Sau Tết, tôi gọi điện thoại cho ông thì máy đã không còn liên lạc. Tôi nghĩ chắc ông mệt và chưa nghĩ đến điều xấu, dẫu biết ông bệnh nan y đã từ lâu. Vậy mà ngày hôm nay, ông đã đi xa.
Nhà thơ Lê Đình Cánh sinh ngày 21/9/1941, quê ở Thọ Xuân, Thanh Hoá. Ông tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, sau đó học thêm Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Lê Đình Cánh từng là giáo viên dạy văn hóa của lực lượng Thanh niên xung phong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông có nhiều năm công tác ở Ban Văn nghệ Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam trước khi nghỉ hưu.
Lê Đình Cánh còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Từng là lực lượng Thanh niên xung phong nên nhà thơ Lê Đình Cánh có duyên “tự nhiên” với ngành Giao thông vận tải (GTVT), nhất là ngành Đường sắt. Ông đã đồng hành rất nhiều với cán bộ nhân viên trên các ga, các cung đường từ Bắc đến Nam. Tập bút ký “Miền chầu văn” xuất bản năm 2015 của ông có nhiều bài viết về ngành Giao thông như: “Nẻo đường quê hương”, “Cầu Vĩnh Tuy”, “Cầu Nhật Tân”, “Mưa xuân”, “Dòng sông không bị lãng quên”...Ông là một trong những nhà thơ tham gia Trại sáng tác văn học Bắc miền Trung tại Cửa Lò (Nghệ An) năm 2014 của Cuộc vận động sáng tác văn học quy mô cả nước nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành GTVT Việt Nam (năm 2015).
Dịp đó, nắng như đổ lửa và ông đã bị bệnh. Tuy nhiên, những ông không vắng mặt trên một công trường nào trên cả địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông hỏi, quan sát những cành cây, ngọn cỏ đặc biệt tại nơi có công trình, dự án. Thái độ quan sát của Lê Đình Cánh là như vậy.
Nhắc đến Lê Đình Cánh, người ta vẫn gọi ông là nhà thơ. Thơ ông neo ngòi bút vào dòng lục bát. Đó là sở trường thơ ông, được thừa nhận có vị trí nhất định trong làng thơ. Nhiều bài xếp vào hàng độc đáo.
Hơn 50 năm cầm bút với tính cách lặng lẽ, ngại phô trương, ông đã xuất bản in các tập thơ: "Đất lành" (1986), "Người đôn hậu" (1990), "Trời dịu" (2001), "Sông Cầu Chầy" (2015) và văn xuôi ngoài “Miền chầu văn” như đã nói ở trên, ông còn có "Vùng đất sẽ có tên" (NXB Thanh Hoá, 1985 "Đường xuân" (NXB Quân đội nhân dân, 2003), "Nắng Nghi Sơn" (NXB QĐND, 2013).
Những ngày bị bệnh trọng, bạn bè, anh em, gia đình, đồng nghiệp đến thăm, ông vẫn lạc quan và luôn nghĩ tới đồng nghiệp, bạn bè. Ông nhớ tới từng chi tiết, từng gương mặt, từng tính cách... Điều đặc biệt của nhà thơ Lê Đình Cánh là lúc nào cũng nghĩ đến công việc.
Trước Tết Kỷ Hợi, sang thăm ông, ông vẫn nói với tôi: “Ngô Đức Hành xem xem có đơn vị nào gần gần anh em mình đi viết bút ký”. Nhìn ông gầy, da xanh tôi rất ái ngại nhưng vẫn động viên ông: “Em sẽ cố gắng liên hệ”.
Lê Đình Cánh là nhà thơ viết bút ký xuất sắc. Bút ký của ông đầy “chất thơ”. Tôi vẫn mê Vũ Bằng với “Thương nhớ mười hai”, Phạm Ngọc Cảnh với “Cát trinh nguyên” và Lê Đình Cánh... Trong tác phẩm văn xuôi Lê Đình Cánh, nhiều câu chuyện tưởng chừng dễ trôi đi nhưng nhờ những quan sát, sự suy ngẫm theo chiều sâu của nhà văn, những chi tiết đã mắc lại trong dòng ngẫm nghĩ vượt khỏi thông tin báo chí, thông tấn.
Lê Đình Cánh có phong cách bút ký của riêng ông. Đó là sự thăng hoa của những chi tiết đời thường. Chi tiết là cái tứ cho câu chuyện và cũng là những vỉa quặng đốt cháy ngọn lửa soi sáng dòng chảy của bút ký.
Ông đi nhiều, nhiều nơi tín nhiệm mời ông đi thực tế để viết. Bút ký của ông nâng lên thoát ra khỏi những hợp đồng, những "cú bắt tay" với địa phương, ngành nghề, doanh nghiệp để trở thành câu chuyện chung, khái quát từ những chuyện riêng, chi tiết lẻ.
Dường như năm 2018 và 2019 là năm “nghiệt ngã” với các nhà văn, nhà thơ có “duyên” với ngành GTVT. Nhà thơ Mai Hồng Niên mất chưa lâu, nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo tác giả của “Trường ca Đồng Lộc” vừa qua “49 ngày”, nay nhà thơ Lê Đình Cánh cũng đã đi xa. Vĩnh biệt ông, con người hồn hậu và mê mải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận