo sát trước khi xây dựng dự án nhằm đánh giá nhu cầu, mức độ sẵn sàng của người dân về việc sử dụng tuyến đường sắt để có thêm thông tin trước khi quyết định xây dựng, thời điểm triển khai. Bởi nếu sau khi đường sắt xây xong mà vắng người đi lại sẽ không có hiệu quả”, ông Ismail Himdi nói.

Liên quan đến vấn đề khảo sát ý kiến, tháng 9/2018, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cũng tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người dân về mẫu thiết kế tàu đường sắt đô thị, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và mức độ quan tâm, trải nghiệm tuyến đường sắt này.

IMG_4988

Một đoạn trên cao của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội trong thời gian đang xây dựng - Ảnh tư liệu

Cuộc khảo sát do một công ty truyền thông thực hiện từ ngày 5-19/9, bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp hơn 1.000 người độ tuổi 18-60 đang cư trú hoặc học tập, làm việc gần 8 nhà ga của tuyến đường sắt; đồng thời khảo sát ý kiến qua trên một số báo điện tử, mạng xã hội.

Theo kết quả công bố, 80% ý kiến đánh giá thiết kế đoàn tàu đẹp, hài hòa và 20% đánh giá bình thường, không đẹp. Tương tự, từ 14-21% ý kiến khảo sát trên mạng đánh giá đoàn tàu bình thường và không đẹp. Bên cạnh đó cũng lấy khảo sát về nội dung có “Sẵn sàng trải nghiệm” hay không, qua một số báo điện tử và mạng xã hội, với kết quả là: 9-35% cho biết “Không sẵn sàng, Chưa rõ” để trải nghiệm tuyến đường sắt trên.

Đáng lưu ý, dự án được triển khai từ năm 2010 hiện đang bị chậm tiến độ, đội vốn. Mới đây, Ban Quản lý dự án cho biết, dự kiến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác trước 8,5km đi trên cao đoạn Nhổn - Cầu Giấy, năm 2022 hoàn thành xây dựng và khai thác đoạn 4km đi ngầm còn lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.