Xã hội

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Nhiều chuyện lạ chưa thể lý giải

03/07/2017, 18:06

Ngay cả những người mang các "ông" trâu dự sới chọi cũng không lý giải được nhiều chuyện ở lễ hội này.

choi trau do sơn

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã tồn tại hàng trăm năm

Lần đầu có người tử vong trên sới chọi 

Mùa chọi trâu Đồ Sơn năm nay, hình ảnh ông chủ trâu số 18 Đinh Xuân Hướng bị chính “ông trâu” của mình húc thiệt mạng tại vòng loại lễ hội tràn ngập trên báo chí, mạng xã hội. Rất nhiều ý kiến thương tiếc cho người đàn ông sinh nghề tử nghiệp nhưng cũng có nhiều ý kiến khác lo ngại tính bạo lực và những trò biến tướng của lễ hội này sẽ gây nhiều hệ luỵ, thậm chí có người lên tiếng đề nghị loại bỏ lễ hội này.

bia_rfpi

Ông Đinh Xuân Hướng là người đầu tiên chết trên sới chọi trâu Đồ Sơn

Trên sới chọi trâu, ông Đinh Xuân Hướng không phải người xa lạ. Trong ngày định mệnh 1/7 vừa qua, khi vào sới đấu, ông Đinh Xuân Hướng đeo Thẻ BTC, trực tiếp cầm 1 đoạn thừng đưa “ông” trâu của mình vào sới. Hình ảnh video cho thấy, khi trâu số 18 có biểu hiện hung hãn, ông Hướng ra hiệu cho mọi người tản ra, bản thân không hề sợ hãi mà cố gắng tìm cách “bắt” lại “ông” trâu đang nổi cơn bất kham.

Phải đến cú húc thứ 3, ông chủ Đinh Xuân Hướng mới chịu nằm gục sau khi bị chính ông trâu của mình tấn công. Ông Hướng là người đầu tiên chết trên sới chọi trâu trong lịch sử hàng trăm năm tồn tại của lễ hội này.

1

Người dân địa phương cho rằng, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là nét văn hóa đặc sắc của Hải Phòng

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có gì lạ?

Theo nhiều du khách, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có nhiều điểm lạ mang dấu ấn tâm linh khó lý giải, nó đã tồn tại hàng trăm năm qua. Chẳng hạn, cứ đến ngày chọi 9/8 âm lịch, trời nổi giông gió vần vũ, mưa như trút nước.

Rồi quanh chuyện chọn trâu chọi cũng có nhiều điều khó hiểu. Mặc dù là đất chọi trâu nhưng đại đa số các ông trâu được dự sới chọi ở Đồ Sơn là các giống trâu ngoài Hải Phòng. Có “ông” đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang hay từ các tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình. Có “ông” đến từ miền Đông Nam Bộ, "ông" trâu 18 gây hoạ cho chủ vừa qua đến từ miền Tây Nam bộ - nơi đặt bối cảnh bộ phim “Mùa len trâu” nổi tiếng. Thậm chí nhiều "ông" sang đây bằng… hộ chiếu Lào, Campuchia, Myanma…

Nhiều người nói chuyện phải mang trâu nơi khác về mới thắng đã thành lời nguyền ở xứ này. Ngay câu đối treo ở Đền Nghè cũng thể hiện ý đó với 4 chữ “kỳ ngưu đáo xứ” – nghĩa là trâu lạ ở nơi khác đến thì mới chọi hay. 

5

Lễ hội chọi trâu thu hút hàng vạn du khách

Cúng thừng mới, xin cho "ông con mình" cùng về Đồ Sơn

Nhiều ông chủ trâu chọi cho biết, chủ trâu gặp được “ông” trâu cũng là cơ duyên. Cứ tan hội chọi trâu năm trước, ăn Tết xong, qua rằm tháng giêng năm sau, các phường giáp Đồ Sơn đã khăn gói quả mướp lên đường tìm trâu chọi mới. Khi gặp được “ông” trâu ưng ý, bao giờ người mua trâu cũng đưa thêm tiền, xin phép nhờ chủ nhà làm một mâm cỗ cúng. Mâm cỗ cúng có nhiều món tuỳ vùng miền nhưng nhất thiết trên mâm phải có 1 cuộn dây thừng mới.

Chủ trâu mới thắp hương quỳ giữa sân nhà có trâu, khấn khứa với nội dung như: Chúng con quê ở Đồ Sơn, không quản đường xá trèo đèo lội suối, muôn dặm quan san mới tìm được đến đây, có cơ duyên được gặp “ông”. Nay con xin phép thay thừng mới, rồi “ông con mình” cùng về quê Đồ Sơn để mong giữ nếp xưa dáng cũ, để cùng rạng danh ở chốn trời biển giao hoà”…

Một tục lệ của lễ hội ít người biết là đến ngày chọi, chủ trâu phải “ăn chay nằm mộng”. Thật ra, việc này giúp chủ trâu bảo đảm sức khoẻ huấn luyện trâu, một công việc rất tốn sức. Ý còn lại là tạo niềm tin vào sự may mắn của “ông” trâu trong mùa chọi mới.

Người dân địa phương và nhiều du khách cho rằng, những câu chuyện khiến lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có bản sắc riêng biệt không nơi đâu có. 28 năm qua, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được liên tục tổ chức. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được vinh danh là 1/15 lễ hội trọng điểm quốc gia, ở một đất nước có đến trên 8.000 lễ hội lớn nhỏ.

Sau sự cố trâu chọi đâm chết ông chủ tại lễ hội ngày 1/7, đã có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc tồn tại lễ hội này. Trong đó, nhiều người đề xuất nên xóa bỏ, nhưng cũng không ít ý kiến bảo vệ lễ hội cho rằng cần thay đổi cách tổ chức,  bớt cảnh mổ xẻ sau sới chọi, tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn cho chủ trâu, cho khách tham quan chứ không nên cấm. Dù sao, lễ hội chọi trâu tồn tại cả nghìn năm nay cũng là nét văn hoá làm nên sự khác biệt của Hải Phòng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.